Nhà ở cho Du học sinh Việt tại Nhật : Ký túc hay thuê nhà tốt hơn ??
A | Các loại nhà ở phổ biến
Thông thường, các cơ sở giáo dục tại Nhật Bản như trường tiếng, trường chuyên môn, Đại học đều có kí túc xá riêng. Tuy nhiên do số lượng du học sinh ngày càng tăng lên, một số trường hiện nay không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu này. Khi đó, du học sinh có thể chọn biện pháp thuê nhà riêng hoặc nhà tập thể thông qua sự hỗ trợ từ nhà trường. Kilala sẽ điểm qua một số loại nhà ở tại Nhật Bản để giúp các bạn du học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về một trong những mối quan tâm hàng đầu này.
1) Kí túc xá nhà trường
Được xây dựng và chịu sự quản lý của nhà trường hoặc chính quyền địa phương. Giá phòng dao động từ khoảng trên dưới 28.000 cho đến 50.000 yên (khoảng từ 5.600.000 – 10.000.000VND) tùy từng khu vực và số người trong một phòng.
Điểm +
-
Giá thuê rẻ, có sẵn nội thất và các đồ dùng cơ bản
-
Có thể giao lưu với du học sinh đến từ các nước khác
-
Chịu sự quản lý của nhà trường hoặc chính quyền địa phương nên khá an ninh
-
Thủ tục thuê phòng đơn giản
Điểm –
-
Không có không gian riêng tư nếu ở chung phòng với quá nhiều người
-
Thường bị bó buộc về giờ giấc do một số quy định về giờ đóng cửa, giờ giới nghiêm,…
-
Toa-lét, phòng tắm, nhà ăn và phòng khách thường dùng chung nên có thể gây ra một số bất tiện
2) Nhà/căn hộ cho thuê bên ngoài
Có khoảng 70% du học sinh chọn thuê nhà bên ngoài. Bạn có thể nhờ nhà trường giới thiệu hoặc thông qua công ty môi giới bất động sản có liên kết với nhà trường. Giá phòng dao động từ khoảng trên dưới 50.000 cho đến 90.000 yên (khoảng từ 10.000.000 – 18.000.000VND) tùy từng khu vực và loại nhà. Nếu bắt buộc phải tìm nhà nhưng lại không dư dả về tài chính, bạn có thể cân nhắc loại căn hộ cho phép ghép phòng với nhiều người để chia sẻ tiền thuê nhà.
Điểm +
-
Thoải mái, tự do vì có không gian riêng tư
-
Giúp bạn nâng cao khả năng tự lập, tự chủ và quản lý tiền bạc
-
Không bị quản lý về giờ giấc và có thể thoải mái cho người thân hoặc bạn bè trọ lại
Điểm –
-
Giá thuê tương đối cao
-
Chi phí phát sinh lúc ban đầu khá cao do phải tự sắm sửa mọi tiện nghi trong nhà
-
Thủ tục thuê phòng rườm rà, phức tạp và cần có người bảo lãnh
3) Nhà khách (Guest house)/nhà dành cho người nước ngoài
Đây là dạng nhà ở tập thể có bếp, nhà tắm và toa-lét được sử dụng chung. Hầu hết các nhà khách/nhà tập thể tại Nhật Bản chịu sự quản lý của các cơ sở tư nhân. Do giá phòng tương đối “mềm” hơn so với căn hộ cho thuê thông thường với mức giá dao động từ khoảng 40.000 cho đến 100.000 yên, mô hình này ngày càng phổ biến rộng rãi và thu hút nhiều du học sinh từ khắp nơi trên thế giới. Nếu chỉ dự dịnh du học trong thời gian ngắn, bạn cũng có thể cân nhắc về loại nhà này.
Điểm +
-
Giá thuê rẻ
-
Có sẵn nội thất và các tiện nghi, đồ dùng cơ bản
-
Thủ tục thuê phòng đơn giản
-
Một số nơi còn cho cả người bản địa thuê phòng nên có thể nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật
Điểm –
-
Cơ sở vật chất và các thiết bị có thể không còn mới và hiện đại
-
Thường không có người quản lý nên cần lưu ý vấn đề an ninh
-
Trừ một số nơi có liên kết với nhà trường và giới hạn chỉ có sinh viên mới được thuê thì đa phần các nhà tập thể đều không giới hạn người thuê nên môi trường sống khá phức tạp
4) Lưu trú tại nhà người bản địa (Homestay)
Một số trường tại Nhật Bản cung cấp chương trình Homestay cho các khóa du học ngắn hạn như trao đổi văn hóa,… Du học sinh sẽ ở tại nhà của một gia đình bản địa, hằng tháng trả tiền thuê nhà cho chủ hộ tương tự như khi ở kí túc xá. Giá thuê cũng tùy vào thời gian lưu trú và chương trình của nhà trường.
Điểm +
-
Tăng khả năng đàm thoại và giao tiếp bằng tiếng Nhật
-
Có cơ hội trải nghiệm văn hóa và nếp sống trong gia đình người Nhật Bản
-
Không gian sống đầy đủ, thân thiện
-
Phí thuê nhà thường bao gồm cả các suất ăn mỗi ngày
Điểm –
-
Giá thuê cao
-
Cần phải điều chỉnh nhịp sống theo gia đình chủ hộ
-
Có thể ở vị trí không gần với trường học
-
Có thể xảy ra trường hợp không thể hòa hợp do khác biệt văn hóa và nếp sống
B | Một số lưu ý về nhà ở tại Nhật Bản
-
Dù là kí túc xá, căn hộ bên ngoài, nhà tập thể hay homestay, bạn cũng phải giữ gìn vệ sinh chung, không được thay đổi phần cứng của ngôi nhà như đóng đinh, sơn tường,…. Khi kết thúc hợp đồng thuê nhà, bạn phải làm vệ sinh phòng sạch sẽ và hoàn trả lại căn phòng với hiện trạng y nguyên như lúc đầu. Nếu không, bạn sẽ phải tự bỏ tiền để sửa chữa lại.
-
Đối với trường hợp thuê nhà ở bên ngoài, tháng đầu tiên bạn sẽ phải trả các khoản phí như phí đặt cọc, phí trả lễ hay phí môi giới cho công ty bất động sản. Do đó, cần chuẩn bị một khoản tiền dư dả trước khi đi thuê nhà. Ngoài ra, bạn cũng cần phải có một người quen độc lập về tài chính làm người bảo hộ khi thuê nhà ở bên ngoài. Do hợp đồng thuê nhà được viết hoàn toàn bằng tiếng Nhật, bạn nên đi cùng với người quen giỏi tiếng Nhật hoặc có kinh nghiệm thuê nhà trước đó để tránh bị các công ty môi giới lừa gạt hoặc thuê phải nhà không ưng ý.
-
Kiểm tra tình hình an ninh, môi trường sống và mức độ thuận tiện của nơi dự định thuê như có gần nhà ga hay tiệm tạp hóa hay không? Xung quanh có đồn công an hay không? Lưu ý không nên thuê nhà quá gần với đường tàu điện để tránh bị ô nhiễm tiếng ồn.
Nguồn: Kilala
NÓNG: Một du học sinh Việt Nam bị bắt vì in giả các loại thẻ học sinh để chuộc lợi
Dùng máy in tại gia, in giả các loại thẻ học sinh để chuộc lợi, một du học sinh Việt Nam bị bắt.