Nhà Con Mèo giữa Nhật Bản của cô giáo duyên nợ với Việt Nam
Không phải nơi để bán những con mèo, thức ăn hay vật dụng cho mèo. Đó là một tiệm cà phê mèo, loại hình không xa lạ ở Nhật Bản (và cả ở Việt Nam), nhưng chủ nhân là một người đặc biệt. Đó là cô Matsuo Junko, giáo viên dạy tiếng Nhật, từng giảng dạy tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) từ năm 1996 tới 1999.
Yêu Việt Nam và luôn muốn nhớ những kỷ niệm về Việt Nam, tên tiệm cà phê Nhà Con Mèo được cô Matsuo Junko viết bằng tiếng Việt. Vừa thấy bóng dáng chúng tôi dưới tiệm, cô đã reo lên, “A đông quá. Mọi người đều từ Việt Nam sang phải không?”.
Cô giáo vui mừng khi thấy những người khách Việt Nam tới thăm Nhà Con Mèo. Ảnh: Thúy Hằng
Người cứu những con mèo bị bỏ rơi
Cô Matsuo Junko dẫn chúng tôi tới nhà ở của những chú mèo, nơi được sắp xếp đồ ăn, cả đồ chơi để những con mèo luôn cảm thấy hạnh phúc. Cô chỉ lên tai những con mèo trong tiệm cà phê, chúng tôi nhận ra hầu như tất cả đều bị cắt một chút ở tai. “Mỗi con mèo ở đây đến tuổi trưởng thành sẽ bị triệt sản. Chúng tôi đánh dấu những con này bằng cách, nếu là mèo đực thì cắt bên tai phải, còn cắt tai trái nếu là mèo cái. Lúc này sẽ gọi chúng là mèo sakura, bởi cái tai nó như là cánh hoa anh đào - sakura vậy”, cô Matsuo Junko cười. Tức thì, một con mèo nhảy phốc lên lưng cô, nằm im trên đó. Không hề giật mình, cô Matsuo Junko đã quen với cách bày tỏ tình cảm của những “đứa con” với mình.
Nhà Con Mèo của một cô giáo yêu Việt Nam. Ảnh: Thúy Hằng
Cô Matsuo Junko cho biết, ở Nhật Bản số lượng những con mèo bị bỏ rơi rất nhiều, mèo hoang gặp nhau, chúng sinh sản ngày càng nhiều hơn. Mỗi năm, tại nước Nhật có đến 30.000 - 40.000 con mèo bị bỏ hoang. Số mèo con sống lang thang hoặc bị quạ ăn thịt, hoặc bị chết đói, hoặc vì phóng uế bừa bãi nên bị người dân đánh bả cho chết rất tội nghiệp. Là người yêu thương động vật, cô Matsuo Junko mở Nhà Con Mèo từ năm 2012, để cứu vớt, chữa bệnh cho những con mèo lang thang, vô chủ.
Không gian tầng 2 của căn nhà thuê ở TP Kurume là nơi sinh sống của hơn 30 con mèo. Nơi này được bài trí thêm những chiếc ghế nhỏ để khách tới có thể vui chơi, cùng vuốt ve con mèo. Tầng 3 sẽ là quầy phục vụ đồ uống, như cà phê. Cô Matsuo Junko và một số tình nguyện viên chăm sóc, điều trị bệnh cho mèo hoàn toàn không có lợi nhuận. Quán chỉ có một cô bé tên là Yuma làm thêm tại đây và có một chút tiền lương. Đã quen với công việc chăm sóc, trị bệnh cho mèo bị ốm, được truyền những kinh nghiệm từ bác sĩ thú y, cô Matsuo Junko có thể nhận biết những bệnh đơn giản hay tự tay cắm ống kim tiêm, truyền nước cho những con mèo đang không khỏe.
“Con mèo có cái cổ mang một cái vòng nhựa kia được gọi là “mèo Elizabeth”. Nữ hoàng Elizabeth ngày trước hay có mẫu áo cổ loe như vậy. Nó mới bị đau ruột thừa, phải mổ, và cái cổ này sẽ giúp nó không cúi xuống để liếm vết thương được”, nữ giảng viên dạy tiếng Nhật dịu dàng vuốt ve một con mèo trắng, giọng ấm áp như đang nói với đứa con bé bỏng của mình.
