Người đàn ông từ thủ khoa đại học trở thành ăn xin trên phố: Lúc đi học là thiên tài mà bây giờ bị hành cho không chỗ dung thân
Năm 1990, Diêu Viễn, chàng thanh niên đến từ tỉnh Hồ Bắc được nhận vào Học viện Công nghệ Bắc Kinh với tư cách là thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học toàn Trung Quốc.
Mười hai năm sau, cảnh sát Thượng Hải tìm thấy Diêu trong một ngôi nhà bỏ hoang. Lúc này, anh ở trong trạng thái tuyệt vọng, đầu óc cũng không tỉnh táo. Khi danh tính của anh được tiết lộ, mọi người đều khá sốc và hỏi điều gì đã xảy ra với người đàn ông này.
Sau khi vào đại học, Diêu Viễn rất chăm chỉ học hành. Sau bốn năm, anh tốt nghiệp loại xuất sắc và được nhận vào một viện nghiên cứu khoa học tại Bắc Kinh. Dù vậy, công việc lại tương đối nhàm chán khiến Diêu Viễn ngày càng không hài lòng. Năm 2008, anh nghỉ việc, đến Thượng Hải tìm kiếm cơ hội mới.
Dù bố mẹ không hiểu quyết định của con trai nhưng vẫn không ngăn cản, chỉ khuyên anh "nên suy nghĩ kỹ trước khi làm" để không phải hối tiếc trong tương lai.
Khi mới đến Thượng Hải, Diêu Viễn tràn đầy tự tin, nhưng khi thực sự bắt đầu cuộc sống ở đây, anh mới nhận ra mọi thứ không hề dễ dàng. Sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng ở Thượng Hải không ít, trong khi nhiều công ty lớn thích tuyển dụng nhân tài có kinh nghiệm học tập hoặc làm việc ở nước ngoài. Sự cạnh tranh khốc liệt vượt xa sức tưởng tượng của Diêu Viễn. Anh đã đến rất nhiều công ty nhưng kết quả phỏng vấn đều không khả quan.
Người đàn ông này vốn có cuộc sống thuận buồm xuôi gió từ nhỏ nên không chỉ nản lòng sau khi nhiều công ty từ chối mà lòng tự tôn của anh cũng rơi xuống đáy. "Dù mọi thứ không suôn sẻ nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục ở lại Thượng Hải để tìm kiếm cơ hội mới", Diêu Viễn nói với một người bạn.
Thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính bao trùm toàn thế giới. Rất nhiều công ty tại Thượng Hải khi đó sa thải nhân viên, nhiều người thất nghiệp tìm kiếm việc làm trong tuyệt vọng. Sau một thời gian, Diêu Viễn cũng tiêu hết số tiền tiết kiệm của mình. Anh bắt đầu lang thang trên đường phố Thượng Hải.
Vì nợ nần và xấu hổ, Diêu Viễn cắt đứt liên lạc với gia đình, sống bằng nhặt rác và ăn xin. Bố mẹ ở quê rất lo lắng nhưng không có địa chỉ của con ở Thượng Hải nên chỉ chờ đợi. Sau một thời gian dài không tin tức, bố mẹ anh thông báo con trai mất tích và lên Thượng Hải tìm kiếm nhưng không có kết quả. Sau vài năm, hai người đành chấp nhận "có lẽ Diêu Viễn không còn sống nữa..." rồi dần từ bỏ việc tìm kiếm.
Năm 2020, cảnh sát Thượng Hải thông báo đã tìm thấy Diêu Viễn. Do sống lang thang ngoài đường 12 năm, lâu ngày không tiếp xúc và giao tiếp với người ngoài, người đàn ông này bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như trầm cảm, rối loạn tâm thần và mất trí nhớ. Thời điểm đó, anh trông gầy yếu và mệt mỏi. Ngoài 40 tuổi mà Diêu trông giống một ông già 70. Gặp lại con, bố mẹ anh vừa vui lại vừa buồn. Vui vì đã tìm được con, nhưng buồn vì con đã thay đổi quá nhiều.
Diêu Viễn sau đó đã được đưa vào bệnh viện để điều trị. Do tình trạng không quá nghiêm trọng, nên anh lấy lại trí nhớ, sức khỏe cũng hồi phục nhanh chóng.
Sau khi bình phục, bố mẹ hỏi Diêu Viễn: "Sao không về nhà khi không tìm được việc?". Người con thừa nhận: "Đó là do sự cao ngạo của con".
Trước đây, Diêu Viễn luôn coi mình là thiên tài và có quyền lựa chọn. Khi đến Thượng Hải, mọi việc khó khăn, anh không thích nghi được với thực tế mà vẫn nghĩ rằng sẽ có ngày tạo được chỗ đứng vững chắc. "Con muốn có ngày trở về quê hương trong danh dự để chứng minh rằng lựa chọn của mình là đúng", Diêu Viễn hồi tưởng.
Tuy nhiên, thất bại, nợ nần khiến anh không còn mặt mũi nào để về nhà, vì vậy chọn cách trốn tránh.
Hiện tại, Diêu Viễn đã chấp nhận số phận và sống một cuộc sống bình thường. Khi nói chuyện với mọi người, giờ anh có thể chia sẻ nhiều chuyện, đặc biệt là bài học biết chấp nhận thất bại, chấp nhận bản thân không còn xuất sắc và hạ cái tôi xuống.
Câu chuyện của Diêu Viễn mới đây được đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của người dùng mạng nước này. Có nhiều người phê phán tư tưởng kiêu ngạo của Diêu Viễn nhưng cũng có người tỏ ra thông cảm. Trong số này, một người đã viết: "Thực ra, bình thường không có nghĩa là tầm thường. Con người luôn phải biết bằng lòng và chấp nhận hiện tại. Nếu mù quáng đi theo những thứ viển vông, bạn sẽ chỉ lạc lối và trở thành một kẻ thất bại".
Vy Trang (Theo sohu)
Bài thơ “Xin đừng quên bóng mẹ hiền” – Không có mẹ thì sao có mình, đừng vô tâm để rồi phải ân hận
XIN ĐỪNG QUÊN BÓNG MẸ HIỀN