Mẹ Việt nuôi dạy con ở Nhật: Người ngoài nhìn vào hâm mộ, người trong cuộc sốc lên sốc xuống
Mỗi khi nghe tôi than thở về vài chuyện khi gửi con ở Nhật, rồi những vấn đề mình lo ngại khi phải đối mặt, bạn bè ở Việt Nam thường ngạc nhiên: “Đang ở nơi nền giáo dục được coi là nhất thế giới, có gì mà phải kêu”. Hàng ngày, người thân và bạn bè đọc được đủ những bài báo ca ngợi nền giáo dục Nhật, ngưỡng mộ không để đâu cho hết, họ khó có thể hình dung được những bà mẹ Việt ở đây khi thâm nhập vào thế giới ấy vất vả thế nào.
Có quá nhiều nỗi lo khi nuôi dạy một đứa trẻ tại Nhật (Ảnh minh họa).
Tôi từng viết bài báo: “Những điều tuyệt vời khi làm mẹ ở Nhật”, nhưng vẫn có nhiều điều tôi chưa kể hết. Vâng, đằng sau những tuyệt vời, những trải nghiệm ngọt ngào ấy cũng không thiếu những giây phút đầy bối rối mà chỉ có làm mẹ ngoại quốc ở Nhật, các mẹ mới “thấm đòn” hết: Một mê cung giáo dục với hàng ngàn quy tắc đặc thù và các thủ tục rối rắm có thể khiến bất cứ bà mẹ nào cũng cảm thấy kiệt sức, bị đánh đố và đôi khi sụp đổ cái nhìn màu hồng về giáo dục Nhật.
Nhất là sau khi xảy ra câu chuyện rúng động về tội ác thương tâm với bé Lê Thị N.L, các mẹ Việt càng thêm hiểu ra nhiều điều: Có quá nhiều nỗi lo khi nuôi dạy một đứa trẻ tại Nhật. Không chỉ là nền tảng ngôn ngữ, văn hóa, mà còn là dành thời gian cho con, phương pháp giáo dục, và vấn đề an ninh cho trẻ…
Quá nhiều thứ không biết
Cộng đồng “các mẹ Việt tại Nhật” mới chỉ lớn lên thực sự trong vòng 5 – 10 năm trở lại đây. Họ là những người phụ nữ hoặc lấy chồng Nhật nên từ Việt Nam qua, hoặc sinh sống học tập, tạo lập sự nghiệp tại Nhật từ khi còn rất trẻ, kết hôn sinh con, hoặc theo chồng (là người Việt) sang lập nghiệp và nuôi con khi nước Nhật ngày càng trở thành miền đất hứa cho người Việt. Họ quyết tâm lựa chọn Nhật Bản là nơi gây dựng cuộc sống và nuôi dạy thế hệ thứ 2 trên đất Nhật. Thế hệ những người từng qua Nhật sau 75 gọi đây là “thế hệ Việt Nam mới” tại Nhật, số lượng ngày càng lớn mạnh (tới năm 2017 trên nước Nhật đã có gần 200.000 người Việt Nam).
Có tới hàng trăm ngàn câu hỏi mà người mẹ Việt Nam nào khi gửi con đi học tại Nhật cũng phải đau đầu lúng túng (Ảnh minh họa).
Tuy vậy, vì cộng đồng mới lớn mạnh và đông thêm nên những người mẹ thực sự có kinh nghiệm nuôi dạy con cái trưởng thành trên đất Nhật không nhiều. Và với một nền giáo dục đầy đặc thù, vốn không cởi mở với người nước ngoài như nước Nhật, việc thiếu thốn các kinh nghiệm của thế hệ đi trước khiến cho các mẹ Việt ở thời điểm hiện tại gần như phải “tự tìm đường”.
Có tới hàng trăm ngàn câu hỏi mà người mẹ Việt Nam nào khi gửi con đi học tại Nhật cũng phải đau đầu lúng túng, từ những câu hỏi nhỏ như: Tại sao điều kiện gửi con lại ngặt nghèo thế, trường công khác gì trường tư, tại sao các trang bị quần áo, đồ dùng cho con lại phức tạp và đắt đỏ tới vậy, tôi biết làm thế nào khi có quá nhiều giấy tờ phải điền và theo dõi, quần áo mặc cho con và cha mẹ khi khai giảng thì phải thế nào mới đúng, tôi có nên tặng quà cảm ơn các cô đã chăm sóc con tôi trong năm qua… tới những câu hỏi lớn lao hơn: Làm thế nào để con không quên bản sắc Việt khi ở trong môi trường giáo dục có tính đồng hóa cao như Nhật Bản?
Mới sang, sốc ngay từ vòng gửi con
Rất nhiều phụ nữ Việt khi tới sinh sống tại Nhật thời gian đầu khó có thể chấp nhận văn hóa có phần “nghiệt ngã” của xứ người – nhưng lại không phổ biến ở xứ mình: Người phụ nữ ở đây phải chấp nhận ở nhà sau khi có gia đình, không thể tự tạo lập sự nghiệp riêng khi đã có chồng có con. Điều này không loại trừ với các bà mẹ ngoại quốc khác. Vì sự khắc nghiệt này nên xu hướng sinh con tại Nhật ngày càng giảm, phụ nữ Nhật có xu hướng chọn độc thân và gây dựng sự nghiệp hơn là lấy chồng đẻ con.
Nhiều mẹ Việt phải chấp nhận ở nhà chăm con khi ở Nhật (Ảnh minh họa).
Khi chưa có nhiều ưu thế trong xã hội bạn: ngoại ngữ không/chưa mạnh, hiểu biết về văn hóa còn cần thời gian để trải nghiệm, việc làm sao để cân bằng cảm xúc của người chưa thể kiếm được việc làm, chấp nhận ở nhà chăm con với nhiều mẹ Việt là điều khó khăn.
Trong điều kiện kinh tế eo hẹp, một người cha đi làm khó có thể duy trì sinh kế gia đình trong điều kiện vật giá đắt đỏ, nhiều mẹ mong muốn được đi làm để đỡ đần chồng, lại phải đối mặt với cú sốc mới: Điều kiện cho trẻ đi học mẫu giáo rất khắc nghiệt. Để được chấp nhận gửi con với mức giá ưu đãi theo quy định của ngành giáo dục, các mẹ phải đi học hoặc đi làm – nhưng khi không giỏi ngoại ngữ lại khó kiếm việc – không kiếm được việc không được gửi con – lại quanh quẩn ở nhà không có lối thoát.
Ở Nhật, cả gia đình phải đi làm con mới được duyệt đi học trường công, trường tư thì phí đắt. Mà mẹ thì khó kiếm việc khi vẫn ôm con nhỏ không ai hỗ trợ. Ở các thành phố lớn đông đúc thì thậm chí mẹ phải làm full time mới được gửi con chứ làm part time vẫn trượt, list xếp hàng gửi con dài dằng dặc do số trường mầm non là có hạn.
Nhiều mẹ Việt khi nộp hồ sơ cho con đi học vì danh sách chờ quá dài bị đánh trượt, phải chấp nhận ở nhà thêm một thời gian để chờ đợi đợt nộp hồ sơ mới thường tâm sự cảm giác đau khổ còn “hơn trượt đại học”. Cảm giác khi được gửi con sau mòn mỏi đợi chờ và tìm được chỗ làm thật tuyệt vời và nhiều mẹ có thể hạnh phúc tuyên bố “cuộc đời bỉm sữa vậy là chấm dứt”.
Theo: afamily
Bảy năm sau thảm họa sóng thần, thành phố “ma” Fukushima giờ đây trở thành tâm điểm du lịch tại Nhật Bản
Bảy năm sau thảm họa sóng thần gây ra sự cố phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân, những người dân dời đi sau thảm họa đã quay trở lại Fukushima với ý định mang khách du lịch tới khu vực này.