Cô giáo không lạ cách bày tỏ tình cảm của những "đứa con". Ảnh: Thúy Hằng
Cô giáo chăm sóc sức khỏe cho đàn mèo. Ảnh: Thúy Hằng
Khác với nhiều tiệm cà phê chó mèo ở Việt Nam, tại những tiệm cà phê mèo ở Nhật Bản, khách sẽ không dùng đồ uống, hay đồ ăn trong nơi sinh sống của những con mèo. Trước khi vào Nhà Con Mèo, chúng tôi phải rửa tay bằng xà bông, sát trùng, mang tất (vớ) và được dặn kỹ, không được ôm mèo vào lòng, nếu chụp ảnh mèo cũng phải khéo léo, không được dùng đèn flash vì sợ mèo bị “stress”.
Một chiều thứ 7 ở Kurume, cùng với chúng tôi, có một người mẹ đưa 3 con nhỏ của mình tới cùng chơi với mèo. Được những bàn tay trẻ em xoa lên bộ lông óng mượt, đàn mèo lim dim, thi thoảng kêu “meo meo” làm nũng.
“Mèo ở Nhật Bản rất đắt tiền. Một con mèo có gia phả rõ ràng, lịch tiêm chủng đầy đủ có thể có giá tới 60-70 triệu đồng tiền Việt. Mèo tam thể rất được yêu thích, nếu mèo đực mà là tam thể thì có thể lên giá tới 200 triệu đồng. Ở Nhật, tiệm cà phê mèo có thể là nơi hẹn buổi đầu tiên của những cặp đôi xem mặt. Bởi trong lúc ngượng ngùng, không biết nói chuyện gì, họ có thể che giấu sự bối rối đó bằng cách cùng vuốt ve mèo, nói chuyện về mèo, từ đó trở nên thân thiết hơn ”, chị Lê Thu Thủy, định cư tại Nhật Bản, người điều phối chương trình đi cùng chúng tôi chia sẻ.
Chị Yuma (giữa), người chăm sóc đàn mèo cùng cô giáo. Ảnh: Thúy Hằng
Mèo con với chiếc cổ Elizabeth
Những con mèo được hạnh phúc trong căn phòng Nhà Con Mèo
Con mèo bị đau ruột thừa vừa được phẫu thuật xong. Ảnh: Thúy Hằng
Một cô giáo yêu Việt Nam
Điều trùng hợp đến bất ngờ, đó là cô Matsuo Junko, cựu giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chính là cô giáo cũ của chị Lê Lệ Thủy. Và một chiều thu cùng chúng tôi tới Nhà Con Mèo, chị Thủy cũng lần đầu tiên gặp lại cô giáo của mình sau chẵn 20 năm. Họ trò chuyện với nhau bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật, thân thiết, vồn vã như những người bà con sau cả một hành trình dài nay mới lại gặp nhau.
“Đó thật sự là một cô giáo ấn tượng nhất với tôi. Cô dạy tiếng Nhật rất hay, dí dỏm, vui vẻ, gần gũi, lôi cuốn. Thế hệ những lứa sinh viên đầu tiên Trường ĐH Ngoại ngữ ngày đó không ai là không biết cô Matsuo Junko. Cô về nước, tôi không hề biết cô về sống ở TP Kurume và cứu hộ mèo, mới gần đây tôi mới tìm thấy Facebook của cô”, chị Thủy chân thành.
Những em bé cùng chơi với đàn mèo
Cô Matsuo Junko và chị Lê Lệ Thủy gặp lại nhau sau 20 năm. Ảnh: Thúy Hằng
Trong khi đó, cô Matsuo Junko hồ hởi hỏi tôi đến từ đâu, biết tôi đang sống ở TP.HCM cô reo lên “A, tôi đi đi về về giữa Việt Nam - Nhật Bản nhiều lắm, cả Hà Nội và TP.HCM, tôi không thể nhớ hết được. Tôi đã nghe đến tên báo Thanh Niên rất nhiều lần”.
Cô bộc bạch: “Quãng thời gian dạy học ở Việt Nam là những năm tháng đẹp nhất trong đời tôi. Ở TP.Kurume có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận những du học sinh, tu nghiệp sinh là người Việt Nam. Tôi rất muốn dạy tiếng Nhật cho những bạn này, để công việc, học tập của các bạn thuận lợi hơn. Tôi cũng muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam cho chủ những doanh nghiệp tại Nhật Bản. Bởi, chỉ khi hiểu về Việt Nam, họ mới có thể điều hành công việc hiệu quả, phát huy lợi thế của những bạn trẻ Việt Nam”.
Theo: thanhnien.vn
Khi ba đi xuất khẩu lao động
Như rất nhiều những người dân Hà Tĩnh khác, ở tuổi 55, ba đi xuất khẩu lao động. Ở phương trời xa, ba không than mệt, không kể khổ, không nói nhớ nhà, chỉ thỉnh thoảng ba bảo: “Muốn về…”