Nhật Bản chuẩn bị thiết lập một tiêu chuẩn trình độ ngôn ngữ mới bao gồm 4 kỹ năng dành cho người nước ngoài
Điều này được xem là một động thái đi cùng với luật sửa đổi nhập cư, vốn sẽ nới lỏng các tiêu chuẩn và cho phép một số lượng lao động nước ngoài lớn được chấp nhận vào làm việc tại Nhật Bản từ đầu tháng 4 này.
Hiện tại, không có một tiêu chuẩn thống nhất nào được thiết lập ra để đo lường trình độ tiếng Nhật của người nước ngoài. Chỉ có một số bài kiểm tra, trong đó có Kỳ thi năng lực tiếng Nhật (日本語能力試験) và Kỳ thi năng lực tiếng Nhật thương mại BJT, mà những ai không phải là người Nhật bản ngữ có thể thực hiện để chứng nhận cho trình độ ngôn ngữ của mình. Tuy nhiên, việc thiếu đi một chứng chỉ mang tính tiêu chuẩn duy nhất để có thể so sánh kết quả từ các bài kiểm tra khác nhau, điều đó đã biến thành trở ngại cho các doanh nghiệp và các trường đại học trong quá trình đánh giá các ứng viên.
Trong một cuộc họp gần đây của Hội đồng Văn hóa Chính phủ, hội đồng đã quyết định sẽ thành lập nên một chỉ số đánh giá chung để có thể so sánh kết quả ngôn ngữ từ các kì thi khác nhau của các công dân nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sử dụng Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ của cộng đồng chung châu Âu (CEFR) làm cơ sở để tạo ra một chỉ số đánh giá tiêu chuẩn mới dành cho những người nước ngoài không nói thành thạo tiếng Nhật.
Khung trình độ Chung Châu Âu (CEFR – Common European Framework for Reference), được phát triển bởi Hội đồng Châu Âu, nhằm cung cấp một cơ sở chung trong việc thiết kế giáo trình, giới thiệu chương trình giảng dạy, thi cử, sách giáo khoa…trên toàn Châu Âu. CEFR được xây dựng nhằm thiết lập tiêu chuẩn quốc tế trong việc học, giảng dạy và đánh giá tất cả các ngôn ngữ châu Âu hiện đại.
CEFR được chia thành 6 cấp độ khác nhau, bắt đầu từ A1 (dành cho người mới bắt đầu) đến C2 (gần ngang với người bản địa) và đã được thiết lập cho tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp và Tây Ban Nha.
Một lưu ý liên quan khác, đối với các kỳ thi tuyển sinh đại học phổ biến của Nhật Bản sẽ được bắt đầu vào năm tài khóa 2020, các quan chức Nhật Bản đã tạo ra một biểu đồ so sánh dựa trên các tiêu chuẩn của CEFR để có thể tiến hành so sánh kết quả từ các bài kiểm tra trình độ tiếng Anh khác nhau.
Vào năm 2010, Quỹ Nhật Bản đã thành lập lên Tiêu chuẩn JF, một hệ thống chỉ số ngôn ngữ 6 cấp dựa trên CEFR để xếp hạng khả năng ngôn ngữ tiếng Nhật của những công dân nước ngoài. Quỹ Nhật Bản cũng là tổ chức quản lý và tiến hành kiểm tra bài thi năng lực tiếng Nhật JLPT.
Mỗi năm đều có khoảng 1 triệu người tham gia vào kỳ thi với các cấp độ khác nhau, từ N5 đến N1, điều đó khiến JLPT trở thành bài kiểm tra trình độ tiếng Nhật phổ biến nhất trên toàn quốc. Nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại đồng thời 2 sự chỉ trích chính về JLPT. Đầu tiên, người ta nói rằng bài thi không phù hợp với tiêu chuẩn CEFR. Thứ hai, JLPT được thiết kế để kiểm tra kỹ năng đọc và nghe, không có bài thi nói, vậy nên nó đôi lúc không thể trở thành một tiêu chuẩn tốt để đánh giá được kỹ năng giao tiếp bằng lời nói của người dân.
Đầu năm nay, Cục Văn hóa Nhật Bản đã đưa ra một chương trình giảng dạy tiêu chuẩn để có thể dạy tiếng Nhật cho các công dân nước ngoài dựa trên cách thức dạy kỹ năng ngôn ngữ thực tế để giúp lao động nước ngoài có thể có được một cuộc sống bình thường như công dân Nhật Bản. Ví dụ, các lớp học ngôn ngữ sẽ giảng dạy làm cách nào để có trao đổi trong các trường hợp hàng ngày trong khi mua sắm, lúc đi khám bệnh hay các tình huống khẩn cấp khác.
Đề xuất về chương trình giảng dạy này đã được giới thiệu đến cho các ngôi trường đang dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài nhưng nó đã bị chỉ trích vì không tuân thủ các tiêu chuẩn của CEFR. Việc chương trình giảng dạy sẽ được thực hiện trong lớp học như thế nào cũng không được nêu rõ.
Đứng trước tình hình hiện tại, Cục Văn hóa Nhật Bản đã lên kế hoạch thiết lập nên một phiên bản tiếng Nhật của tiêu chuẩn CEFR để có thể kiểm tra trình độ đọc, nghe, viết và nói. Một chương trình giảng dạy mới sau đó sẽ được phát triển dựa trên chỉ số tiêu chuẩn mới này và được giới thiệu đến các trường học cũng như các trường đại học để được sử dụng như một chương trình giảng dạy ngôn ngữ chính thức cho người nước ngoài.
Nguồn: Japan Today
Giúp cụ bà 70 tuổi tránh được lừa đảo ở Nhật, nam du học sinh Việt được Sở cảnh sát Tokyo tuyên dương tặng bằng khen
Thông tin này đã được rất nhiều tờ báo của Nhật đưa tin vì đây là 1 trong những trường hợp hiếm hoi của du học sinh Việt ở xứ sở hoa anh đào.