Một ‘Thế hệ thua cuộc’ ở Nhật Bản

“Cánh cửa chỉ mở một lần” là cụm từ mô tả hệ thống tuyển dụng khắt khe của Nhật Bản, trong đó sinh viên đại học xuất sắc có cơ hội kiếm được vị trí tốt trước khi tốt nghiệp, từ đó có “nấc thang lên thiên đường”, được thăng chức, tăng lương thường xuyên.

Những người không qua được kỳ tuyển dụng này sẽ phải đổi việc thường xuyên, ít cơ hội thăng tiến, tăng lương.

Kể từ khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản sụp đổ, thị trường lao động bước vào “kỷ băng hà”, các nhà tuyển dụng giảm đáng kể tuyển dụng mới để bảo vệ những lao động lớn tuổi vô tình tạo ra một “thế hệ thua cuộc” gồm những người trẻ. Những người này không có việc làm tốt, họ chọn cuộc đời độc thân, không con cái. Điều tra dân số năm 2015 của Nhật Bản cho thấy có 3,4 triệu người ở độ tuổi 40 và 50 chưa kết hôn và vẫn sống với cha mẹ.

Khảo sát của chính phủ Nhật công bố tháng 3/2019 cho thấy nước này có 613.000 hikikomori ở độ tuổi trung niên – thuật ngữ mô tả những thanh thiếu niên sống khép kín, chui lủi trong phòng ngủ. Trong số những người dưới 40 tuổi, cứ ba người thì có một người trở nên “sống đời cô lập” vì gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hoặc ổn định công việc sau khi học xong.

Michinao Kono chưa bao giờ chuyển ra khỏi nhà của cha mẹ mình. Ảnh: Shiho Fukada/ Bloomberg.

Vấn đề “8050”

Khái niệm này đề cập đến một nhóm cha mẹ ở độ tuổi 80 phải chăm sóc con cái đã ngoài 50. Michinao Kono bị gắn nhãn này. Anh 45 tuổi, thất nghiệp và chưa bao giờ rời khỏi nhà cha mẹ ở tỉnh Nara. Anh cảm thấy bối rối khi nghĩ rằng xã hội Nhật coi những người như anh là “bom hẹn giờ”. “Tôi sẽ không thành kẻ phạm tội, nhưng tôi nghĩ bản thân phải chấm dứt việc ở trong nhà vì tình hình kinh tế của tôi đang đi vào ngõ cụt”, anh nói.

Kono được định sẵn từ khi sinh ra có một tương lai đầy hứa hẹn. Cha anh làm việc cho một trong những tập đoàn kinh tế huyền thoại của Nhật Bản, có xe và nhà có sân trước – biểu hiện của một gia đình khá giả. Bản thân Kono thi được vào Đại học Kyoto – trường đại học lâu đời thứ hai xứ Phù Tang. Song việc thiếu kỹ năng xã hội khiến anh thành kẻ cô độc.

Trong năm thứ ba và thứ tư đại học, hộp thư của Kono tràn ngập thư tuyển dụng, giống như những bạn cùng lớp. Ngay cả đang trong thời kỳ kinh tế bất ổn của những năm 1990, sinh viên Đại học Kyoto vẫn “đắt giá”. Tuy nhiên Kono không tham gia vào kỳ tuyển dụng thời đó. Anh thường xuyên trốn học, đến nỗi sau 8 năm đại học vẫn chưa thể tốt nghiệp. Bị buộc rời khỏi trường, anh cũng không cố gắng tìm việc. “Đó là kỷ băng hà việc làm. Tôi đã nghĩ rằng ngay cả khi mình cố gắng, sẽ chỉ vô ích thôi”, anh giải thích.

Anh sống trong nhà của cha mẹ. Ngày trở thành tuần, thành tháng, thành năm. Anh lao theo các nhóm nhạc nữ, đặt vé máy bay theo các tour diễn của họ khắp châu Á, dẫn tới vỡ nợ khoảng 3 triệu yên. Giờ đây, anh và bố mẹ anh sống nhờ tiền trợ cấp của bố Kono. “Tôi đã tự đào hố chôn mình”, anh nói.

Đến một ngày, Kono tình cờ gặp Takaaki Yamada, người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận ở Kyoto. Nhóm tiếp cận những người ở tuổi trung niên, mục đích kết nối họ lại với xã hội trước khi cha mẹ già qua đời.

Mùa hè năm 2019, Kono đã nộp đơn cho 3 công việc văn thư, anh không biết mình sẽ phải cạnh tranh với 1.815 ứng viên khác. Đến tháng 11, anh nhận công việc rửa bát tại một nhà hàng ramen, kiếm được khoảng 150.000 yên/tháng, chỉ cao hơn mức lương tối thiểu một chút. Kono ý thức được bố mẹ sẽ không sống được lâu nữa. Bố anh không còn lái được xe và mẹ bị cong cột sống. “Tôi muốn đứng dậy và để họ yên tâm về tôi khi họ còn sống”, anh nói.

Phụ nữ khó khăn tìm việc

Trên lý thuyết, Yu Takekawa, ở Yokohama là hiện thân của người phụ nữ Nhật Bản được giải phóng – thuật ngữ khá hiếm ở Nhật Bản. Cô có bằng thạc sĩ, làm việc toàn thời gian và xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết.

Người phụ nữ 38 tuổi thất nghiệp từ tháng 3, sống bằng trợ cấp thất nghiệp. Cô thường xuyên bỏ bữa tối để tiết kiệm tiền. Một điều an ủi là đại dịch cho cô thời gian để viết xong cuốn sách thứ ba. “Nếu không có cuốn tiểu thuyết, tôi thực sự nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ tuột xuống vách núi. Tìm việc thật khó khăn trong đại dịch”, Takekawa nói

Yu Takekawa ở Yokohama, bị mất việc làm vào tháng Ba. Ảnh: Shiho Fukada/ Bloomberg.

Giống như nhiều người trong thế hệ của mình, Takekawa đã phải vật lộn để tìm được chỗ đứng trong thế giới việc làm. Cô theo học Đại học Rikkyo, một trường nghệ thuật được đánh giá cao ở Tokyo. Tuy từ cách đây hai thập kỷ ở Nhật có ban hành luật đảm bảo cơ hội việc làm bình đẳng cho phụ nữ, nhưng những phong tục cũ vẫn còn tồn tại. Ra trường không xin được việc, cô tiếp tục học lên. Cuối cùng cô cũng có công việc toàn thời gian tại một công ty xây dựng. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra vị trí này được trả ít hơn 30% lương so với đồng nghiệp nam. Công ty cũng chỉ tuyển phụ nữ độc thân vẫn sống cùng cha mẹ để làm công việc đó. “Họ hy vọng chúng tôi sẽ bỏ việc một khi kết hôn”, cô nói.

Chán nản vì không có triển vọng, Takekawa bỏ việc sau hai năm rưỡi. Sau đó cô làm phóng viên, tuy lương tốt hơn nhưng phải “phục vụ trà nước cho các đồng nghiệp nam”. Từ năm 2010 cô phải dùng thuốc chống trầm cảm và không có công việc nào kéo dài.

Tìm lối thoát

Bên trong nhà hàng ở Shibuya, một quận thuộc Tokyo, khoảng 40 người trò chuyện và cười nói. Không ai có thể ngờ đây là một cuộc tụ tập dành cho những người hikikomori. Ở đây không có những chỉ trích, xấu hổ, sẽ không sao nếu bạn không muốn chia sẻ chuyện cá nhân, thậm chí tên.

Wataru Kubo người ở quận Shibuya cho biết anh bắt đầu tổ chức cuộc tụ tập cho những người “thoái thác xã hội” ở Tokyo từ tháng 8/2018. Anh muốn bầu không khí thoải mái nhất có thể. “Đây là một nơi mà mọi người cảm thấy an toàn. Đây cũng là nơi mà họ có thể kết nối với nhau”, anh nói.

Trong nhóm có một người 47 tuổi đã 17 năm sống ẩn dật trong nhà của bố mẹ sau khi tốt nghiệp đại học. Một người khác 39 tuổi nói đã đổi hàng chục công việc và giờ sống trong nhà dành cho người vô gia cư. “Cần rất nhiều năng lượng để đến đây”, Wataru Kubo nói. Bản thân anh ngày nhỏ nung nấu sau này sẽ tiếp quản công việc kinh doanh đồ gỗ của bố. Tuy nhiên sau tốt nghiệp trung học, anh lại thành một hikikomori. Gần đây anh mới cố gắng tìm việc và quay trở lại giúp những người như mình.

Tại Osaka, Junko, 44 tuổi cũng đang học cách hòa nhập lại xã hội. Cô từng học vẽ tại trường đại học và mong muốn trở thành họa sĩ truyện tranh, một phần vì cảm thấy con đường đến nghề nghiệp thông thường bị thu hẹp trong “kỷ băng hà”. “Những người lớn hơn chúng tôi một chút có thể dễ dàng tìm được việc làm, nhưng thời của tôi, có những người đã thất bại sau khi thử việc ở khoảng 200 công ty”, cô nói.

