Mẹo xin visa du lịch Nhật Bản để kịp đi đúng mùa đẹp nhất trong năm

Làm giấy tờ xin visa du lịch Nhật Bản tự túc bằng cách này sẽ giúp bạn tăng phần trăm đỗ visa cực cao, rủi ro cực ít.

Được đặt chân đến Nhật Bản là ước mơ của nhiều bạn trẻ, bản thân mình cũng mong muốn được ghé thăm đất nước mặt trời mọc từ hồi bé. Nên ngay khi đủ điều kiện về kinh tế và sắp xếp được thời gian, mình đã lên kế hoạch để đến thăm vùng đất trong mơ này. Nhưng bản thân mình muốn tìm hiểu Nhật Bản theo cách riêng thay vì đi du lịch tour, thế nên mình bắt buộc phải tự xin visa và chuẩn bị mọi giấy tờ liên quan.

Có một thực tế là, không phải bạn có tiền thì bạn sẽ xin được visa đi du lịch tự túc ở Nhật, vì chính sách cấp visa của đất nước này cực kỳ khắt khe đối với người Việt, đặc biệt là người miền Trung như mình.

Khi quyết định tự làm giấy tờ để xin visa, mình là đã từng nghĩ đến làm visa dịch vụ với giá là khoảng 220 đô. Nhưng rất buồn là sau khi các đơn vị ấy hỏi thông tin cá nhân của mình thì đều từ chối nhận làm, vì mình đều thuộc những trường hợp cực kỳ khó làm visa dưới đây:

+ Tuổi còn trẻ (mình đoán khoảng 18 – 30 tuổi)

+ Chưa lập gia đình

+ Hộ khẩu ở các tỉnh miền Trung

+ Làm việc tại các công ty ngoài, không thuộc nhà nước.

+ Mới chỉ đi du lịch các nước đang phát triển trong khu vực

+ Chưa từng đến Nhật Bản du lịch

Nếu bạn có trong tài khoản ngân hàng cả trăm triệu đi chăng nữa thì tỉ lệ trượt visa cũng cực cao. Như bản thân mình, tất cả các đơn vị làm dịch vụ visa đều từ chối và bảo rằng khả năng đỗ visa của mình là 1%.

Sau khi tự đánh giá lại các loại giấy tờ, điều kiện bản thân và tham khảo thêm bạn bè đã từng đỗ visa đi Nhật Bản, mình quyết định không nhờ đến đơn vị làm dịch vụ nữa mà tự mình nộp hồ sơ xin visa.

Chọn bạn đồng hành và làm giấy tờ

Sau khi tìm hiểu qua các diễn đàn, thì mình nhận ra là Nhật Bản kiểm soát gắt gao người Việt xin visa vì người Việt Nam thường rất hay trốn ở lại Nhật để làm việc. Nếu bạn xin visa đơn lẻ một mình rất dễ bị nghi thuộc diện này, do đó bạn nên tìm thêm “cạ cứng” để cùng xin visa.

Nếu bạn là người có hộ khẩu miền Trung (như mình) thì nên xin visa cùng với một bạn có hộ khẩu Hà Nội. Nếu bạn là người làm ở công ty ngoài thì người kia nên có hợp đồng lao động thuộc cơ quan nhà nước. Ngoài ra, người cùng xin visa đã từng đến Nhật Bản du lịch thì càng tốt, tỉ lệ đỗ visa có thể trên 50% rồi.

Giấy tờ để làm visa sẽ bao gồm:

1. Đơn xin visa (tìm trên trang web của ĐSQ NB)

2. Hộ chiếu (gốc + bản photo các trang có dấu)

3. Ảnh (4.5 x.4.5) nền trắng, nếu tóc dài thì nhớ vén tóc qua tai để chụp lộ vành tai

4. Chứng minh tài chính

a. Sổ tiết kiệm trên 100 triệu (photo + bản gốc để đối chiếu ở ĐSQ, đối chiếu xong sẽ trả luôn mình)

b. Giấy xác nhận số dư tài khoản tiết kiệm mới nhất (ra ngân hàng làm vài ngày trước khi nộp visa, đừng làm sớm quá)

c. Hợp đồng nhà, sổ đỏ có tên hoặc các chứng minh tài sản khác (nếu có)

5. Giấy tờ Lao động:

a. Hợp đồng lao động (bản gốc + photo có dấu công ty)

b. Đơn xin nghỉ phép có xác nhận của công ty

c. Giấy xác nhận nghề nghiệp (có chữ ký đóng dấu của công ty)

d. Sao kê bảng lương 03 tháng gần nhất (nếu trả lương tiền mặt thì in 03 bản lương có dấu công ty không thì dùng sao kê ngân hàng có dấu ngân hàng là tiện nhất

