Kamikatsu- thị trấn “sạch” nhất Nhật Bản
-
1. Giới thiệu đôi nét về thị trấn Kamikatsu
Ảnh: inaka-backpacker.com
Kamikatsu là một thị trấn nông thôn nhỏ bé nằm ở quận Katsuura, tỉnh Tokushima, phía Tây nam Nhật Bản. Nơi đây được bao bọc bởi núi và có khí hậu ôn hòa, là một vùng quê truyền thống của Nhật Bản. Vào năm 2019, thị trấn có 1373 người đang sinh sống. Tuy dân số ít ỏi nhưng điều đó không làm cản bước người dân nơi đây xây dựng nên một thị trấn vô cùng đặc biệt- “Thị trấn không rác thải” nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn được bạn bè quốc tế biết đến rộng rãi. Hàng năm đều có hàng nghìn người nước ngoài tới Kamikatsu để học hỏi mô hình “không rác thải” của thị trấn này.
-
2. Hành trình từ một thị trấn bình thường đến “Thị trấn sạch nhất Nhật Bản”
Vào những năm 50 của thế kỉ trước, khi Nhật Bản còn là quốc gia có lượng rác thải khổng lồ mà việc xử lý rác vẫn chưa được đưa vào quy củ thì thị trấn Kamikatsu cũng như thế, họ đổ rác trực tiếp ra môi trường mà không qua phân loại và phương thức xử lý rác duy nhất là đem đốt. Và dần dần người dân ở đây nhận ra việc làm này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ, ngoài ra cũng một phần là do chi phí dùng để xây dựng nhà máy xử lý rác thải quá lớn đối với một thị trấn có dân số ít như thế này. Vì thế vào năm 2003, một quyết định đã gần như thay đổi cục diện của thị trấn, họ quyết định lập tuyên ngôn “Zero waste” (Không rác thải), đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ biến thị trấn thành một nơi không có rác thải và nơi đây cũng được xem là thị trấn đầu tiên trên thế giới hướng tới việc “Zero waste”.
Nếu từ năm 2003, rác thải tại đây được phân thành 34 danh mục thì từ năm 2015 tới nay đã tăng lên nó đã lên tới 45 danh mục thuộc 13 loại vật phẩm khác nhau. Ví dụ, kim loại được phân làm 5 danh mục, nhựa 6 danh mục, giấy 9 danh mục…Và ngoại trừ 3 ngày cuối và đầu năm thì vào mỗi buổi sáng từ 7 giờ 30 đến 14 giờ chiều, khu phân loại và tập kết rác sẽ được mở, điều đặc biệt là sẽ không có xe thu rác mà mọi người dân sẽ phải tự mang rác đến đây để tự phân loại rác. Nếu chưa biết phân loại thế nào thì sẽ có nhân viên tới hướng dẫn.
Ảnh: lifeisjourneybeyond.com
Cùng với hệ thống phân loại rác có lẽ thuộc hàng tỉ mỉ và chi tiết nhất trên thế giới, người dân tại Kamikatsu còn rất tích cực trong việc tái chế rác thải và hạn chế tối đa việc dư thừa, lãng phí trong cuộc sống hàng ngày. Hiện tại, tỉ lệ tái chế của thị trấn đã lên tới 81%, đây được xem là một con số đáng mơ ước với bất cứ nơi nào trên thế giới.
Tại đây có những quầy hàng “Ai cần tới lấy, ai thừa đem tặng” để tránh tình trạng lãng phí
Khi tới thăm Kamikatsu, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước sự thông minh của người dân trong việc tái sử dụng các sản phẩm và có cảm giác mọi thứ trên đời đều có thể tái chế được.
Ảnh: anaba-na.com
Các vỏ chai đã qua sử dụng được dùng để trang trí trong cửa hàng
Người dân ở đây nhận ra nhận ra càng phân loại cẩn thận thì giá trị của đồ vật sẽ càng được tăng cao. Và thị trấn Kamikatsu thu được 250 vạn đến 300 vạn yên mỗi năm từ việc tái chế rác. Lúc đầu, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phân loại rác vì danh mục phân loại quá nhiều và rắc rối tuy nhiên họ nhận ra nếu không có rác thì vùng đất họ sống sẽ trở nên tươi đẹp như thế nào, cả con cháu họ trong tương lai cũng sẽ có nguồn nước sạch để uống, bầu không khí trong lành để hít thở và một môi trường lý tưởng để học tập và phát triển. Ngoài ra họ có thể tiết kiệm một khoản tương đối nhờ việc phân loại và tái chế này và có thể dùng nó vào mục đích có ích hơn như đầu tư cho giáo dục và y tế của thị trấn. Nghĩ đến những lợi ích trên, người dân tại Kamikatsu đã cố gắng và kiên trìtrong việc phân loại và tái sử dụng rác, đến nay nó đã thành thói quen không thể thiếu của họ và họ thấy hạnh phúc khi làm việc đó.
Hiện nay, toàn thị trấn đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu “Không rác thải” vào năm 2020.
Tham khảo: https://www.nippon.com/ja/guide-to-japan/gu900038/
https://www.nhk.or.jp/ohayou/digest/2019/05/0512.html
Theo: isenpai.jp
Nhật ký hành trình tháng Một: Đi chùa ngày xuân
Ở Nhật cũng giống như Việt Nam, trong những ngày đầu năm đi lễ chùa là một thú vui được ưa chuộng.