Nghiên cứu mới gây xôn xao từ FDA: Kem chống nắng có thể ngấm vào máu sau 1 ngày sử dụng, sự thật là gì?
Kem chống nắng vốn được xem là giải pháp tối ưu nhất giúp phòng ngừa những tác hại từ ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên mới đây nhiều tín đồ làm đẹp xôn xao với thông tin hóa chất trong kem chống nắng có thể ngấm qua da và đi vào máu chỉ sau 1 ngày sử dụng.
Theo đó, trong nghiên cứu được công bố vào ngày 6/5 vừa qua của các nhà khoa học trực thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đăng tải trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA), cho biết các chất hóa học thường dùng trong kem chống nắng có thể ngấm vào máu.
"Hóa chất trong kem chống nắng có thể ngấm vào máu" - tờ Independent đăng tải
Nghiên cứu mới của FDA đăng tải trên JAMA đang khiến nhiều tín đồ làm đẹp tại Việt Nam xôn xao
Trong thử nghiệm này, 24 tình nguyện viên dùng kem chống nắng trong 4 ngày, 4 lần/ngày với lượng 2mg/cm2 trên 75% diện tích cơ thể. Sau đó các nhà khoa học sẽ lấy mẫu máu trong 7 ngày. Kem chống nắng được lựa chọn ngẫu nhiên, bao gồm dạng xịt, dạng kem và dạng lotion. Mục tiêu của thử nghiệm là kiểm tra xem 4 thành phần chống nắng phổ biến (avobenzone, oxybenzone, octocrylene và ecamsule) có thể ngấm vào máu hay không.
Sau thử nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ cả 4 hoạt chất chống nắng trên đều vượt ngưỡng 0,5 nanograms/ml – ngưỡng an toàn do FDA công bố vào năm 2016. Những sản phẩm vượt ngưỡng này sẽ cần có thêm những thí nghiệm bổ sung chứng minh độ an toàn. Ngoài ra, trong những ngày tiếp theo, nồng độ các chất trên cũng tiếp tục tăng cho thấy dấu hiệu tích lũy theo thời gian.
Tuy nhiên, nghiên cứu này có hạn chế là thực hiện trên số lượng nhỏ (24 tình nguyện viên). Thí nghiệm được thực hiện trong nhà, các tình nguyện viên không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nghiên cứu cũng không khẳng định các hóa chất này có gây hại với sức khỏe hay không, mà chỉ là gợi ý để có các bài kiểm tra chuyên sâu và không nhằm mục đích kêu gọi mọi người ngừng dùng kem chống nắng.
Trong bài luận đi kèm nghiên cứu, cựu Chủ tịch FDA, tiến sĩ Robert Califf cũng khẳng định rằng: không có bằng chứng nào cho thấy những thành phần này là không an toàn. Còn theo bác sĩ Anjali Mahto, đang công tác tại phòng khám Cadogan Clinic chia sẻ với tờ The Independent: "Kể cả khi kem chống nắng được tìm thấy trong máu cũng không chứng minh chúng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi đã dùng kem chống nắng hóa học trong nhiều năm mà không có bất cứ vấn đề gì". Cô cũng khẳng định mọi người đều nên dùng kem chống nắng hàng ngày và dùng thêm các món đồ che chắn để hạn chế da bị cháy nắng, ung thư da.
Như vậy là nghiên cứu trên chỉ là nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học để kiểm tra độ thẩm thấu qua da của 4 hoạt chất chống nắng (avobenzone, oxybenzone, octocrylene và ecamsule) chứ không khẳng định chúng sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc kêu gọi mọi người ngừng dùng kem chống nắng.
Trong trường hợp bạn vẫn e ngại thì có thể tìm đến những sản phẩm chống nắng không chứa những thành phần trên. Các loại kem chống nắng vật lý (thành phần chứa zinc oxide hoặc titanium dioxide) hoặc kem chống nắng không chứa Oxybenzone được đánh giá là khá an toàn, chính tạp chí tiêu dùng Consumer Reports cũng có hạng mục riêng để vinh danh những sản phẩm này.
Theo: kenh14.vn
Những lý do mùa hè Nhật Bản hấp dẫn du khách
Du khách có thể leo núi Phú Sĩ, tắm biển hoặc tham gia các lễ hội sôi động trải dài khắp mùa hè ở Nhật Bản.