LIỆU DRONE CÓ GIÚP CHỐNG LẠI VĂN HÓA LÀM VIỆC THÊM GIỜ “TỚI C.HẾT” TẠI NHẬT BẢN?
Các công ty Nhật Bản từ lâu đã được biết đến là một môi trường khắc nghiệt, nơi người lao động tận tụy bán sức, liên tục phải làm thêm giờ và chỉ kịp về nhà nghỉ ngơi khi trời đã tối muộn. Việc bán sức lao động quá mức cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến hàng trăm người Nhật chết mỗi năm do đột quỵ và tự tử.
Theo Forbes, đã có rất nhiều công ty Nhật đưa ra các chính sách khuyến khích nhân viên về nhà sớm, hạn chế làm thêm giờ nhưng đều không hiệu quả.
Đó là lý do công ty Blue Innovation của Nhật đã nghĩ ra cách sử dụng drone có tên T-Frend với khả năng phát nhạc lớn và bay vòng quanh văn phòng để "đuổi khéo" các nhân viên ra về. Thậm chí drone còn chụp ảnh các nhân viên về muộn và báo quản lý để kịp thời có biện pháp xử lý.
Mặc dù vậy, giải pháp drone T-Frend dường như cũng không phát huy hiệu quả về lâu dài khi mà thực tế, công nghệ không phải là mấu chốt để giải quyết vướng mắc liên quan đến tư tưởng của người lao động.
Trên thế giới, làm thêm giờ đôi khi là một việc cần thiết và được khuyến khích. Đó là khi một start-up đang trên đà tăng trưởng nhanh cần thêm nhân sự, hay một dự án đang sắp tới hạn cần triển khai. Nhưng trên thực tế, làm thêm giờ chưa bao giờ là một cách tiếp cận bền vững và hiệu quả để thúc đẩy năng suất của nhân viên. Trái ngược lại nó còn đem tới thái độ tiêu cực và giảm hiệu suất công việc.
Và rõ ràng là tư tưởng đó không hề xuất hiện tại các công ty truyền thống ở Nhật Bản. Tại đây, làm thêm giờ được coi là thước đo lòng trung thành và là tấm vé "thăng chức" cho nhiều người.
Cùng với các công nghệ như T-Frend, chính phủ Nhật và các hiệp hội doanh nghiệp nước này cũng đã triển khai chương trình Premium Friday. Chương trình này sẽ diễn ra vào thứ Sáu cuối cùng của mỗi tháng, khi người lao động có thể kết thúc công việc lúc 3 giờ chiều và về nhà sum họp sớm với gia đình hoặc đi chơi với bạn bè, người thân.
Premium Friday được coi là giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển, cắt giảm thời gian làm thêm giờ và cung cấp một sự cân bằng trong cuộc sống tốt hơn cho những người nhân viên.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Nhật báo Nikkei tiết lộ, có 37% công ty lớn tại Nhật Bản đã tham gia chương trình Premium Friday. Tuy nhiên trong khảo sát trực tiếp với nhân viên, chỉ có 3% khẳng định thực hiện theo. Đây là con số đáng báo động và phần nào cho thấy, thật khó để giảm tình trạng làm thêm giờ tại Nhật Bản nếu chỉ áp dụng các chương trình và công nghệ trên.
Bản thân Takayuki Kumada, CEO Blue Innovation tin rằng, công nghệ không phải là câu trả lời cho bài toán giảm thời gian làm thêm tại Nhật. Ông chia sẻ: "T-Frend không phải là giải pháp hoàn hảo cho tình trạng làm thêm giờ. Nhưng có thể là một giải pháp phụ trợ hữu ích. Nó có thể khuyến khích các nhân viên trao đổi nhiều hơn với cấp quản lý về chính sách làm thêm giờ".
Nếu công nghệ không thể giải quyết được vấn nạn làm thêm giờ, vậy đâu là giải pháp toàn diện?
Câu trả lời chỉ có thể nằm trong văn hóa khởi nghiệp của Nhật Bản. Hầu hết các start-up tại Nhật, bao gồm Blue Innovation đều đang tạo ra văn hóa cởi mở hơn, thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ngăn làm thêm giờ. Takayuki tiết lộ, công ty ông đã đưa ra những chính sách hết sức linh hoạt cho nhân viên, ví dụ như làm việc từ xa.
Còn theo Masanori Hashimoto, CEO kiêm đồng sáng lập start-up Nulab, ông cho rằng: "Hầu hết các start-up đều được thành lập dựa trên một nhóm và ngay từ khi khởi nghiệp, CEO đã phải cân nhắc đến ý kiến của các đồng sáng lập. Khi start-up phát triển mạnh hơn, văn hóa mở trong công ty cũng nhờ đó tự nhiên hình thành".
Các start-up hiện đại thường có xu hướng đo lường năng lực của nhân viên dựa trên năng suất thực tế chứ không phải số giờ làm việc như các doanh nghiệp truyền thống. Thực tế nhìn từ bài học của các start-up thành công, việc cân bằng giữa công việc và đời sống hiệu quả sẽ giúp nhân viên nói riêng và công ty nói chung phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn.
Tựu chung lại, tình trạng làm thêm giờ tại Nhật Bản có bị đẩy lùi hay không, chắc chắn không chỉ dựa vào drone, công nghệ hay các chương trình chính phủ mà phải dựa vào chính tinh thần "cầu tiến" của các công ty Nhật khi họ chịu thay đổi văn hóa làm việc truyền thống trước đây.
Nguồn: Vnreview.vn
SỐC: Nữ DHS Việt ra đi tại Nhật trong căn bệnh đau đớn, chỉ vì thói quen 99% DHS mắc phải
DU HỌC SINH, XIN ĐỪNG NHỊN ĂN