Junko làm việc cho hệ thống Bino Marche ở Osaka – công việc giúp cô “được chữa lành”. Ảnh: Shiho Fukada/ Bloomberg.

Sau khi tốt nghiệp, cô làm bán thời gian tại một cửa hàng tạp hóa. Khi cửa hàng đóng cửa, cô tập trung vào vẽ manga nhưng nhận thấy mình không thể kiếm sống từ nó. Trong suốt một thập niên, cô đã làm một loạt công việc văn thư, tất cả đều được trả lương thấp. Đôi khi, cô bỏ việc chỉ sau một tháng. Junko cho biết cô ngày càng thu mình hơn khi bước sang tuổi 30. “Tôi không muốn giao thiệp với mọi người. Tôi không nói chuyện với ai khác ngoài gia đình mình”, cô nói.

Mãi gần đây được hội đồng Toyonaka tiếp cận, lôi kéo tham gia hoạt động cộng đồng, cuộc sống của Junko mới có chút khởi sắc. Họ đề nghị cô vẽ manga cho các tập sách nhỏ mà hội đồng phân phối, cho cô tham gia các lớp làm vườn, âm nhạc, thể thao và tình nguyện. “Tôi được dạy rằng mình không cần phải quá sợ mọi người”, Junko, người hiện tại làm việc bán thời gian tại một cửa hàng Bino Marche cho biết.

Ông Tadakatsu Kinjo, ở Chiba từng tin rằng con trai mình sẽ có thể có cuộc sống tốt, nhưng giờ ở tuổi 75, ông đã hiểu rõ con mình. Bản thân ông sinh ra ở thời kỳ “bùng nổ dân số”, kiếm việc dễ dàng. Ông là kỹ sư điện và làm công việc bảo trì các tòa nhà, thu nhập tốt. Tuy nhiên con trai khiến ông xấu hổ, vì nhốt mình trong nhà, chơi điện tử.

Khi con tốt nghiệp trung học mà không đi tìm việc, ông đã xin cho con làm dọn dẹp văn phòng, bảo vệ… Chàng trai thường đi làm muộn, ăn trưa một mình, không giao du với ai khác, thậm chí không tham gia các bữa việc chia tay – vốn là một phần bắt buộc trong công sở Nhật. Không có công việc nào con ông làm quá một năm.

Người cha thất vọng thường la con: “Ra ngoài! Đi làm! Đừng lười biếng!”. Một lần, con trai của Kinjo đã biến mất vài ngày. Khi trở về, anh nói cảm thấy mình vô dụng. “Con tôi thậm chí đã từng tính đến chuyện tự tử’, ông tâm sự.

Ông Tadakatsu Kinjo đã nhận ra vấn đề của con và giúp đỡ con hòa nhập xã hội. Ảnh: Shiho Fukada/ Bloomberg.

Vào năm 2013, vợ của Kinjo tình cờ xem một chương trình truyền hình về chứng rối loạn phát triển và lúc này họ thấy giống y con mình. Một bác sĩ sau đó đã xác định nghi ngờ của cặp vợ chồng. “Tôi đã đối xử với con một cách khủng khiếp. Nếu tôi nhận thấy sớm hơn, có lẽ con đã không phải chịu đựng”, người cha hối hận.

Từ đó ông Kinjo thành lập một tổ chức hỗ trợ những người trưởng thành gặp khó khăn với vấn đề này. Con trai của ông hiện đã 41 tuổi, làm công việc bảo trì và sửa chữa các tấm pin mặt trời ổn định được 5 năm, với mức lương 150.000 yên/tháng. Nơi làm chỉ có một mình, vì thế anh không phải giao tiếp với ai.

“Con tôi đã rất may mắn. Tôi thấy mừng cho con”, người cha nói.

Nguồn: VnExpress

Tags:
Phụ nữ tự kiếm tiền: Dám mua thứ mình thích, dám bỏ kẻ làm khổ mình

Phụ nữ tự kiếm tiền: Dám mua thứ mình thích, dám bỏ kẻ làm khổ mình

Phụ nữ hiện đại có thể có tình yêu hoặc không nhưng tiền nhất định phải có. Phụ nữ đừng nghĩ chỉ cần tìm được người đàn ông yêu mình thật nhiều và có quyền dựa dẫm vào anh ta rồi đến một ngày bạn sẽ phải đau lòng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất