Khủng hoảng nhân khẩu học, Nhật Bản mở cửa thu hút người lao động
Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc “khủng hoảng nhân khẩu học” khi tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ tử vong vượt tỷ lệ sinh sản vẫn đang tiếp diễn mỗi năm. Nhưng trong khi tỷ lệ dân số bản địa bị thu hẹp, số người ngoại quốc gọi nơi đây là nhà vẫn đang tăng lên đều đặn và gần đây đã đạt đến tầm cao mới bởi tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Theo số liệu thường niên mới công bố của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, hiện tại có 2.667.000 người ngoại quốc đang sinh sống ở Nhật Bản – tăng lên khoảng 170.000 người so với 12 tháng trước đó.
Sau 5 năm liên tiếp, hiện tại số lượng người ngoại quốc chiếm khoảng 2,09% dân số Nhật Bản. Những người nhập cư đa số đều đến từ các quốc gia châu Á, trong đó số người Trung Quốc chiếm nhiều nhất, theo sau là Hàn Quốc và Việt Nam.
Ông Masataka Nakagawa, cán bộ nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu An ninh xã hội và điều tra dân số do chính phủ điều hành cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thấy số lượng người nước ngoài sinh sống ở Nhật Bản gia tăng từ 30 năm trước, nhưng con số này đã tăng vọt lên trong khoảng 10 năm nay".
Số người nhập cư giảm xuống vào năm 2010 và 2011 do khủng hoảng kinh tế thế giới và do động đất sóng thần ở phía tây nam Nhật Bản nhưng lại tiếp tục tăng trở lại từ đó đến nay.
Sự gia tăng người nhập cư vẫn tiếp diễn kể cả khi tỷ lệ dân số chung của Nhật Bản đang giảm xuống. Vào đầu năm 2019, dân số Nhật Bản nằm ở mức 124.776.364 người – ít hơn năm trước 433.239 người. Đây là lần giảm thứ 10 liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu thống kê được thu thập từ năm 1968.
Có 921.000 ca sinh vào năm 2018, nằm dưới ngưỡng 1 triệu năm thứ 3 liên tiếp. Ngược lại đã có 1.363.564 người chết, lần tăng thứ 6 liên tiếp.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku, nếu dân số Nhật bản tiếp tục giảm với tốc độ hiện tại, người Nhật có thể sẽ tuyệt chủng vào 16/8/3766.
Trong khi đó, số dân ngoại quốc dự kiến sẽ tăng lên với những quy định mới về việc làm có hiệu lực vào hồi tháng Tư. Do tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, Nhật Bản sẽ cho phép thêm nhiều người sinh sống và làm việc tại đây – mặc dù theo yêu cầu khá nghiêm ngặt họ phải quay trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng lao động thay vì định cư vĩnh viễn.
Ông Nakagawa cho biết: “Đa số những người nước ngoài ở đây đều là sinh viên ở lại Nhật Bản một vài năm và rất nhiều người chỉ làm việc bán thời gian. Nhưng chính phủ đã thay đổi luật vào đầu năm nay để cho phép người lao động nước ngoài có trình độ có thể xin việc ở một số ban ngành cụ thể".
Nhiều người mới đến trình độ chưa cao sẽ làm việc trong ngành thực phẩm, lau dọn vệ sinh, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, sửa chữa phương tiện và điều khiển máy móc công nghiệp, trong khi những cá nhân trình độ cao hơn có thể có nhiều cơ hội việc làm hơn. Khoảng 345.000 thị thực làm việc dự kiến sẽ được cấp trong 5 năm đầu tiên, nhưng con số này vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực trong một số lĩnh vực nhất định.
Rất nhiều người Việt Nam đến Nhật Bản qua chương trình đào tạo kỹ năng nhưng khi cánh cửa Nhật Bản đang mở rộng hơn nữa, một số lo sợ rằng những chương trình này có thể biến thành công cụ để lạm dụng người lao động.
Thanh tra chính phủ đã phát hiện ra những ông chủ bắt các thực tập sinh làm việc quá nhiều giờ mà không được đảm bảo an toàn. Một vụ việc nổi tiếng khác tiết lộ 4 công ty đang sử dụng các thực tập sinh nước ngoài làm việc khử nhiễm phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima hồi tháng 3/2011.
Dù vậy, ông John Harris, một nhà viết diễn văn người Canada 62 tuổi đến Nhật Bản từ năm 1985 dự đoán rằng rất nhiều người mới đến vẫn sẽ muốn ở lại.
Ông Harris nói: “Có rất nhiều lý do để ở lại Nhật Bản. Cuộc sống ở đây rất an toàn. Mọi thứ đều hiệu quả, chạy rất đúng giờ và mọi người đều lịch sự và tử tế. Ngoài hình ảnh Nhật Bản bao phủ bởi bê tông thì ở ngoại ô các thành phố lớn vẫn tồn tại những cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nơi nó giá cả nhà nghỉ khá rẻ nếu so sánh với Canada. Về mặt chuyên môn, Nhật Bản cũng đã “đối xử” rất tốt với tôi. Tokyo là một thành phố của hơn 200 tập đoàn toàn cầu nhưng người Nhật lại quên không đào tạo người của họ cách điều hành những tập đoàn đó. Vì vậy, họ cần những người như tôi làm việc cho họ. Điều đó đã mang lại cho tôi và gia đình cuộc sống rất thoải mái".
Mặc dù vậy, ông Harris phải thừa nhận rằng kể cả ông có sống ở Nhật Bản cả trăm năm, ông cũng không bao giờ được coi là người Nhật.
Ông cho biết thêm: “Ở đây rất khác biệt. Nếu bạn đến Canada, Úc hoặc rất nhiều những quốc gia khác, bạn ở lại trong một vài năm và bạn có thể xin nhập quốc tịch. Điều đó không xảy ra ở đây. Việc này có thể khiến một số thủ tục trở nên khó khăn hơn nhưng hầu như không ảnh hưởng quá nhiều".
Ông Harris sống ở bờ biển Chiba, phía Đông Tokyo và nhận thấy số người từ nước ngoài vào Nhật Bản đã tăng trong thành phố và kể cả khu vực ngoại ô nơi ông sống. Ông cho biết: “Chúng ta chắc chắn đã nhìn thấy có thêm nhiều người Việt Nam, Trung Quốc hay Myanmar và họ đang được làm việc tại các cảng đánh bắt cá. Tôi chưa bao giờ thấy điều này trong 10 năm".
Ông Harris sống ở Onjuku và ông cho rằng thị trấn này cần thêm người. 1/4 của 8.000 dân ở thị trấn này đều ở ngưỡng 80 tuổi hoặc già hơn, song chỉ có khoảng 50 học sinh tốt nghiệp trung học năm nay.
Nicholas van Santen, một người Australia mới đến Nhật gần đây nói: “Có rất nhiều điều tích cực để sống ở Nhật. Ở đây rất an toàn, mọi người luôn tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Món ăn ở đây quả là hiện tượng – mọi nơi tôi đến sau Nhật Bản đều kết thúc tồi tệ.”
Van Saten có một hợp đồng giám sát truyền thông quốc tế cho World Cup bóng bầu dục sắp tới nhưng ông không có dự định ở lại Nhật lâu hơn.
Về phía Min Zheng Wen, một người gốc Hắc Long Giang, Trung Quốc, anh không hề có ý định ở lại Nhật nhiều hơn vài năm khi anh đến Nhật vào năm 2003.
Nhưng cách sống, cơ hội nghề nghiệp và những người bạn mà anh có khiến anh “rất khó để về nhà.”
Một người đàn ông 42 tuổi, cưới một người Trung Quốc và làm việc cho DJI, (xưởng sản suất máy bay không người lái Trung Quốc) chia sẻ: “Ban đầu tôi đến nước Nhật với tư cách là một học sinh bởi vì tôi theo chuyên ngành ngôn ngữ, nhưng đồng thời tôi cũng muốn sống ở một đất nước phát triển và tìm hiểu các loại công nghệ. Nhật Bản là một đất nước an toàn, sạch sẽ và con người nơi đây đều thông minh và trung thực, và điều này khiến cuộc sống cho bản thân và gia đình nơi đây rất thoải mái”.
Theo: cafebiz.vn
9 điều kỳ lạ chỉ có ở Nhật Bản khiến du khách nào cũng tò mò
Có lẽ chỉ khi du lịch đến xứ sở hoa anh đào bạn mới được trải nghiệm những thứ không hề xuất hiện ở bất cứ đâu.