Kết hôn với kỹ sư người Mỹ, 9x Việt kể chồng thu nhập 12 tỷ/năm vẫn sống cực tiết kiệm
"Không được chồng nuôi"
Thông thường, với những cặp vợ chồng kết hôn ít nhất hơn 10 năm, người vợ là người quản lý tất cả thu chi trong gia đình. Tiền được quy về một mối, người vợ sẽ nắm "tay hòm chìa khóa" và quyết định phải chi tiêu thế nào cho hợp lý, dựa trên sự thống nhất của cả hai vợ chồng.
Tuy nhiên, với các cặp vợ chồng trẻ ngày nay, họ lại thích ai giữ tiền người ấy và thống nhất trong chi tiêu.
Các cô gái giờ cũng quan niệm, phụ nữ hiện đại nên độc lập về tài chính. Khi kết hôn, vợ chồng tự chủ về tài chính, mỗi người vẫn giữ một khoản riêng và có một khoản chung cho gia đình nhỏ của mình.
Với họ, gia đình có một quỹ, hai quỹ, hay bao nhiêu quỹ không quan trọng, ai giữ tiền tùy thuộc vào tính cách từng người, quan trọng là vợ chồng biết cách chi tiêu hợp lý.
Với Bạch Diệu Linh (32 tuổi, quê Hà Nội, hiện đang sinh sống tại Mỹ), cho biết cô và chồng người Mỹ cũng có quan điểm độc lập về tài chính và xác định là "chỗ dựa cho nhau" trong vấn đề tài chính.
Diệu Linh và anh chồng người Mỹ kết hôn cách đây 2 năm.
Diệu Linh kết hôn với chàng trai người Mỹ là kỹ sư Facebook, cách đây 2 năm. Công việc kinh doanh của Linh mang lại thu nhập ổn định, còn chồng cô cũng có mức thu nhập lên đến 500.000USD/năm (khoảng 12 tỷ đồng/năm).
"Với thu nhập này thì cả hai tụi mình đều có thể thoải mái tự nuôi bản thân. Khi tìm hiểu nhau để đi tới hôn nhân, bọn mình có phương châm: Nếu một người muốn theo đuổi ước mơ hoài bão của bản thân thì người kia sẽ đứng ra lo toàn bộ tài chính cho cả gia đình và ngược lại.
Vợ chồng mình kết hôn 2 năm rồi. Về vấn đề tài chính thì bọn mình luôn xác định là chỗ dựa cho nhau. Chính vì vậy, thay vì quản tài chính của nhau thì chúng mình sẽ thay nhau đứng ra hỗ trợ người còn lại.
Ví dụ như đợt này vì mình vừa đứng ra mua nhà ở Việt Nam, nên chồng mình là người chi trả cho toàn bộ chi phí sinh hoạt, nhưng chúng mình vẫn có thể tiết kiệm 90% thu nhập mỗi tháng" - 9x Việt tâm sự.
Mặc dù có mức thu nhập cao so với mặt bằng chung, nhưng trên thực tế, Diệu Linh và chồng lại sống khá tiết kiệm.
Đặc biệt, cô tiết lộ chồng có thu nhập "khủng" nhưng vợ chưa bao giờ là người "được chồng nuôi". Cô không bao giờ muốn phụ thuộc vào bất kỳ ai - kể cả người bạn đời của mình - về tài chính.
"Dù mình có ở nhà, không làm gì, không có thu nhập hàng năm trời để chồng mình hỗ trợ thì anh cũng luôn rất sẵn lòng. Nhưng khi ta để bản thân phụ thuộc vào người khác thì ta sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ.
Bí quyết của mình để cân đối các khoản thu chi cho hợp lý là không thay đổi cách thức chi tiêu hay lối sống, ngay cả khi thu nhập thay đổi.
Những năm đầu mình lập công ty, khi bắt đầu có bước thành công, có những tháng mình kiếm vài trăm triệu thì mình vẫn chi tiêu trong khoảng 5-10 triệu/tháng."
Tiết kiệm sớm và thường xuyên, nhưng sẵn sàng "chi mạnh tay" khi cần
"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", kể cả vấn đề tài chính gia đình. Do đó bài toán chi tiêu của từng gia đình không bao giờ có thể áp dụng một công thức chung để đi tìm lời giải.
Chúng ta không thể áp dụng kinh nghiệm chi tiêu của nhà này, người này cho người kia, bởi không gia đình nào giống gia đình nào.
Nhưng chắc chắn, chi tiêu hợp lý sẽ giúp gia đình bạn có được sự tích lũy, giúp các cặp đôi vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc sống.
Bạch Diệu Linh và chồng có "chiến lược" chi tiêu dài hạn, cực kỳ rõ ràng, dựa trên sự tin tưởng, minh bạch, thống nhất cao.
Với nàng dâu Việt trên đất Mỹ, từ trước đến nay, Diệu Linh luôn áp dụng thói quen: Không thay đổi cách thức chi tiêu hay lối sống, ngay cả khi thu nhập thay đổi.
Diệu Linh bật mí bí quyết chi tiêu tiết kiệm sớm: "Có 3 lý do cho thói quen đó: Thứ nhất, khi thu nhập ta tăng mà lối sống của ta cũng tăng theo thì thật sự là kiếm bao nhiêu tiền cũng không đủ. Ngay cả bạn kiếm tiền tỷ mỗi tháng mà mua đồ hiệu, du lịch sang chảnh thì kiểu gì cũng hết.
Thứ 2, mục đích cuối cùng cho việc tiết giảm chi tiêu của mình không phải là để chắt chiu cả đời mà là để có sự tự chủ trong thời gian về sau.
Công thức tính là nếu 4% khối tài sản của bạn lớn hơn chi phí sinh hoạt hàng năm thì bạn chỉ cần sống bằng lãi suất thụ động từ tài sản thôi mà sẽ không bao giờ tiêu đến khoản vốn.
Vì sau này khi có con mình muốn dành nhiều thời gian cho việc nuôi nấng con, nên mình muốn tích góp nhiều nhất có thể để sau này tự chủ hoàn toàn về thời gian.
Thứ 3, đây là lý do quan trọng nhất - định luật về lãi suất kép. Định luật này cho thấy, yếu tố quan trọng không kém số tiền bạn kiếm được chính là thời gian - Tức là bạn bắt đầu tiết kiệm càng sớm thì tài sản dành dụm được càng lớn. Mình làm phép tính đơn giản nhé.
Bạn có 1.000USD, với lãi suất 7% thì sau 10 năm chỉ là 1.900USD thôi, nhưng sau 50 năm số tiền đó sẽ là hơn 29.000USD.
Tất nhiên ta phải tính cả chỉ số lạm phát, nhưng hãy tin mình đi, định luật lãi suất kép chính là chìa khoá để những gia tộc lớn mạnh nhất thế giới giữ vững khối tài sản của họ.
Ý mình ở đây là, đừng nghĩ những khoản nho nhỏ mình tiêu thì cũng không ảnh hưởng đến tương lai, mà khi tiết kiệm sớm và thường xuyên ta có thể tích tiểu thành đại và chính những khoản nho nhỏ đó sẽ là chỗ dựa của ta về sau."
Bạch Diệu Linh và chồng có "chiến lược" chi tiêu dài hạn, cực kỳ rõ ràng, dựa trên sự tin tưởng, minh bạch, thống nhất cao giữa hai người, tình nghĩa vợ chồng và trách nhiệm với tổ ấm nhỏ.
Những bữa tiệc ấm áp, thịnh soạn bên gia đình, người thân của đôi vợ chồng Việt - Mỹ
Ưu tiêu tiết kiệm từ sớm và thường xuyên, tuy nhiên với họ, những điều quan trọng nhất chính là sức khỏe, tình thân, gia đình và bạn bè. Do đó, họ không tiếc tiền chi mạnh tay cho những khoản cần thiết.
Trong năm, Diệu Linh và chồng luôn để dành riêng một khoản cho những chuyến du lịch cùng gia đình hay những bữa tiệc linh đình với bạn bè.
"Tụi mình luôn xác định, tiền thì có thể kiếm thêm được, nhưng thứ không bao giờ có thể lấy lại là những khoảnh khắc ý nghĩa với gia đình và người thân."
Dù sống trên đất Mỹ, Diệu Linh luôn thể hiện là một nàng dâu Việt đảm đang chính hiệu khi thường tổ chức những bữa tiệc thịnh soạn.
Cô sẽ tự tay vào bếp làm món ăn Việt chiêu đãi gia đình, bạn bè để gắn kết tình cảm, xây dựng các mối quan hệ thân tình, bền chặt.
Ảnh: NVCC
Người Việt ở Mỹ: Cầm ổ bánh 'khủng' nhân ú nụ nhớ bánh mì gà Đà Nẵng
Mỗi lần tôi được cầm ổ bánh mì Việt là y như rằng mọi kỷ niệm gắn liền với món ăn bình dị này suốt những năm tháng sống ở quê nhà hiện ra mồn một.