Kinh nghiệm ôn thi đỗ JLPT N1
1. Xác định mục tiêu, tạo hứng học
Ảnh: Google ảnh
Bất cứ điều gì cũng vậy, xác định mục tiêu là việc rất quan trọng. Bạn học N1 để làm gì? Tại sao N1 lại cần thiết với mình như thế? Làm thế nào để đỗ N1? Mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu là một yếu tố cực kỳ quan trọng.
Theo mình, xác định mục tiêu đồng thời cũng phải tạo cả “hứng” học nữa. Để tạo niềm vui khi học, mình thường tìm hiểu về văn hóa và con người Nhật. Đôi khi trong lúc học, “Ơ? Cái này mình từng đọc rồi này!” Mỗi lần như thế thấy vui vui, mấy lần đọc chơi kia cũng hữu ích đấy chứ. ^^
2. Nền tảng
Ảnh: Google ảnh
Cũng giống như việc xây nhà, nền móng phải vững chắc thì nhà mới xây cao được. Vì vậy khi xác định thi N1 các kiến thức của bạn phải thật chắc. Nếu vẫn chưa đủ tự tin, mình khuyên bạn nên dành thời gian để ôn lại thật chắc các kiến thức, kỹ năng cũ đã.
3. Giáo trình
Mình không dùng quá nhiều giáo trình, có thể kể tên như: Soumatome, Shinkanzen, Tettei toreningu, Mimikara oboeru, Chokuzen taisaku…
Giai đoạn Kakehashi từ N2 lên, mình học giáo trình Soumatome. Sau đó chuyển sang giáo trình Shinkanzen. Cá nhân mình thấy giáo trình Shinkanzen rất hay, đặc biệt là quyển ngữ pháp. Nếu bạn nào muốn đào sâu hơn nữa có thể tham khảo quyển này. Một giáo trình khác cũng rất thú vị, đó là Mimikara oboeru. Từ vựng của giáo trình này có kèm cả CD, vậy nên không bắt buộc phải ngồi vào bàn học mới học được, với những bạn không thích cả ngày ôm cuốn sách thì thực sự phù hợp.
Trong bộ Tettei toreningu, mình thấy đáng chú ý là quyển từ vựng. Sau khi học xong quyển này, bạn đã có trong tay số từ vựng rất chắc. Do số lượng từ vựng thực sự rất nhiều nên mình khuyên các bạn học quyển này khi đã có trong tay một lượng từ vựng đã, bởi nếu học ngay từ đầu có khả năng dễ bị sốc và nản.
Ngữ pháp của N1, mình chú trọng học trong quyển Shinkanzen. Số mẫu câu không nhiều nên mình cố gắng tóm gọn thời gian học ngữ pháp càng ngắn càng tốt, để dành thời gian ôn luyện các kỹ năng khác. Đối với ngữ pháp mình sử dùng flashcard. Mặt trước ghi to mẫu ngữ pháp, mặt sau ghi nghĩa, ví dụ, những chú ý. Ví dụ mình chọn những câu ngắn, điển hình, dễ nhớ. Mình có mua thêm vòng và bấm lỗ những flashcard này để tiện có thể mang đi khắp nơi. Bây giờ, cũng đã bán nhiều những thẻ flashcard làm sẵn, có vẽ những hình rất ngộ nghĩnh nữa.
Sau quá trình học kiến thức mình bước sang giai đoạn luyện đề. Có rất nhều sách luyện đề nhưng mình cho rằng điểm mấu chốt của luyện đề là phải ôn, soát lại những lỗi sai. Tại sao chỗ này lại chọn như vậy? Tại sao mình lại chọn sai? Làm lại đề và kiểm tra xem mình còn bị mắc những lỗi sai của lần trước không.
Về đọc hiểu, các kỹ năng trong đọc hiểu đã được luyện từ N2, nên đến N1 mình tập trung nhiều hơn vào vốn từ và tốc độ đọc.
Mình có một tật là rất nhanh quên. Vì thế để thường phải xem đi xem lại nhiều lần, lọc ra những gì chưa nhớ. Đồng thời học cùng bạn bè, giảng lại cho nhau hoặc bàn luận với nhau. Sau mỗi lần như thế mình tự tin hơn rất nhiều.
Thời gian sắp đến lúc thi mình không học thêm nhiều kiến thức mới mà tổng hợp lại những kiến thức đã học. Tóm tắt lại những ý chính, điểm chú ý. Khi ôn lại mình phát hiện ra có nhiều phần mà mình còn thiếu sót. Vậy nên tổng hợp lại kiến thức thực sự thực sự rất rất rất quan trọng đấy.
4. Chơi mà học
Song song với học các giáo trình thì bổ sung kiến thức từ các nguồn bên ngoài cũng rất quan trọng. Đề thi N1 có đề cập nhiều đến các vấn đề thời sự. Tuy không phải trong cùng năm, nhưng có thể là những tin tức nổi bật cách trước đó 2,3 năm. Vì vậy đọc báo không chỉ luyện kỹ năng đọc, cung cấp vốn từ, mà còn tăng thêm tri thức.
Luyện đọc thì mình đọc báo trên NHK, đọc tiểu thuyết, manga… Cũng có nhiều ứng dụng đọc báo miễn phí, tìm trên các kho ứng dụng thì có rất nhiều.
Báo điện tử của đài NHK: https://www3.nhk.or.jp/news/
Manga raw: https://lhscan.net/
Luyện nghe, mình thường luyện nghe tin tức trên trang Youtube ANN, các show giải trí, anime, phim sub Nhật, phim song ngữ… Thời gian đầu thực sự khá khó để hiểu phát thanh viên đang nói gì, mình hầu như chỉ nhìn hình để đoán. Đôi khi một tin tức phải xem đi xem lại 4,5 lần. Kiên trì trong vòng 1 tuần, mỗi ngày chỉ khoảng 10 phút xem tin tức. Sau đó mình tự thấy khả năng nghe của mình cải thiện đáng kể. Đến bây giờ dù không đều đặn như trước nhưng mình vẫn giữ thói quen theo dõi tin tức thường xuyên. Do thời gian ôn thi N1 ở Việt Nam nên không có điều kiện tiếp xúc nhiều với người Nhật, nên mình phải cố gắng tạo càng nhiều cơ hội tiếp xúc với tiếng Nhật càng tốt.
Trang tin tức ANN trên Youtube: https://www.youtube.com/user/ANNnewsCH
Show truyền hình Todaiou. Nơi anh tài hội tụ~~~
Trên đây là kinh nghiệm của mình, mỗi người đều có cách học khác nhau, phù hợp với bản thân mình. Bạn có cách học như thế nào? Hãy chia sẻ cùng chúng mình nhé! Chúc các bạn tìm được phương pháp học hiệu quả với bản thân ^^!
Theo: isenpai.jp
Thêm chuyến bay đón hơn 350 người Việt Nam từ Nhật Bản về nước
Ngày 29/10, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phối hợp với các cơ quan chức năng Nhật Bản đưa hơn 350 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước an toàn.