Kể lại ‘Chiếc bát gỗ’ – Câu chuyện ý nghĩa trong mùa Vu Lan

Cổ nhân có câu “bách thiện hiếu vi tiên”, ý nói là trăm điều thiện thì chữ hiếu đứng đầu. Vì vậy, hiếu kính người trên trở thành phẩm chất đạo đức tốt đẹp, là tiền đề của các phẩm chất đạo đức khác, nên từ xưa tới nay luôn được mọi người coi trọng và ca tụng.

Tháng 7 đến, một mùa Vu Lan báo hiếu lại về. Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn. Phận làm con, chớ bao giờ quên đi chữ “Hiếu”. Người viết xin kính mời quý độc giả cùng chiêm nghiệm và suy ngẫm về đạo hiếu qua câu chuyện “Chiếc bát gỗ”.

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói).

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). (Ảnh: facebook.com)

***

Chuyện kể rằng, có một ông cụ nay đã già yếu đang sống cùng gia đình người con trai, con dâu và một đứa cháu trai 4 tuổi. Đôi tay cụ đã run rẩy, mắt cũng đã mờ và bước chân thì vô cùng chậm chạp. Cả gia đình thường cùng nhau dùng bữa tối trên chiếc bàn ăn nhỏ.

Đôi mắt mờ đục và đôi tay run rẩy khiến người cha già không thể ăn uống như người bình thường được. Thức ăn từ chiếc thìa của ông cứ rơi vãi ra khắp sàn nhà, khi cầm cốc tay ông quá run khiến sữa đổ hết ra chiếc khăn trải bàn. Con trai và con dâu của ông tỏ thái độ rất khó chịu với mớ hỗn độn mà ông tạo ra. Người con trai bàn với vợ: “Chúng ta phải làm gì đó với tình trạng này của cha thôi. Ông cứ làm đổ sữa, gây ra tiếng động khi ăn và làm rơi đồ ăn ra sàn nhà mãi vậy thì ai mà chịu nổi”.

Vậy là hai vợ chồng kê một chiếc bàn nhỏ ở trong góc nhà và người cha phải ngồi đó ăn một mình trong khi cả nhà quây quần ở chiếc bàn ăn chung. Bởi vì người cha già đã làm vỡ vài chiếc đĩa nên con trai và con dâu của ông đưa cho ông một chiếc bát gỗ để ăn.

Thỉnh thoảng liếc mắt về phía vợ chồng người con và đứa cháu đang vui vẻ ăn tối cùng nhau, ông cụ lặng lẽ khóc bởi lẽ ông phải ngồi ăn trong cô đơn, tủi hờn. Tuy nhiên, ông chỉ nhận được những lời cảnh báo nhói lòng của vợ chồng người con vì ông cứ đánh rơi dĩa hoặc làm đổ thức ăn. Đứa cháu nội đã âm thầm chứng kiến tất cả.

Một buổi tối nọ, người cha thấy con trai mình đang ngồi trên sàn nhà và loay hoay với đống gỗ vụn. Anh ta dịu dàng hỏi con: “Con đang làm gì thế con trai?”. Đứa bé cũng ngọt ngào đáp lại cha “Con đang làm bát gỗ để sau này khi bố mẹ già sẽ dùng ạ”. Cậu con trai mỉm cười và quay lại với công việc đang dang dở của mình.

“Con đang làm bát gỗ để sau này khi bố mẹ già sẽ dùng ạ”

“Con đang làm bát gỗ để sau này khi bố mẹ già sẽ dùng ạ”. (Ảnh: Youtube.com)

Câu trả lời của cậu bé như sấm đánh bên tai, người cha và người mẹ dường như chết lặng. Và họ đã hiểu ra điều gì đó. Nước mắt bắt đầu lăn dài trên má họ. Họ không thốt lên một tiếng nào nhưng họ đều hiểu mình cần phải làm gì.

Ngay buổi tối hôm đó, người con trai nắm tay cha mình và nhẹ nhàng dắt cha quay lại bàn ăn chung của gia đình. Từ đó cho đến cuối đời, người cha già đều được quây quần ăn tối cùng con cháu mình. Và cũng từ đó, cả người con trai và con dâu đều không còn để ý rằng cha mình có đánh rơi dĩa, làm đổ sữa và làm bẩn khăn trải bàn nữa.

***

Ông cha ta đã có câu: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ kể công tháng ngày”. Cha mẹ là người đã sinh thành và dưỡng dục ra ta, không có cha mẹ ta làm sao may mắn có mặt trên đời. Mẹ sinh cha dưỡng suốt bao nhiêu năm trời, họ chịu đủ mọi đắng cay để dành tất cả những gì tốt nhất cho con mà không kêu than lấy một lời.

Ấy vậy mà khi đứa con đã khôn lớn và có gia đình dường như lại quên mất những điều ấy, khi mẹ cha già yếu con phải chăm nom thì lại khó chịu, bực mình, nghĩ rằng sao cha mẹ lại lẩm cẩm, vụng về thế. Có lẽ họ quá mải chăm sóc gia đình riêng nên đã không còn nhớ xưa kia cha mẹ cũng chăm sóc mình từng ly từng tí như thế nào.

Mẹ sinh cha dưỡng suốt bao nhiêu năm trời, họ chịu đủ mọi đắng cay để dành tất cả những gì tốt nhất cho con mà không kêu than lấy một lời.

Mẹ sinh cha dưỡng suốt bao nhiêu năm trời, họ chịu đủ mọi đắng cay để dành tất cả những gì tốt nhất cho con mà không kêu than lấy một lời. (Ảnh: Youtube.com)

Qua câu chuyện này, các bậc phụ huynh học được điều gì trong việc dạy con về lòng hiếu thảo? Cuộc đời mỗi con người đều sẽ trải qua các giai đoạn từ trẻ tới già, sinh-lão-bệnh-tử, đó là quy luật bất biến của đời người.

Những người cha, người mẹ đã sinh ra mình, nuôi nấng cho tới khi mình trưởng thành. Rồi vòng quay đó sẽ quay ngược trở lại, con cái phải chăm sóc cha mẹ khi về già. Chúng ta đối xử như thế nào với cha mẹ mình thì những đứa con của chúng ta cũng sẽ làm như thế đối với chúng ta khi về già. Với một đứa trẻ, mọi ký ức, hình ảnh lần đầu tiên sẽ ăn sâu trong tiềm thức của chúng. Vì vậy, hãy giúp chúng lưu giữ những hình ảnh đẹp về cha mẹ của mình, về gia đình thân yêu của mình, hãy tấm gương sáng ngời về lòng hiếu thảo để con học tập và noi theo.

Theo: dkn.tv

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất