Made in Asia: Hãng bim bim Nhật Bản vươn lên từ vụ thả bom nguyên tử Hiroshima và cứu đói cho đất nước như thế nào

Vụ nổ bom nguyên tử Hiroshima là một trong những nguyên nhân thôi thúc hãng bim bim Calbee vươn mình lên thành tập đoàn quốc tế.

Chúng tôi xin giới thiệu chuỗi các bài Made in Asia về những doanh nghiệp châu Á lâu đời và nổi tiếng thế giới.

- Sau khi thành phố Hiroshima của Nhật Bản bị thả bom nguyên tử, vấn đề dinh dưỡng trở thành điều thiết yếu cho người dân nơi đây và ông Takashi Matsuo mong muốn được làm điều gì đó cho đồng bào mình.

- Ông Takashi đặt tên sản phẩm bim bim là Calbee theo phát âm của từ "Canxi" và "Vitamin B1", những hợp chất mà người Nhật còn thiếu thời đó, đồng thời mở rộng chúng sang tận thị trường Mỹ.

Khoảng 4 năm sau vụ nổ bom nguyên tử chấn động thời Thế chiến II, thành phố Hiroshima của Nhật Bản cũng chưa thể xây dựng lại hoàn toàn. Đống đổ nát trên bề mặt đã được dọn dẹp nhưng chỉ một số cơ sở vật chất hạ tầng được sửa lại. Tồi tệ hơn, phần lớn những người sống sót, đa phần là trẻ mồ côi, người già hay thương binh đều đang vật vã để chống lại cơn đói cũng như thách thức thiếu hụt lương thực.

Ông Takashi Matsuo là một công dân của Hiroshima sinh năm 1912 và người đàn ông này thực sự bị sốc khi chứng kiến những gì quê hương mình phải trải qua. Quá đau thương khi phải nhìn những người sống sót vật lộn vì suy dinh dưỡng và ngày càng nhiều người phải khổ sở tìm kiếm thức ăn, ông Takashi quyết tâm phải làm một cái gì đó cho đồng bào.

Made in Asia: Hãng bim bim Nhật Bản vươn lên từ vụ thả bom nguyên tử Hiroshima và cứu đói cho đất nước như thế nào? - Ảnh 2.

Ông Takashi Matsuo

Tại Hiroshima, những nhu yếu phẩm đang vô cùng thiếu dù vụ thả bom nguyên tử đã qua được vài năm. Dịch bệnh cùng tình trạng suy dinh dưỡng là điều phổ biến thời kỳ đó. Bởi vậy mà đến năm 1949, ông Takashi đã thực hiện quyết tâm của mình bằng việc thành lập Matsuo Food Processing.

Sản phẩm đầu tiên của Takashi là bim bim Calbee Caramel. Từ Calbee là tổng hợp phát âm của canxi và vitamin B1, những hợp chất mà người dân Nhật bấy giờ còn thiếu.Ngay lập tức, sản phẩm của Takashi đã tạo tiếng vang lớn trên thị trường và chúng được yêu thích đến nỗi 6 năm sau, ông đã phải đổi tên công ty thành Calbee Food and Confectionery.

Hiện nay, rất nhiều người trung niên Nhật đến với sản phẩm của Calbee không chỉ vì chất lượng, hương vị mà còn để hồi tưởng lại một thời kỳ khó khăn của đất nước, nơi những người dân vượt qua khó khăn để đưa nền kinh tế vươn lên.

"Mẹ tôi luôn giữ một túi Calbee đâu đó để phòng khi tôi đói. Đó là lý do tôi luôn có những hồi ức đẹp với Calbee. Giờ đây tôi cũng mua chúng cho con gái tôi bởi Calbee nổi tiếng về chất lượng, an toàn và đủ dinh dưỡng. Tôi vẫn nhớ như in mẹ tôi luôn mua Calbee khi đến siêu thị và giờ đến tôi cũng vậy", chị Takako Tomura từ Yokohama cho biết.

Theo người phát ngôn Marina Fukaya của Calbee, sản phẩm của công ty được người tiêu dùng Nhật Bản cũng như thế giới yêu mến không chỉ vì khẩu vị mà còn nhờ chất lượng, độ an toàn cũng như dinh dưỡng trong từng gói bim bim.

Thành công là phải luôn đổi mới

Một bí quyết nữa khiến Calbee của Nhật Bản luôn cạnh tranh được với vô số thương hiệu bim bim là sự đổi mới. Từ năm 1955, ông Takashi cùng các đồng sự đã nghiên cứu và phát triển một hệ thống mới có khả năng sản xuất bánh quy giòn từ bột mỳ, tạo nên một dòng sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng.

Trong suốt giai đoạn hậu Thế chiến, Calbee đã phát triển như vũ bão với nhiều chi nhánh ở Tokyo, Nagoya, Fukuoka. Đến năm 1964, sản phẩm của Calbee đã quá nổi tiếng và Takashi nhắm đến thị trường quốc tế.

Chỉ 3 năm sau, doanh nhân Nhật Bản này tổ chức một hội chợ bim bim tại thành phố New York-Mỹ và đã làm chấn động thị trường tiêu dùng ở đây. Hương vị mới lạ, hấp dẫn cùng dinh dưỡng khiến Calbee nhanh chóng được người Mỹ đón nhận.

Vậy là song song với sự phát triển như vũ bão ở quê nhà, ông Takashi còn thành lập Calbee America tại California vào năm 1970 để hướng đến thị trường quốc tế.

Made in Asia: Hãng bim bim Nhật Bản vươn lên từ vụ thả bom nguyên tử Hiroshima và cứu đói cho đất nước như thế nào? - Ảnh 3.

Cũng trong giai đoạn này, Calbee cũng nhanh chóng bắt kịp xu thế thích siêu anh hùng của giới trẻ với những hình ảnh quảng cáo các anh hùng ăn bim bim vào năm 1971. Suốt 10 năm sau đó, Calbee liên tục đổi mới hình ảnh và cho ra đời những sản phẩm mới như khoai tây chiên Sapporo Potato Chips. Hãng cũng xây thêm các nhà máy mới cùng văn phòng để mở rộng kinh doanh.

Năm 1980, Calbee Tanawat tại Thái Lan được thành lập và nhanh chóng trở thành ông lớn trong ngành với vô vàn sản phẩm, từ ngũ cốc cho đến hoa quả khô.

Năm 1992, Calbee International được thành lập ở Hong Kong. Thế rồi hãng tiếp tục mở các chi nhánh ở Trung Quốc đại lục 3 năm sau đó để hướng tới thị trường tỷ dân tại đây.

Trước sự biến đổi không ngừng của thị trường, Calbee vào năm 2011 đã thực hiện chiến lược thành lập những cửa hàng nhỏ chỉ bán sản phẩm của hãng tại các khu mua sắm đông đúc hay nhà ga, nhằm tăng mạnh doanh số.

Ý tưởng này đã tạo nên cơn sốt và hàng loạt cửa hàng nhỏ đã mọc lên ở Hàng Châu, Đài Bắc, Đài Loan năm 2012. Năm 2014, Calbee UK tại Anh được thành lập và trở thành tiền phương thâm nhập thị trường Châu Âu.

Năm 2017, tổng doanh số của Calvbee đạt 252,4 tỷ Yên, tương đương 2,3 tỷ USD và mặt hàng bim bim chiếm 81%.

Theo người phát ngôn Fukaya, Calbee có lợi thế rất lớn nhờ yếu tố lịch sử khi là một trong những hãng bim bim tiên phong của thị trường Nhật Bản, qua đó tạo dấu ấn sâu đậm trong người dân. Thêm nữa, công ty phát triển hệ thống 1.900 trang trại trên khắp nước Nhật, tạo nền nguồn cung vật liệu ổn định, chất lượng.

Cuối cùng, tham vọng mở rộng thị trường khiến Calbee ngày càng lan rộng ra nhiều nước, trở thành một người chơi lớn trong mảng kinh doanh thực phẩm.

Made in Asia: Hãng bim bim Nhật Bản vươn lên từ vụ thả bom nguyên tử Hiroshima và cứu đói cho đất nước như thế nào? - Ảnh 4.

Nguồn: Cafebiz.vn

Tags:
Nỗ lực ngăn chặn nạn tự vẫn tại đất nước ‘mặt trời mọc’

Nỗ lực ngăn chặn nạn tự vẫn tại đất nước ‘mặt trời mọc’

Từ lâu, tự tử được coi là một cách để tránh hổ thẹn hay nhục nhã trong văn hóa Nhật Bản, những người muốn nhận giúp đỡ tâm lý thường bị kỳ thị.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất