Nghệ sĩ cải lương Linh Tâm: Tôi có tội với khán giả Việt Nam
Giờ chỉ có đám ma là tôi không hát
* Về nước biểu diễn sau thời gian xa xứ, nghệ sĩ Linh Tâm cảm thấy sự đón nhận của khán giả như thế nào?
- Nghệ sĩ Linh Tâm: Tất nhiên điều nghệ sĩ cần nhất là sự tương tác trực tiếp từ khán giả, nhưng tôi thường không có điều kiện đó, cứ quay video thì làm sao biết được cảm giác mình hát mà bà con ngồi coi, khóc cười với mình. Đó là cảm giác tuyệt vời nhất của người nghệ sĩ. Tôi hạnh phúc khi được hát trực tiếp cho khán giả, cảm giác sướng lắm, vì nếu chỉ hát thu tiếng rồi làm video trên YouTube thì không mang lại được trải nghiệm như vậy.
Năm nay, nghệ sĩ cải lương Linh Tâm đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam
* Nhiều khán giả từng trách móc nghệ sĩ Linh Tâm tại sao lại qua Mỹ mà không ở lại để phục vụ khán giả trong nước. Ông nghĩ gì về điều này?
- Nói thật, hồi xưa bà con ở Mỹ thiếu thốn cải lương lắm. Mỗi lần tôi đi Mỹ khó khăn vô cùng, qua đó bà con “cưng” tôi lắm. Vậy nên quan niệm của tôi lúc đó là vừa muốn sang Mỹ hát, vừa muốn biểu diễn ở cả Việt Nam. Khi mình quen thì có nhiều con đường để lựa chọn thoải mái, có nhiều người muốn sang Mỹ hát mà không được. Cảm giác đầu tiên của tôi đơn giản là vậy thôi. Ở đâu có người Việt thì mình đến phục vụ. Ví dụ Việt Nam bắt đầu mùa mưa thì tôi sang Mỹ hát, bên đó trở lạnh thì tôi lại về nước hát. Nhờ vậy mà tôi có nhiều đối tượng khán giả để biểu diễn cho họ.
* Ông cảm nhận giọng hát của mình bây giờ so với thời trẻ có thay đổi hay bị ảnh hưởng không?
- Đó là điều chắc chắn, ngay cả Minh Vương, Thanh Tuấn cũng vậy. Hồi xưa nghe họ hát tôi cứ nghĩ làm sao có người ca hay hơn họ. Nhưng cuối cùng người ca hay hơn lại là chính họ ở quá khứ. Sau khi già đi giọng hát họ bị ảnh hưởng, không hay bằng chất giọng ngày xưa. Tôi cũng vậy, 20 năm trước, thời điểm còn những đoàn hát ở tỉnh lên đây hát, có ngày tôi hát ba suất sáng, trưa, tối. Lúc đó phải nói tôi tràn đầy sinh lực, hát rất thoải mái.
Nghệ sĩ Linh Tâm diễn vở cải lương Dạ cổ hoài lang cùng NSƯT Bảo Quốc, Vũ Luân, Trinh Trinh
Qua Mỹ mình có thiệt thòi là xung quanh toàn người Mỹ thôi, gia đình cũng là người Mỹ, tôi hát nghêu ngao trong nhà sẽ bị kỳ. Tôi tự ái, làm thinh hoài khiến giọng của mình không còn bằng hồi ở Việt Nam. Từ ngày về nước tới giờ cũng được 2 tháng, tôi nhận show liên tục, hát cũng được 3 - 4 tuần. Hát không phải vì vấn đề kinh tế mà là được hát, như được tập thể dục. Giống như bóng đá, cầu thủ mỗi ngày phải tập dợt thì nghệ sĩ cũng vậy. Hồi đó có khi tôi và Vũ Linh thu âm mỗi ngày, ví dụ một tháng không có tuồng thì khi bắt đầu trở lại sẽ thấy ngượng, huống chi bây giờ không có điều kiện như vậy, lĩnh vực nào cũng cần văn ôn võ luyện hết.
* Nhận hát những show hội chợ, lô tô ở vùng sâu vùng xa như vậy, ông có sợ người ta nghĩ mình hết thời?
- Không, tôi không sợ. Vừa rồi, tôi đi hát show lô tô ở Gò Công Tây, bà con rất nhiệt tình, họ đến chờ tôi hát xong mới về. Họ xin nắm tay, chụp ảnh… khiến tôi cảm thấy mình có tội. Vì ông Tổ cho tôi cái nghề, cho giọng hát và cả tình cảm của khán giả nhưng tôi không “xài” hết, bị hà tiện. Bây giờ xem như tôi “xài” dần những đặc ân đó, chỉ có đám ma là tôi không hát thôi (cười).
Sang Mỹ vắng Vũ Linh thì tôi làm ‘trùm’
* Đi hát nhiều như vậy, sức khỏe của ông có đảm bảo không?
- Tôi thấy cũng tùy lúc, hồi xưa đề kháng tốt hơn, cơ thể tôi ít bệnh hơn chút. Bây giờ ví dụ đi Hà Nội hát, thời tiết rất lạnh, vừa bước về Sài Gòn lại nóng là tôi bắt đầu nghẹt mũi. Cơ thể cũng có những cái không còn linh động giống ngày trước. Nói chung đó là định luật tạo hóa, phải chấp nhận thôi.
Nam nghệ sĩ tâm sự giọng hát đã không còn được như xưa
* Thời hoàng kim, nghệ sĩ Linh Tâm chủ yếu diễn vai chính. Sau này ông lại diễn vai nhỏ hoặc tuồng ngắn, việc đó có dễ dàng chấp nhận không?
- Khi ngắt tuồng thành những đoạn nhỏ như vậy, đó thường là những trích đoạn hay nhất. Trong một vở hoàn chỉnh phải có vai chính, vai phụ, vai lão… vô hình nó sẽ tạo ra từng cấp A1, A2, A3 trong đó, mình có chấp nhận hát A3, A4 hay không đó là điều quan trọng. Hồi đó, khi tôi đang đương thời, bạn diễn của tôi thường ngán, sợ những vai ác. Nhưng chính những vai đó lại có đất diễn, tôi thích hát để thử sức mình, có nơi để thử thách khả năng của mình ở nhiều lĩnh vực, khiến khán giả có thể buồn, khóc, thậm chí là chửi mình.
* Nhiều nghệ sĩ rất ngại bị khán giả chửi, ông lại không ngại điều đó sao?
- Tôi không ngại. Thậm chí có người nói sau khi tôi đi Mỹ rồi, Vũ Linh như thiếu đi một người cộng sự đóng vai thật ác để khán giả thương vai hiền. Tôi không biết đó có phải sự thật hay không, nhưng nghe được tôi rất vui. Vì ít nhiều tôi cũng có một dấu ấn trong lòng khán giả. Trong một vở hát sẽ có nhân vật được thương nhất và ghét nhất, đó là những nhân vật mà khán giả nhớ đến nhiều, tôi nằm ở khoảng thời bị ghét nhất, đi đâu người ta cũng biết tôi. Bây giờ về đây, tôi cố gắng đi hát, tiếp cận khán giả bằng mọi cách. Tôi sẵn sàng đi hát từ thiện, hát lô tô chứ không nhất thiết phải diễn trên sân khấu lớn.
Nghệ sĩ Linh Tâm bày tỏ ngưỡng mộ Vũ Linh, luôn xem đàn anh như người thầy của mình
* Vậy ông có cảm giác thiếu hụt khi không đứng chung sân khấu với nghệ sĩ Vũ Linh không?
- Chắc chắn rồi, nhưng được cái qua Mỹ tôi thành “trùm” (cười). Bản thân tôi trước đây chuyên trị những vai ác, tôi cũng hát rất nhiều vai thường như trong Bài ca tìm mẹ, Thúy Kiều Từ Hải… Nhưng tôi lại thích sự mạo hiểm trong nghề của mình, ai cũng mời Kim Tử Long, Vũ Linh làm kép chính, vậy thì chỉ có vai ác mới có thể giúp tôi trở nên nổi bật, vì một tuồng không thể có hai kép chính.
Không nhận đệ tử nhưng sẵn sàng chỉ bảo
* Nhiều nghệ sĩ đều thực hiện liveshow kỷ niệm chặng đường đi hát. Với nghệ sĩ Linh Tâm thì sao?
- Tôi dự định làm mấy lần nhưng không có duyên. Trong nhóm nghệ sĩ có tên tuổi thì tôi và Vũ Linh là những người chỉ hát cho người ta chứ chưa có liveshow. Có lần tôi định tổ chức, mời nghệ sĩ hết rồi nhưng lại bị kẹt rạp, kẹt nghệ sĩ, khiến tôi cũng tự ái. Tôi suy nghĩ tại sao người ta mời mình dễ quá, đến lúc mình mời lại thì người này bận, người kia bận. Thấy cũng xốn xang trong lòng, mà thôi kệ, người ta kêu mình thì mình hát chứ tổ chức làm gì.
Linh Tâm cảm thấy mình có tội với khán giả ở Việt Nam
Bây giờ để một mình tôi đứng ra tổ chức thì hơi căng, không sợ vấn đề tiền bạc mà sợ tình cảm. Nhiều khi cái giá của anh em như vậy, tôi là bạn bè thì lại khác. Tôi muốn làm thì phải thật hoàn chỉnh, tốn rất nhiều công sức, tập dợt. Không giống hồi xưa, tôi hát một tuồng cũng trong vài tháng hoặc một năm mới bỏ vở đó, bây giờ chỉ hát một đêm rồi thôi, cũng hơi đau nhưng thôi vậy. Đó là lý do tôi không thể đứng ra tổ chức một show lớn được, không thể nào năn nỉ bạn bè, sợ mất lòng nhau cũng kỳ. Giận thì tôi không giận nhưng tôi buồn, chuyện gì đã qua thì cho qua.
* Một đời nghệ sĩ Linh Tâm theo nghiệp cải lương, nhưng con cái lại không nối nghiệp cha. Có bao giờ ông cảm thấy tiếc nuối vì không có người để mình truyền nghề?
- Bây giờ con trai Linh Tý của tôi làm diễn viên truyền hình, con gái Thu Tâm làm kinh doanh, tôi không truyền nghề cho các con được. Nhưng tôi có “bệnh” nói nhiều, đi diễn chung nhiều khi thấy đàn em còn thiếu sót thì tôi tế nhị gọi ra ngoài góp ý. Tôi không nhận ai làm đệ tử nhưng sẵn sàng chỉ bảo, chăm chút khi thấy các em còn thiếu sót.
Ông không nhận học trò nhưng nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn gọi là thầy
* Nhiều nghệ sĩ hay nhận con nuôi hoặc học trò, vì sao nghệ sĩ Linh Tâm lại không làm như vậy?
- Giống như tôi với nghệ sĩ Vũ Linh, cả đời tôi luôn nghĩ Vũ Linh là một người anh, người thầy của tôi. Tình cảm đó tôi thấy trân quý lắm. Ví dụ lỡ nhận một người học trò, đến khi người đó hát giỏi rồi lại không nhìn mình thì tôi buồn lắm. Nên tôi chấp nhận, nếu đã là cái duyên thì nó sẽ tới. Nhưng bây giờ ai tôi cũng hướng dẫn hết, đi tập trên đài truyền hình cũng vậy, thấy các em diễn chưa được thì tôi góp ý. Các em cũng tự gọi tôi bằng thầy, học theo các vở diễn trước của tôi, tôi thấy cũng vui.
* Cảm ơn nghệ sĩ Linh Tâm đã chia sẻ!
Thói “khôn lỏi” của nhiều tài xế Việt: Vờ hỏng xe, bật đèn dừng khẩn cấp để thản nhiên đỗ ở đường cấm
Trên tuyến phố cấm dừng đỗ, nhất là tại các thành phố lớn, không ít trường hợp tài xế cố tình lách luật bằng cách mở nắp capo giả vờ, bật đàn khẩn cấp như xe bị trục trặc rồi đỗ lì cả ngày.