Người Nhật Và Muôn Vàn Các Kiểu “Tạm Biệt”
Cũng như người Việt Nam thường chẳng bao giờ dùng từ “tạm biệt” trong hầu hết các tình huống giao tiếp thường ngày, người Nhật cũng rất ít khi dùng từ “Sayonara”, bởi từ này có một nghĩa ẩn đó là hai người sẽ không gặp lại trong một thời gian dài hoặc thậm chí tương đương với từ “vĩnh biệt” của chúng ta trong một số trường hợp. Do đó trừ khi bạn có một cuộc nói chuyện trịnh trọng thì không nên dùng từ này.
Thông thường, để nói tạm biệt, người Nhật sẽ dùng “matane” hay “zaane” nghĩa là “gặp lại sau nhé?” và “chào nhé?”. Chữ “ne” được cho thêm vào cuối câu một cách rất dễ thương để khiến cho người nghe đồng ý với người nói. Bạn cũng có thể dùng cả 2 trong trường hợp này “zaa, matane” mà không đổi nghĩa ở trên.
Ngoài ra nếu muốn kèm theo một khoảng thời gian cụ thể thì bạn chỉ cần dùng từ “mata” rồi ghép với khoảng thời gian bạn muốn nhắc tới. Ví dụ “mata ashita” nghĩa là “hẹn mai gặp lại” hoặc “mata raishuu” nghĩa là “hẹn tuần sau gặp lại”.
Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng biết được chính xác thời điểm 2 người sẽ gặp lại, nên bạn có thể dùng “mata atode” (hẹn gặp lại sau) cho trường hợp này.
Đặc biệt, các bạn để ý trong anime khi các nhân vật ra khỏi nhà thường nói câu “ittekimasu” chứ? Đó cũng là một cách để nói “tạm biệt” trong tiếng Nhật, câu này được ghép vởi 2 từ là “iku” (đi) và “kuru”(trở lại) thế nên nó sẽ có nghĩa là “tôi sẽ đi và trở lại sau”.
Và đương nhiên như đa số chúng ta đều đã từng nghe, để đáp lại câu trên, người Nhật thường nói “itterasshai”. Đây là một câu được ghép bởi 2 từ là “iku” giống như đã nói ở trên và “irassharu” (đây là cách nói tới/ có mặt ở nơi nào đó một cách trịnh trọng). Tóm lại, dịch sát nghĩa ra câu này là “đi đi và chút nữa hãy trở lại/có mặt ở đây”.
Tuy nhiên, “ittekimasu” chỉ được dùng trong trường hợp người nói đi trong một khoảng thời gian ngắn, thường là chỉ đi và về trong ngày. Trong trường hợp đi công tác hoặc du lịch dài ngày thì người nói sẽ dùng từ “ki wo tsukete” nghĩa là “hãy bảo trọng”. Nếu ai đó chuyển nhà hoặc đi du học thì bạn thường nói với họ là “genkide” tạm dịch là “vững tin lên”.
Ngoài ra trong thời buổi hội nhập quốc tế, người Nhật, đặc biệt là giới trẻ thường có xu hướng dùng những từ tiếng Anh nhiều hơn. Nếu là bạn bè và trong những cuộc nói chuyện không trịnh trọng thì hiện nay họ cũng thường dùng từ “bye bye” hay “see ya” để chào tạm biệt.
Trên đây là những cách chào tạm biệt phổ biến trong tiếng Nhật, nhưng đôi khi ở các vùng miền khác nhau sẽ có một số câu chào kiểu… địa phương. Phải nói, đây là vấn đề là khá phức tạp và nhức đầu với những người mới học tiếng Nhật. Tuy nhiên, hãy an tâm, theo kinh nghiệm của nhiều người đã học tiếng Nhật thì các bạn chỉ cần dùng nhiều rồi sẽ… quen thôi.
Nguồn: Japo.vn
Cải tiến xe hơi điện – Nhật Bản quyết tâm “tạm biệt” xe hơi chạy bằng xăng, dầu
Trên cơ sở giải quyết sức ép từ vấn đề môi trường, thêm vào đó là giá xăng dầu leo thang, các loại xe chạy bằng năng lượng điện đã ra đời.