Người Nhật phản đối lao động nước ngoài, lo sợ tương lai bị đe dọa
Ken Kato là người ủng hộ trọn đời của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật Bản. Tuy nhiên, niềm tin của ông đang bị thử thách bởi một đạo luật mới được thông qua vào đầu tháng này, qua đó có thể mở cửa đón hàng trăm nghìn lao động nước ngoài vào Nhật.
Kato không bị thuyết phục bởi lập luận của Thủ tướng Shinzo Abe rằng Nhật Bản cần nguồn lao động từ nước ngoài để bù đắp cho tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, đặc biệt khi tỷ lệ sinh giảm và dân số ngày càng già hóa.
"Chính phủ đã ra sức chiều lòng các doanh nghiệp khi nền kinh tế đang mạnh nhưng chúng ta đều biết nền kinh tế sẽ không được như vậy mãi. Sẽ có lúc người Nhật thiếu việc làm sau khi tiếp nhận hàng nghìn lao động nước ngoài", Kato nói với South China Morning Post.
Nguy cơ lặp lại sai lầm
Theo cuộc thăm dò của Mainichi ngày 17/12, Kato nằm trong số 55% người dân Nhật Bản được hỏi phản đối đạo luật mới. Vấn đề này gây tranh cãi đến nỗi dường như nó đã làm sụt giảm tỷ lệ tín nhiệm của ông Abe. Tỷ lệ tín nhiệm của ông đã giảm 4% xuống còn 37% sau khi đạo luật được thông qua.
Tuy nhiên, điều này không làm thủ tướng chùn bước. Ông ủng hộ tiếp nhận 345.150 lao động nước ngoài vào Nhật trong 5 năm với lý do tình huống này đòi hỏi "sự quan tâm ngay lập tức".
"Toàn bộ đất nước đang thiếu nhân công và hệ thống mới là cần thiết để những người nước ngoài tài năng đóng góp thêm cho Nhật Bản", ông nói trong một cuộc họp báo.
Đạo luật được Quốc hội Nhật Bản thông qua bất chấp sự phản đối của phe đối lập. Ảnh: Kyodo.
Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản ở mức thấp nhất trong 25 năm, trong khi khả năng có việc làm đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 44 năm. Hiện có 160 việc làm cho mỗi 100 người tìm kiếm việc làm.
Luật mới chắc chắn có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả thất thường của kế hoạch khuyến khích lao động nước ngoài trước đó, việc nhiều người tỏ ra lo lắng cùng là dễ hiểu.
Chương trình Thực tập sinh Kỹ thuật bắt đầu vào năm 1993 ban đầu được mô tả là cách giúp mọi người từ các nước đang phát triển học các kỹ năng mới mà họ có thể sử dụng khi rời Nhật Bản.
Chương trình này sớm bị chỉ trích vì những kẽ hở cho phép các công ty lợi dụng các điều khoản để trả lương thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu theo luật, khiến người lao động phải làm thêm giờ mà không được nhận lương, phải chịu đựng điều kiện sống và làm việc không đạt chuẩn.
Quảng cáo của Chính phủ Nhật Bản về lao động nước ngoài. Ảnh: Twitter.
Khoảng 22 thực tập sinh nước ngoài đã chết trong các vụ tai nạn liên quan đến điều kiện lao động từ năm 2014 đến năm 2016. Một số thực tập sinh phải bỏ trốn vì điều kiện làm việc quá tồi tệ.
Ý thức được điều này, chính phủ đã đưa ra một số sáng kiến với hy vọng giúp người di cư hòa nhập vào xã hội Nhật Bản thuận lợi hơn. Các trung tâm tư vấn được lập ra tại tất cả 47 tỉnh thành của Nhật Bản. Lao động nước ngoài cũng được hỗ trợ lập tài khoản ngân hàng, sắp xếp chỗ ở và hợp đồng sử dụng điện thoại di động.
