Lịch sử "mờ ám" của các nhà tắm công cộng phản ánh nền văn hoá lâu đời xứ Phù Tang

Rất nhiều người nước ngoài đến Nhật Bản đã bỏ qua việc trải nghiệm tại các nhà tắm công cộng, Sento hay Onsen. Không phải vì không có cơ hội mà vì họ cảm thấy xấu hổ và không quen với việc khoả thân tại nơi đông người.

Đúng vậy, khi bước vào nhà tắm công cộng, bạn không được phép mặc gì trên người, chỉ trừ một miếng khăn nhỏ đặt lên đầu thôi. Người nước ngoài nhìn vào sẽ thấy người Nhật thật dạn dĩ và can đảm khi có thể để lộ tất cả mọi điểm yếu cơ thể cho người khác xem, cho dù đó là người cùng giới. Nếu bạn làm việc tốt và được sếp yêu quý, rất có thể bạn sẽ được tắm Onsen cùng sếp. Cứ nghĩ đến phải bàn luận về công việc, gia đình với sếp trong tình trạng không một miếng vải che thân đã thấy có gì đó kỳ lạ và thiếu tự nhiên rồi.

Thế nhưng đó chỉ là suy nghĩ của người nước ngoài mà thôi. Người Nhật có thể xấu hổ rất nhiều chuyện, nhưng tuyệt nhiên họ sẽ không xấu hổ khi đến nhà tắm công cộng. Nếu hỏi người Nhật, rất có thể họ sẽ không thể lý giải vấn đề này cho bạn, bởi văn hoá tắm công cộng đã thấm sâu vào lối sống của mỗi người. Rốt cục nền văn hoá này đã có từ khi nào và tại sao lại trở nên phổ biến như thế?

Hình thức tắm công cộng xuất phát từ thời Nara, do sự du nhập của văn hoá Phật giáo. Lúc bấy giờ Sento được gọi là Yuya – nơi tẩy trần của các nhà sư. Về sau Yuya ngày càng được mở rộng cho người dân sử dụng. Vào thời này không có sự phân biệt nhà tắm giành cho nam và nữ. Tất cả mọi người đều tắm chung trong một khu hẹp và tối, vì thế họ thường cất tiếng gọi để xác định vị trí của nhau.

Đến thời Edo, nhà tắm công cộng lại càng trở nên phổ biến, được ưa chuộng rộng rãi không chỉ bởi người dân mà còn cả chính quyền. Chính quyền khuyến khích dân chúng sử dụng nhà tắm công cộng thay vì phòng tắm cá nhân để đề phòng tình trạng hoả hoạn. Cùng với sự mở rộng đó là các dịch vụ đi kèm, phổ biến nhất là Yuna, những cô gái phòng tắm hơi có nhiệm vụ kì lưng cho khách. Thậm chí họ sẵn sàng quan hệ với khách nam để thoả mãn nhu cầu của khách.

Cũng từ đây xuất hiện rất nhiều tệ nạn, do đó chính quyền đã nghiêm cấm các Yuna hành nghề. Tuy nhiên, người dân dường như phớt lờ tất cả. Vì thế, họ thắt chặt hơn biện pháp nghiêm cấm, đuổi các Yuna này về những khu phố đèn đỏ và tách riêng phòng tắm của khách nam và khách nữ.

Trong chiến tranh thế giới thứ II, rất nhiều vùng ở Nhật Bản đã bị phá huỷ, trong đó có cả các nhà tắm công cộng. Để bảo tồn nền văn hoá xa xưa này, người Nhật đã phục hồi lại các nhà tắm trên, tìm lại một “Nhật Bản đã mất”. Các phòng tắm được xây dựng ngày càng rộng, nước dùng cũng không phải là nước đun mà là nguồn nước nóng tự nhiên trong lòng đất, đó chính là sự ra đời của Onsen.

Ngày nay trên khắp nước Nhật có rất nhiều khách sạn có dịch vụ Onsen cho khách. Các Onsen được xây dựng theo từng lối kiến trúc khác nhau, có Onsen trong nhà và Onsen ngoài trời. Người Nhật rất thích kiểu Onsen ngoài trời, vì họ cảm giác được sự gần gũi với tự nhiên. Chính vì quan niệm tắm là để thanh lọc cơ thể, hoà hợp với thiên nhiên cây cỏ mà bạn không cần thiết phải mặc thêm bất cứ thứ gì lên người.

Onsen ngoài trời tại khách sạn Hanamaki Onsen

Onsen phổ biến tới mức một số khách sạn còn có dịch vụ Onsen cho chó. Tuy không phải con nào cũng cảm thấy thoải mái với nhiệt độ nóng của các bồn tắm Onsen. Ngoài ra có một số khách sạn sẽ đổi vị trí phòng tắm của nam và nữ vào những khung giờ khác nhau, bạn nhớ chú ý đừng vào nhầm nhé.

Bạn đã biết cách tắm Onsen đúng cách?

Tắm Onsen được cho là một liệu pháp chữa trị hiệu quả, thế nhưng nếu bạn tắm không đúng cách, bạn có thể bị ngất vì không quen với sức nóng từ các bồn tắm này.

Đầu tiên, hãy mặc Yukata đến khu vực tắm Onsen. Sau khi lột bỏ tất cả quần áo, chỉ đem theo một chiếc khăn nhỏ, bạn di chuyển đến khu tắm rửa sơ trước khi đến hồ nước nóng.

Tại đây, làm quen dần với nhiệt độ nóng, đồng thời làm sạch cơ thể bằng xà phòng.

Khi đến hồ, bạn nhúng khăn vào hồ, chú ý không được vắt khăn. Sau đó, đặt khăn lên đầu cho nước chảy xuống, đây là biện pháp giúp điều hoà khí huyết. Đừng ngâm mình quá lâu, nếu không bạn sẽ bị sốc nhiệt khi rời khỏi hồ.

Nếu nơi bạn tắm có khu vực ngoài trời, nhất định phải trải nghiệm cảm giác được tắm giữa cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Nếu trời có một chút mưa nhẹ sẽ càng tuyệt vời hơn.

Cuối cùng bạn tắm lại một lần nữa, rời khỏi hồ. Sau khi thay quần áo, tại khu vực bên ngoài có bình nước lạnh cho bạn để tránh tình trạng mất nước do ngâm nước nóng lâu.

Tắm Onsen không những giúp cho cơ thể khoẻ mạnh mà còn khiến làn da mượt mà hơn. Có lẽ vì muốn khoe thân hình của mình tại các nhà tắm Onsen này mà các cô gái Nhật luôn chú ý giữ gìn vóc dáng. Vì thế khi đến Nhật, đừng ngại mà hãy trải nghiệm nét văn hoá độc đáo này nhé.

Sachiko

Nguồn: Japo.vn

Tags:

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất