Người Việt kể 'nghiệp osin' ở Nhật nơi thu nhập bằng dân văn phòng
“Việc nhà” là một cụm từ quen thuộc nhưng là sự ám ảnh cho không ít người, dù không quá nặng nhọc nhưng để nhà cửa tươm tất sạch sẽ thì người nội trợ phải mất hết một ngày để lau dọn vất vả.
Ở Việt Nam, người giúp việc sẽ là giải pháp hữu hiệu để người ta nghĩ đến đầu tiên, có thể thay mình làm tất cả công việc nội trợ như giặt giũ, nấu nướng, quét dọn nhà cửa, chăm sóc em bé hay đưa đón trẻ đến trường... tuy nhiên “người giúp việc” là khái niệm rất ít gặp tại Nhật Bản, một đất nước với những con người có tính tự lập cao.
Dù rất bận ở công ty hay phải chăm con vất vả nhưng người Nhật luôn có quan niệm, việc nhà là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, cụ thể là những người phụ nữ ở nhà làm nội trợ, dạo gần đây thì có đàn ông thay thế vai trò này để phụ nữ ra ngoài kiếm tiền.
Vì đối với người Nhật, nội trợ là một nghề, công việc tại nhà như chăm lo nhà cửa, nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con cái... do đó việc thuê một người giúp việc tại Nhật là hy hữu.
Tuy nhiên, bên cạnh những người chuyên nội trợ thì có những người dù đi làm tại các công ty, sau một ngày làm việc mệt mỏi vẫn phải hoàn tất thêm việc nhà, nấu nướng rất vất vả, nhưng họ vẫn làm mà không cần người giúp việc.
Trẻ em ở Nhật cũng được dạy thói quen dọn dẹp nhà và trường học từ cấp mẫu giáo. Trong khi ở VN, trẻ em đến trường sẽ có lao công và bảo mẫu, về nhà có ông bà bố mẹ thì ở Nhật các bé phải tự làm công việc của mình như tự lấy phần ăn, làm sạch khay cơm sau khi ăn, dọn dẹp lớp học, nhà vệ sinh... dưới sự quan sát chỉ dẫn của thầy cô. Từ đó, hình thành thói quen tự lập cho các em, thói quen đó được phát huy trong suốt quá trình phát triển cho tới khi trưởng thành.
Người giúp việc ở Nhật thường chỉ được thuê để giúp cho những gia đình có người già neo đơn hoặc chăm sóc các cụ già tại bệnh viện.
Như mẹ chồng tôi khi sinh thời, vì con cái ở xa, bà không đủ sức khỏe để đi mua sắm và làm việc nội trợ nên đã thuê người giúp việc. Tuy nhiên, bà chỉ thuê theo giờ là vài ngày trong tuần chứ không toàn thời gian hoặc ở trọ tại nhà.
Tại Nhật, việc thuê người giúp việc là giải pháp cuối cùng, dành cho các cụ già sức khỏe yếu không thể tự làm việc.
Ở Việt Nam, để thuê một người giúp việc, chúng ta phải trả cho họ mức lương từ 4 đến 6 triệu một tháng, thấp hơn mức lương của nhân viên văn phòng hoặc chỉ bằng một phần nhỏ so với mức thu nhập của gia đình trung lưu. Tuy nhiên ở Nhật, phải trả lương cho họ theo giờ tương tự với mức lương mỗi giờ của một người đi làm bên ngoài (mức giá khá cao đối với những gia đình có thu nhập trung bình).
Cụ thể, mức lương đi làm thêm mỗi giờ ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà máy... là khoảng gần 800¥/giờ theo mức lương của khu vực nơi tôi sống (gần 160 ngàn VND) thì lương của người giúp việc cũng tương tự.
Với mức thu nhập như trên thì những gia đình có thu nhập bình thường không thể thuê người giúp việc mà phải tự làm việc nhà hằng ngày dù rất mệt mỏi sau thời gian dài 8 tiếng ở công ty.
Nên người Nhật từ trước đến nay không có thói quen thuê người giúp việc, mỗi người phải tự làm như là trách nhiệm mặc nhiên.
Mặc dù vậy, gần đây các nguồn lao động từ nước ngoài như Philippines, Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc… đổ sang Nhật với số lượng lớn, nhờ đó người Nhật có thể thuê người giúp việc theo giờ từ người nước ngoài với mức giá thấp hơn người địa phương.
Giờ đây, những gia đình có thu nhập khá đã có thể thuê được người giúp việc để bớt được nỗi lo việc nhà, dành thời gian cho việc nghỉ ngơi và các công việc khác tại công ty.
Hiện tại chính phủ Nhật cũng cho phép và khuyến khích công dân của họ thuê nguồn lao động từ nước ngoài để giúp việc nhà, từ đó tập trung hơn vào công việc, đạt năng suất cao hơn mà không phải mang gánh nặng về việc nhà. Nhưng người Nhật cũng có yêu cầu khá cao khi thuê người nước ngoài về sức khoẻ, sự chăm chỉ, trung thực, biết ngôn ngữ Nhật....
Với việc nới lỏng cho lao động nước ngoài giúp việc theo giờ của chính phủ Nhật cùng mức lương tương đối ổn, giờ đây việc thuê người giúp việc nước ngoài đã dần phổ biến với các gia đình Nhật (chủ yếu tại các thành phố lớn như Tokyo và Osaka). Tuy nhiên, nếu vẫn có khả năng làm việc nhà hoặc cảm thấy không cần thiết, người Nhật vẫn tự làm mà không quá phụ thuộc vào người giúp việc.
Nhiêu Trang /(từ Nhật)
Theo Thanhnien
Nước mắt mặn chát của người Việt sau đồng lương nghìn đô ở Nhật
“Để kiếm được chút tiền gửi về cho gia đình, chúng tôi phải chấp nhận đánh đổi sức khỏe, đánh đổi tình cảm và rất rất nhiều thứ khác...”, anh Nguyễn Khánh Toàn, công nhân ngành CN nặng tại tỉnh Hiroshima, Nhật Bản, tâm sự.