6. Giấy mời từ bạn bè đang ở Nhật Bản:

a. Giấy mời theo mẫu của ĐSQ (bản gốc do người mời viết và ký tên)

b. Lịch trình theo mẫu của ĐSQ (bản gốc do người mời viết và ký tên)

c. Ảnh chụp chung với người mời

d. Photo mặt trước hộ chiếu và thẻ lưu trú còn hạn (visa dài hạn) của người mời

7. Giấy tờ cho hành trình

a. Booking vé máy bay (có thể book trả sau để có email eticket, bạn in ra kẹp vào hồ sơ là xong)

b. Booking khách sạn thì tùy vào tình hình trên lịch trình và thư mời nhé.

Bạn chú ý nhé, thứ quan trọng nhất trong các loại giấy tờ là giấy mời từ bạn bè đang ở Nhật Bản. Nếu bạn làm visa dịch vụ, phần lớn phí thu dùng để chi trả cho giấy mời – thứ được xem là thư đảm bảo bạn sang Nhật Bản là để du lịch, thăm bạn bè.

Nếu có bạn bè ở Nhật, bạn hãy nhờ họ gửi giấy mời, làm lịch trình theo mẫu của Đại sứ quán, phải có cả bản tiếng Nhật và tiếng Việt nhé, sau đó gửi về Việt Nam để bạn kẹp cùng hồ sơ. Nếu không có ảnh chụp chung của bạn với người mời thì hãy nhắn tin cùng nhau qua facebook hoặc email, gửi thư tay để đại sứ quán có thể chứng thực được mối quan hệ của hai bên. Còn về hộ chiếu và thẻ lưu trú của người mời, bạn có thể nhờ bên kia gửi qua email rồi đi in ra cũng được.

Sau khi chuẩn bị xong thư mời, hợp đồng, giấy xin nghỉ phép và vé máy bay, nơi nghỉ, bạn hãy chuẩn bị đến khâu chứng minh tài chính.

Nếu bạn có bất cứ tài sản nào như xe máy, đất đai, nhà ở thì có thể phô tô giấy tờ sở hữu để kẹp cùng. Còn nếu không có thì bạn hãy liên hệ đến các công ty du lịch để sử dụng dịch vụ chứng minh tài chính từ họ. Giá để làm cho 1 người rơi vào khoảng 2 – 2,2 triệu đồng/sổ 150 triệu đồng. Bên dịch vụ sẽ cần bản sao chứng minh thư và bản sao sổ hộ khẩu để làm sổ tiết kiệm, sau khi làm xong sổ, bên đấy sẽ giữ sổ gốc và chỉ gửi cho bạn giấy chứng nhận của ngân hàng thôi. Nên nhớ, chỉ in giấy chứng nhận này ra trước ngày nộp visa đúng một ngày thôi nhé, nếu đúng vào ngày đi nộp visa thì càng tốt.

Loại visa mình hướng dẫn các bạn đây là visa du lịch ngắn hạn, có thời hạn là 3 tháng kể từ ngày cấp visa. Vậy nên hãy xem xét kỹ lịch trình của bản thân để xin visa đúng thời điểm nhé. Nên xin visa cách thời điểm bạn đi khoảng 1 – 2 tháng, không nên xin visa quá sát ngày đi. Ngoài ra, bạn nên tránh xin visa vào lúc cao điểm, sẽ khó xin hơn. Ví dụ như xin đi vào mùa Xuân hay mùa Thu sẽ khó hơn xin vào mùa Hạ hay mùa Đông.

Nhìn chung, Nhật Bản là một nước phát triển, thế nên việc công dân các nước đang phát triển xin nhập cảnh sẽ khó khăn hơn. Theo kinh nghiệm của mình, khi làm giấy tờ nộp đại sứ quán, bạn cần trú trọng đến việc để họ biết bạn có công ăn việc làm ổn định ở Việt Nam, kinh tế vững vàng và không có ý định trốn lại Nhật trong khi đi du lịch.

Nhưng dù sao, việc xin visa Nhật Bản vẫn luôn được đánh giá là rất khó khăn và mang tính… hên xui. Thực hiện theo cách của mình sẽ chỉ làm tăng khả năng đỗ visa chứ không chắc chắn 100% sẽ không trượt. Nhưng đừng vì thế mà ngại thử, chúc bạn thành công!

Theo Lương Chi/http://emdep.vn

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất