Lá thư từ Nhật Bản: Người Việt ở Nhật vững tâm giữa đại dịch COVID-19

Chị Phan Phương Thuý, một người Việt đang sống và làm việc tại Nhật Bản (cộng tác viên của Báo Lao Động), gửi riêng cho Lao Động bài viết về cuộc sống tại đất nước mặt trời mọc trong đại dịch COVID-19.

Tình trạng khẩn cấp

Màn hình thông báo Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 ở Tokyo và các khu vực bị ảnh hưởng nặng. Ảnh: N.N

Màn hình thông báo Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chuẩn bị ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 ở Tokyo và các khu vực bị ảnh hưởng nặng. Ảnh: N.N

Ngày 7.4, khi tôi ngồi viết những dòng này cũng là lúc nước Nhật bắt đầu giai đoạn gắt gao hơn trong cuộc chiến chống COVID-19, Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp với 7 tỉnh thành trên cả nước, vốn là những khu vực có tỉ lệ lây nhiễm cao và bệnh viện đang quá tải. Về bản chất, lệnh này không giống như lệnh phong tỏa mà một số nước Châu Âu đã thực hiện. Lệnh hạn chế người dân ra ngoài một cách tự nguyện, không phải cưỡng chế. Ngoài những sự kiện, khu vui chơi tụ tập đông người thì các hoạt động thường nhật khác vẫn bình thường.

Thật may mắn khi thành phố Suzaka, tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản, nơi gia đình tôi và những người bạn thân thiết đang sống vẫn bình yên. Mặc dù tính đến hôm 6.4, toàn tỉnh đã có 12 ca nhiễm COVID-19, nhưng Suzaka vẫn chưa có ca nhiễm nào. Ngoại trừ các trường từ cấp 1 đến cấp 3 tạm thời đóng cửa từ đầu tháng 3 thì trường mầm non vẫn mở và các công ty, nhà máy, siêu thị, nhà hàng vẫn hoạt động. Tuy vậy, các hoạt động như lễ hội, sự kiện đông người đều bị hủy bỏ. Thời điểm này hàng năm, người dân Nhật đều nô nức tập trung đến các điểm ngắm hoa anh đào trên cả nước trong lễ hội “Hanami” nhưng năm nay gần như các địa điểm đều vắng bóng du khách...

Yên bình là thế, nhưng tôi và bạn bè cũng như người dân ở đây không khỏi lo ngại khi số ca nhiễm virus ngày một gia tăng. Hàng ngày đi làm, câu chuyện được nói tới nhiều nhất là COVID-19. Mặc dù thành phố chưa có ca bị nhiễm nhưng ai cũng tỏ ra lo ngại vì dịch đang lan rộng trong khi khẩu trang thì ngày càng khan hiếm. Từ cách đây 1 tháng, siêu thị nơi tôi làm việc luôn trong tình trạng cháy khẩu trang. Các kệ hàng dán thông báo xin lỗi vì chưa nhập được hàng và không biết khi nào khẩu trang mới có thể đầy ắp trở lại, khi mà phần lớn khẩu trang ở Nhật được sản xuất tại Trung Quốc.

Mới hôm qua, nhân một ngày được nghỉ, tôi đến siêu thị thật sớm để xếp hàng chờ mua khẩu trang. Mặc dù 9h30 siêu thị mới mở cửa nhưng khi tôi đến là 8h50 thì mọi người đã xếp hàng dài. Chạy thật nhanh tìm cho mình một chỗ đứng, đếm qua xem có bao nhiêu người và nghe quản lý cửa hàng thông báo, hôm nay chỉ có 30 túi khẩu trang, mỗi túi 7 chiếc và mỗi hộ gia đình chỉ được mua 1 túi, tôi cảm thấy thật may mắn khi mình vẫn nằm trong số người có thể mua, từ người số 31 sẽ phải ra về và tiếp tục chạy xô qua các siêu thị khác. Chị đứng trên tôi bảo, chị xếp hàng đã là ngày thứ 3 mới có thể mua được khẩu trang, đến nỗi đứng ngoài trời lâu bị nhiễm lạnh thành ra mắc bệnh cảm cúm mất rồi!

Bạn bè tôi đang sống, học tập và làm việc ở các tỉnh thành có nguy cơ lây nhiễm cao và nằm trong 7 tình được ban bố tình trạng khẩn cấp, như Kanagawa, Chiba, Hyogo cũng không khỏi lo ngại khi số ca nhiễm bệnh tại những nơi này tăng lên đáng kể. Một người bạn của tôi đang làm luận án tiến sĩ ở Kanagawa nói rằng, thay vì đổ xô đi mua tích trữ thực phẩm, cô ấy chọn cách ở nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm vì tin rằng nguồn cung thực phẩm không bị thiếu và để hạn chế nguy cơ lây nhiễm nơi đông người.

Gia đình cô tôi ở tỉnh Chiba lại theo tâm lý đám đông nên trước khi lệnh tình trạng khẩn cấp được thực hiện đã chạy xô vài ba siêu thị để mua thực phẩm dự trữ. Cô bảo, biết là siêu thị không thiếu thực phẩm nhưng mọi người đi mua mà mình không đi thì lo. Chiều qua cô đã phải qua vài siêu thị mới mua được gạo bởi đây là mặt hàng được người dân tích trữ nhiều nhất, chưa kể thực phẩm cũng hết sạch. 

Hướng về Việt Nam

Hàng ngày theo dõi thông tin ở quê nhà, thấy số ca nhiễm bệnh đang giảm dần và Việt Nam là một số ít quốc gia làm khá tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, tôi thấy mừng cho quê hương.

Mới đây, khi hàng nghìn người Việt ở các nước Châu Âu và Mỹ ồ ạt về Việt Nam tránh dịch, tôi thực sự hoang mang không biết nên về hay ở. Nhưng với tình hình khá ổn định hiện tại ở Suzaka, tôi hy vọng tất cả sẽ bình an qua dịch. Hơn nữa, vợ chồng tôi cho rằng, về lúc này chỉ là thêm gánh nặng cho Tổ quốc vốn đang vất vả đương đầu với dịch mấy tháng qua.

Không chỉ tôi mà theo dõi các hội nhóm của người Việt tại Nhật, đa số mọi người đều bày tỏ tâm lý lo ngại chung khi cho rằng Chính phủ Nhật Bản dường như khá bình tĩnh trong việc đối phó với dịch. Đặc biệt các bạn thực tập sinh và du học sinh cũng bị ảnh hưởng khá nhiều vì việc làm bị cắt giảm kéo theo thu nhập cũng giảm đáng kể, bên cạnh đó là những khoản nợ chồng chất ở quê nhà cũng là gánh nặng nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay. 

Lo lắng về bệnh dịch nhưng các trang của cộng đồng người Việt cũng thường xuyên cập nhật tin tức, diễn biến dịch bệnh và chia sẻ cho nhau thông tin hữu ích, như các địa chỉ hỗ trợ tư vấn về COVID-19 cho người nước ngoài ở các tỉnh, hay có một số nhóm và cá nhân còn tự nguyện tặng khẩu trang cho người Việt ở Nhật. Đó là những hành động nhỏ nhưng thực sự cần thiết để cộng đồng người Việt ở Nhật thêm vững tâm, tin tưởng những biện pháp của Chính phủ Nhật Bản sẽ có hiệu quả hơn và quan trọng nhất, tất cả mọi người sẽ bình an vượt qua dịch bệnh và cuộc sống sẽ sớm trở lại náo nhiệt nhưng yên bình như nó vốn có. 

Nguồn: laodong.vn

Tags:
Người Nhật Bản ngại rút tiền từ ATM vì sợ virus corona

Người Nhật Bản ngại rút tiền từ ATM vì sợ virus corona

Các ngân hàng ở Tokyo cho biết số giao dịch rút tiền giảm 60% khi người tiêu dùng Nhật Bản tránh xa các cây ATM vì lo ngại nhiễm virus.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất