Năm nguyên tắc dạy con của phụ huynh Nhật Bản
Ở Nhật Bản, bạn sẽ rất hiếm khi nhìn thấy một đứa trẻ gào khóc trong siêu thị. Đa số trẻ đều học được cách tiết chế cảm xúc nơi công cộng, luôn lịch sự và thân thiện với người khác. Bright Side ngày 17/12 chia sẻ năm nguyên tắc cơ bản mà người Nhật luôn chú ý khi nuôi dạy con.
Mối quan hệ mẹ con rất gần gũi
Ngủ cùng con, luôn bế con theo mình là cách phổ biến của các bà mẹ Nhật Bản để mối quan hệ giữa cả hai luôn gần gũi. Tình cảm sâu sắc của họ còn thể hiện ở chỗ trong mắt mẹ, con luôn hoàn hảo.
Những tác phẩm nghệ thuật cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 cho thấy mẹ con Nhật Bản quấn quýt bên nhau. Ảnh: Kitagawa Utamaro
Trước khi một đứa trẻ lên 5, chúng được phép làm những gì mình muốn. Người nước ngoài có thể thấy điều này đồng nghĩa với nuông chiều con thái quá, nhưng thực tế quy tắc này giúp con biết mình là đứa trẻ ngoan.
Quan điểm như vậy góp phần tạo nên khái niệm "amae". Tuy không có từ tương tự trong các ngôn ngữ khác, nó có thể được dịch là "mong muốn được yêu thương" hoặc "sự quyến luyến". "Amae" là nền tảng của mối quan hệ mẫu tử. Trẻ có thể dựa dẫm vào tình yêu của bố mẹ và ngược lại, khi về già bố mẹ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ đứa con đã trưởng thành.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản chứng minh thái độ khuyến khích trong nuôi dạy trẻ sẽ tác động tích cực đến hành vi của chúng.
Triết lý nuôi dạy con
Giáo dục Nhật Bản dựa trên nguyên tắc mọi người đều bình đẳng từ khi sinh ra. Trong giai đoạn đầu tiên (trước tuổi lên 5), trẻ được bố mẹ yêu chiều. Đối với trẻ 5-15 tuổi, tình yêu của bố mẹ không mất đi, nhưng chúng phải học cách sống theo các quy tắc xã hội và cố gắng tìm mục đích của mình trong thế giới. Do mối quan hệ giữa mẹ và con rất khăng khít, một đứa trẻ sẽ cố gắng ngoan ngoãn để không làm mẹ buồn. Trong giai đoạn thứ ba, khi đã đủ 15 tuổi, trẻ được cho là ngang hàng với bố mẹ và những người khác.
Công chúa Nhật Bản Ayako (thứ hai từ phải sang) đang biểu diễn với bạn cùng lớp trong ngày hội thể thao ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Triết lý này nhằm nuôi dạy nên một thành viên của xã hội có tính tập thể cao, nơi lợi ích cá nhân không phải điều quan trọng nhất. Cha mẹ Nhật Bản cố gắng giúp con trở thành người sống hòa thuận, không coi nhẹ giá trị của bản thân.
Gia đình là một trong những điều quan trọng nhất
Người Nhật nghĩ rằng trẻ em không nên được gửi đến trường mẫu giáo trước khi chúng tròn 3 tuổi. Cha mẹ thường không nhờ ông bà hoặc thuê người trông trẻ mà tự mình chăm sóc con.
Tuy nhiên, trẻ được dành nhiều thời gian ở bên ông bà và những người thân khác. Mối quan hệ của chúng với các thành viên trong gia đình thật sự rất ấm áp. Mọi người luôn hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau.
Cha mẹ là tấm gương của trẻ
Có một thử nghiệm liên quan đến các bà mẹ Nhật Bản và châu Âu. Họ được yêu cầu lắp ráp một kim tự tháp. Các bà mẹ Nhật Bản đã tự xây kim tự tháp và sau đó yêu cầu con lặp lại. Nếu thất bại, trẻ sẽ làm lại từ đầu. Ngược lại, các bà mẹ châu Âu giải thích cách xây dựng kim tự tháp và yêu cầu con làm thử.
Như vậy, các bà mẹ Nhật đã tuân theo quy tắc "hãy làm giống mẹ", còn các bà mẹ châu Âu đã đề nghị con tự làm mọi thứ và không làm mẫu.
Quan tâm đến cảm xúc của trẻ
Để dạy trẻ hòa nhập với xã hội, điều quan trọng là giúp chúng biết cách nhìn thấy và tôn trọng những cảm xúc hoặc sở thích khác nhau.
Trẻ Nhật Bản mặc kimono trong nghi lễ Shichi-Go-San truyền thống. Ảnh: East News
Các bà mẹ Nhật Bản tôn trọng cảm xúc của con, không thúc ép hay khiến con xấu hổ. Họ muốn trẻ hiểu cảm xúc của người khác và thậm chí là những đồ vật vô tri. Ví dụ, nếu một đứa trẻ đang cố phá chiếc ôtô đồ chơi, bà mẹ Nhật Bản sẽ nói "Chiếc xe tội nghiệp, nó sẽ khóc mất". Trong khi đó, một bà mẹ châu Âu có thể sẽ quở trách "Dừng lại ngay. Hư quá".
Người Nhật không tự nhận cách nuôi dạy con của họ là tốt nhất. Ngày nay, các giá trị phương Tây cũng ảnh hưởng ít nhiều đến truyền thống của họ. Tuy nhiên, thái độ bình tĩnh và tình thương yêu dành cho trẻ vẫn không thể thay đổi.
Nguồn: vnexpress.net
Người bạn yêu đang là động lực hay nỗi đau?
Đã bao giờ bạn hỏi lại chính mình "Người bạn đang yêu thực sự là động lực hay nỗi đau?."