Nhật Bản: Khám chữa bệnh trực tuyến lên ngôi
Do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lên đến đỉnh điểm trong tháng Tư vừa qua, Nhật Bản đã tạm thời nới lỏng các hạn chế đối với khám chữa bệnh từ xa, cho phép bác sỹ lần đầu tiên được khám bệnh trực tuyến hoặc qua điện thoại, đồng thời nối dài danh mục các bệnh được phép khám trực tuyến.
Sự thay đổi này đánh dấu một cuộc cải cách đầy hứa hẹn tại một trong những thị trường chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới này.
Cuộc cải cách này cũng có thể giúp Nhật Bản giải quyết được nhiều vấn đề trong ngành y tế của nước này như chi phí y tế tăng vọt và tình trạng thiếu bác sỹ ở các khu vực nông thôn. Lâu nay, Nhật Bản vốn bị cho là chậm chân hơn các nước khác như Australia, Trung Quốc và Mỹ trong hoạt động khám chữa bệnh trực tuyến.
Trước đây, các bác sỹ ở Nhật Bản chỉ được phép khám chữa trực tuyến cho những bệnh nhân khám thường xuyên và chỉ được thực hiện đối với một số bệnh nhất định.
Tuy nhiên, tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đã khiến các giám đốc điều hành Line Corp, dịch vụ mạng xã hội nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, thúc đẩy các kế hoạch triển khai chương trình Line Healthcare. Line hiện có 84 triệu người dùng tại Nhật Bản, đặt mục tiêu kết nối trực tuyến giữa bác sỹ và bệnh nhân.
Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản như Medley Inc và MICIN Inc đã chứng kiến nhu cầu khám chữa bệnh trực tuyến tăng mạnh. Cả hai công ty này đều tung ra các dịch vụ ứng dụng như hẹn khám, tư vấn chữa bệnh và thanh toán tiền khám qua mạng.
Khám chữa bệnh trực tuyến có liên quan tới công nghệ như tư vấn trên mạng, lưu trữ hồ sơ khám bệnh dựa trên điện toán đám mây, khám bệnh trực tuyến và sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm tra bệnh.
Theo Viện Nghiên cứu Yano, thị trường phát triển các công nghệ phục vụ cho khám bệnh trực tuyến ước tính sẽ tăng trưởng 60% lên tới gần 20 tỷ yen (185 triệu USD) trong 5 năm tới (tính đến tháng 3/2024).
Bác sỹ Ishii đứng đầu một phòng khám ở thủ đô Tokyo cho biết số cuộc tư vấn sức khỏe trực tuyến tăng mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Nhật Bản, với 600 bệnh nhân sử dụng dịch vụ này tính tới giữa tháng Sáu so với 400 bệnh nhân sử dụng hai tháng trước đó.
Theo bác sỹ Ishii, khám bệnh trực truyến có thể là phương pháp tốt hơn đối với các bệnh nhân mắc các bệnh do lối sống gây ra và cần sự chăm sóc thường xuyên vì phương pháp này giúp họ dễ tiếp cận với bác sỹ hơn. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng thích hợp với những bệnh nhân mắc các bệnh như đái tháo đường và cao huyết áp.
Mặc dù vậy, bác sỹ Ishii cho rằng việc chăm sóc sức khỏe sẽ là lý tưởng nhất khi cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các bệnh nhân bất kể là khám trực tuyến hay khám trực tiếp.
Trong khi đó, Giám đốc, đồng thời là bác sỹ chuyên khoa của công ty khởi nghiệp Medley, Goichiro Toyoda cho rằng tốt hơn hết là bác sỹ nên khám chữa bệnh trực tiếp cho bệnh nhân trong lần đầu tiên, song khám trực tuyến phù hợp với những bệnh nhân muốn tái khám, hay gặp khó khăn khi đến bệnh viện hoặc những bệnh nhân cần được điều trị lâu dài.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tính tới đầu tháng này, khoảng 16.100 phòng khám (không tính phòng khám nha), chiếm 15% trong tổng số các cơ sở y tế tại Nhật Bản, đã cung cấp dịch vụ khám trực tuyến, trong đó có qua điện thoại. Đây là mức tăng đáng kể so với 970 phòng khám đăng ký cung cấp dịch vụ này từ tháng 7/2018.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Nhật Bản chưa quyết định có thay đổi vĩnh viễn các quy định hạn chế khám trực tuyến hay không. Trong khi đó, các hiệp hội y khoa trên toàn quốc không hào hứng với hình thức này do lo ngại sai sót trong khâu chẩn đoán bệnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng khám bệnh trực tuyến có thể đẩy các phòng khám nhỏ hơn vào tình cảnh khó khăn về tài chính.
Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)
Nhật phải đền tiền để hộp đêm đóng cửa chống dịch
Thiếu công cụ pháp lý, chính quyền Nhật buộc phải trả tiền để các hộp đêm, nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm gần đây, ngừng hoạt động. Tại tỉnh Kagoshima, chính quyền sẽ trả 300.000 yen (gần 65 triệu đồng) cho các cơ sở như vậy đóng cửa.