Người sử dụng lao động được yêu cầu chứng minh không có liên hệ với các tổ chức tội phạm, chưa từng buộc người lao động nghỉ việc và cam kết trả mức lương tương đương với những lao động Nhật Bản làm cùng công việc.
Lo sợ người nước ngoài xâm nhập
Khi các lao động nước ngoài hạnh phúc và thoải mái với cuộc sống mới, chính quyền hy vọng họ sẽ hòa nhập tốt hơn với hàng xóm và đồng nghiệp người Nhật Bản. Tuy nhiên, một số người cho rằng như vậy vẫn chưa đủ.
"Thật tốt khi chính phủ thành lập các trung tâm tư vấn và giúp lao động nước ngoài mở tài khoản ngân hàng nhưng chúng tôi muốn họ làm nhiều hơn để bảo vệ quyền của người dân tại nơi làm việc và trong xã hội Nhật Bản rộng lớn hơn", Oie, thành viên ủy ban của Hiệp hội luật sư Nhật Bản chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài, bày tỏ.
Người biểu tình phản đối dự luật tiếp nhận lao động nước ngoài vào tháng 12. Ảnh: AFP.
Oie và các đồng nghiệp của ông lo ngại rằng hệ thống mới có nguy cơ lặp lại những sai lầm tương tự trong quá khứ. Trong đó, các nhà môi giới vô đạo đức có thể lợi dụng nếu việc thuê nhân công nước ngoài hoàn toàn thuộc về khu vực tư nhân. Giới hạn lưu trú 5 năm tại Nhật Bản đối với lao động nước ngoài cũng có vấn đề.
"Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống khi chúng tôi đối xử tốt với lao động nước ngoài nhưng sau đó, khi nền kinh tế đột ngột suy thoái, chúng tôi lại phải buộc họ rời đi. Chúng ta cần có những quy định khách quan và minh bạch", ông nói.
"Sẽ có những người lo sợ viễn cảnh những người nước ngoài lớn tiếng khi nói những thứ ngôn ngữ khác nhau hoặc quên bỏ đúng loại rác vào đúng ngày. Tuy nhiên, chính phủ đang cố gắng tập trung vào những điều tích cực và tôi nghĩ chúng ta cũng nên như vậy", Jun Okumura, nhà phân tích chính trị tại Viện Các vấn đề toàn cầu Meiji, nhận xét.
Một lính cứu hỏa tình nguyện người Đông Timor và các con tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
"Có thể chính phủ đã không nỗ lực giải quyết vấn đề theo cách tích cực. Điều đó đã gây ra cảm giác tiêu cực trên truyền thông và khiến những người bình thường lo sợ phải sống chung với người nước ngoài. Nhưng tôi tin rằng có những con người chăm chỉ muốn tới đây để kiếm tiền cho gia đình và cho tương lai, chứ không phải những kẻ hãm hiếp phụ nữ hay giết tài xế taxi", ông nói.
Kato, người sở hữu doanh nghiệp bán các sản phẩm cho tín đồ Phật giáo, vẫn không cảm thấy bị thuyết phục.
"Khi chúng ta nhìn vào các nước châu Âu như Pháp, Anh, Đức, những quốc gia đã cho phép hàng chục nghìn người nhập cư từ các nước khác, các nền văn hóa khác, vào nước mình, tôi nghĩ rằng mối nguy hiểm đã rõ ràng", ông nói.
"Chúng ta phải lo lắng về chủ nghĩa cực đoan. Nó có thể là mối đe dọa đối với an ninh của người dân Nhật Bản. Bài học của các quốc gia khác sẽ là tấm gương cho chúng ta. Chúng ta cần chăm lo cho bản thân mình trước đã", Kato nói.
Nguồn: news.zing.vn
Bí kíp xin được việc tại Nhật Bản của một du học sinh Việt dù không đúng ngành học và cạnh tranh với chính người Nhật
Xin việc là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mà bất kỳ sinh viên Nhật nào cũng phải trải qua.