Người nước ngoài tại Nhật Bản tuyệt thực vì chờ trục xuất quá lâu
Trong khi Nhật Bản mở rộng vòng tay với các công nhân nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, một cuộc khủng hoảng thầm lặng đang diễn ra tại các trung tâm giam giữ những người chờ bị trục xuất.
Số lượng người bị giam giữ nửa năm hoặc lâu hơn đang gia tăng, và nhiều người đang dùng đến biện pháp tuyệt thực trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm thoát khỏi tình cảnh tiến không được, lùi không xong, theo Nikkei Asian Review.
“Tôi có thể ngã quỵ vào ngày mai, nhưng tôi muốn ra ngoài”, một người Iran 41 tuổi nói hồi tháng 11 tại một cơ sở giam giữ ở tỉnh Ibaraki. Hai má anh hốc hác và anh phải đến phòng thăm viếng bằng xe lăn.
Một trung tâm giam giữ tại Tokyo. Ảnh: Reuters.
Người đàn ông này đã sụt 10 kg sau khi chỉ uống nước trong hai tuần. Anh đã dành hầu hết thời gian để ngủ, hoặc ở phòng y tế nếu bị đau, anh nói.
Anh đến Nhật Bản lần đầu vào năm 2006. Song anh đã bị cơ quan chức năng ra lệnh trục xuất sau khi gia nhập một băng đảng tội phạm Iran làm lái xe. Anh được chuyển đến cơ sở giam giữ ngay sau khi hoàn thành án tù và sau đó đã nộp đơn xin tị nạn với lý do đàn áp tôn giáo.
“Tôi không thể chịu đựng việc bị nhốt ở đây hơn nữa”, anh nói. Anh đã ở nơi này 4 năm.
Công dân Iran không phải là người duy nhất đi đến biện pháp cực đoan. Hồi tháng 6, một người đàn ông Nigeria tại một cơ sở giam giữ ở Nagasaki đã trở thành người đầu tiên nhịn đói đến chết. Số người tuyệt thực đã tăng 15 lần, lên đến 106 người, trong khoảng thời gian từ ngày 1/6 đến ngày 21/7, theo Cơ quan Dịch vụ Xuất nhập cảnh Nhật Bản. 36 người vẫn không chịu ăn vào cuối tháng 9.
“Đây là điều tồi tệ nhất từng xảy ra”, một tình nguyện viên 67 tuổi, người đã làm việc tại trung tâm Ibaraki trong hơn 2 thập kỷ, cho biết. “Nhiều người đang trở nên bất ổn về tinh thần”.
Tình nguyện viên 67 tuổi ghi lại tình trạng của những người bị giam giữ sau khi đến cơ sở Irabaki. Ảnh: Nikkei.
Hầu hết người tuyệt thực hy vọng sẽ được thả, dù chỉ là tạm thời. Những người cần được chăm sóc y tế có thể được thả tạm thời trong một số điều kiện nhất định và phải có người bảo lãnh, dù hầu hết được đưa trở lại các cơ sở giam giữ sau đó.
Cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng một phần bắt nguồn từ những người bị giam giữ lâu. Trong số 1.253 người đang chờ bị trục xuất tại 17 cơ sở vào cuối tháng 6, 679 người đã ở đó ít nhất 6 tháng – vì họ từ chối rời đi hoặc vì nước họ sẽ không tiếp nhận họ. Số lượng tăng 130% kể từ cuối năm 2014.
Một người Hàn Quốc 58 tuổi nằm trong số những người không chịu rời đi. Trong thời gian ở Nhật Bản để kinh doanh vào năm 2009, người này biết rằng ông có thể bị bắt khi trở về nhà vì liên quan đến một phong trào dân chủ khi còn là sinh viên. Ông đã bị giam giữ sau khi quá hạn thị thực và được thả tạm thời vào năm 2012 sau khi tuyệt thực.
“Tôi muốn mọi người biết rằng một số người trong chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại đây vì các tình huống giảm nhẹ”, ông nói.
Nguoi nuoc ngoai tai Nhat Ban tuyet thuc vi cho truc xuat qua lau hinh anh 3 trucxxuat_1_.jpg Giấy thả tạm thời có điều kiện. Ảnh: Nikkei.
Cơ quan Dịch vụ Xuất nhập cảnh xem việc trục xuất nhiều hơn là giải pháp. Với khoảng 40% số người từ chối rời khỏi Nhật Bản có tiền án, và nhiều người bỏ trốn hoặc phạm tội trong khi được thả tạm thời, “chúng tôi không thể loại trừ việc hệ thống đang bị lạm dụng”, cơ quan này nói.
Song họ cũng lo lắng về chuyện số người tuyệt thực gia tăng. Cơ quan này đang tư vấn và có những hỗ trợ khác về mặt tinh thần cho người bị giam giữ và thành lập một hội đồng chuyên gia để đưa ra các khuyến nghị vào cuối tháng 3.
“Có những trường hợp không được thả tạm thời vì lo ngại về an ninh”, Hiroko Akizuki, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Á châu, cho biết. “Nhưng thời gian giam giữ và điều kiện tại các cơ sở giam giữ ở Nhật Bản đã bị quốc tế chỉ trích, và cần phải có sự cải thiện trong vấn đề quyền con người”.
Số lượng người nước ngoài sống ở Nhật Bản đã tăng năm thứ bảy liên tiếp, lên đến 2,82 triệu người vào cuối tháng 6 và dự kiến còn tăng thêm sau khi chính phủ đưa ra các loại thị thực mới cho lao động nước ngoài. Trong khi đó, những câu hỏi dai dẳng liên quan đến việc đối xử với những người bị giam giữ vẫn tiếp tục chưa có lời đáp.
Nguồn: Zing
Nhật lắp thêm wifi trên tàu chiến để thu hút người trẻ đi lính
Tờ Mainichi Shimbun hôm qua đưa tin Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) sẽ mở rộng kết nối wifi trên tàu chiến nhằm thu hút thêm nhiều người trẻ đi lính.