Hơn nửa đời sống trên nước Mỹ, tôi tự hỏi: Đâu mới là ‘miền đất hứa’?
Để thực hiện giấc mơ của cha mẹ tôi cũng như hầu hết các bậc phụ huynh Ấn Độ, tôi đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư máy tính và xin được công việc ở một công ty phần mềm có trụ sở tại Mỹ, mảnh đất hứa của những con người dũng cảm và giàu khát vọng.
Cha tôi là một công chức nhà nước bình thường. Sau khi ông nghỉ hưu, tài sản duy nhất ông có thể kiếm được là một căn hộ chỉ có một phòng ngủ. Tôi muốn làm một điều gì đó nhiều hơn ông. Tôi quyết định sẽ làm việc ở Mỹ trong vòng 5 năm để kiếm đủ tiền trở về mua nhà và sống tại quê hương Ấn Độ.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi bắt đầu cảm thấy nhớ nhà và cô đơn. Tôi thường gọi điện về nhà để trò chuyện với bố mẹ mỗi tuần bằng cách sử dụng các thẻ điện thoại gọi quốc tế giá rẻ. Hai năm trôi qua cũng là 2 năm tôi luôn phải gặm bánh Burger tại các cửa hàng McDonald’s hoặc pizza mà không có bữa ăn nào tử tế.
Cuối cùng, tôi quyết định mình nên lập gia đình. Tôi nói với cha mẹ mình rằng tôi chỉ có 10 ngày nghỉ phép và mọi thứ phải hoàn thành nội trong vòng 10 ngày ngắn ngủi đó. Tôi đặt vé máy bay trên một chuyến bay thuộc loại giá rẻ nhất, cảm giác vô cùng hạnh phúc vì sắp được quay về gặp lại gia đình và các bạn bè của mình.
Sau khi về đến nhà, tôi dành ra một tuần để xem các bức hình của tất cả các cô gái mà bố mẹ tôi đã nhờ người mai mối tìm. Cuối cùng, tôi đã chọn được cho mình một “ứng cử viên” để làm vợ. Ông bà sui gia vô cùng sửng sốt khi tôi nói với họ rằng đám cưới sẽ phải tổ chức trong vòng 2 đến 3 ngày, vì tôi sẽ không có thêm kỳ nghỉ nào nữa. Lễ cưới vừa kết thúc, vợ chồng tôi gấp rút quay trở lại Mỹ cho kịp thời gian làm việc.
Khoảng hai tháng đầu, vợ tôi cũng thích thú với lối sống ở Mỹ, nhưng sau đó cô ấy bắt đầu cảm thấy cô đơn. Số lần gọi điện về Ấn Độ tăng dần từ 2 lần/tuần lên 3 lần/tuần. Hai năm sau đó thì chúng tôi bắt đầu có con. Hai đứa bé rất dễ thương, một trai và một gái.
Mỗi lần mà tôi gọi điện nói chuyện với cha mẹ mình, họ thường hỏi tôi khi nào thì quay về Ấn Độ để ông bà có thể nhìn thấy mặt các cháu của mình. Năm nào tôi cũng suy nghĩ về việc thu xếp một chuyến quay về Ấn Độ thăm gia đình, nhưng một phần vì lý do công việc, phần khác là tài chính không cho phép nên tôi đã không làm được điều đó. Số tiền tiết kiệm của tôi liên tục vơi dần kể từ khi lập gia đình và có con. Nhiều năm trôi qua, việc quay về thăm Ấn Độ là một giấc mộng quá xa vời.
Một ngày kia, tôi đột ngột nhận được tin cha mẹ tôi đang bị bệnh rất nặng. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng không thể có được kỳ nghỉ phép nào để có thể quay về Ấn Độ. Tin tiếp theo mà tôi nhận được là cha mẹ tôi đã qua đời và không có một ai thân thích để thực hiện những nghi lễ cuối cùng trong đám tang. Tôi hoàn toàn suy sụp: Cha mẹ tôi thậm chí còn chưa được gặp mặt những đứa cháu của mình.
Sau đó vài năm, mặc dù hai đứa con không thích nhưng tôi và vợ vẫn quyết định quay về Ấn Độ để sống. Tôi bắt đầu tìm mua một ngôi nhà phù hợp với số tiền mà mình có, nhưng tôi đã thực sự choáng váng vì giá nhà đất ở Ấn Độ thì đã tăng một cách chóng mặt. Cuối cùng, tôi quyết định quay trở lại Mỹ. Vợ tôi không muốn điều đó, vì vậy tôi cùng 2 con đã quay lại Mỹ cùng lời hứa với vợ là tôi sẽ quay về Ấn Độ sau 2 năm nữa khi tình hình kinh tế khá hơn.
Thời gian dần trôi qua, con gái tôi quyết định kết hôn với một người đàn ông Mỹ, và con trai tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi sống tại đây. Mọi thứ đã ổn và không còn vương vấn điều gì ở đất nước xa xôi này, tôi quyết định quay về Ấn Độ với số tiền tiết kiệm đủ để có thể mua một căn hộ có 2 phòng ngủ khá tốt ở một khu vực mới xây dựng của địa phương.
Chẳng bao lâu sau, người vợ thủy chung đã rời bỏ tôi để đi về nơi chín suối. Bây giờ tôi đã 60 tuổi, hầu hết thời gian tôi chỉ dành cho việc viếng thăm những thánh đường Hồi giáo gần nhà.
Thật cay đắng, tôi nhận ra mình đã mất cả bố mẹ, vợ và hai đứa con để đổi lấy THÊM MỘT PHÒNG NGỦ. Bố tôi, thậm chí chỉ sống tại Ấn Độ cũng đã có căn hộ của riêng ông, còn tôi bôn ba xứ người hơn nửa đời cũng chỉ hơn ông một phòng ngủ mà thôi!
Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được thư từ 2 đứa con để hỏi thăm về sức khỏe. Vâng, điều an ủi lớn nhất là ít ra chúng vẫn nhớ còn có tôi tồn tại trên đời. Có lẽ sau khi tôi chết đi, tôi sẽ phải nhờ những người hàng xóm thực hiện nghi lễ rửa tội cuối cùng dành cho mình. Một câu hỏi luôn dằn vặt tôi mỗi đêm là “Tất cả cuộc sống chỉ có vậy thôi sao?”
Nhìn ra ngoài từ cửa sổ, tôi thấy rất nhiều trẻ em Ấn Độ đang nhảy các điệu nhảy hip-hop theo những hình ảnh trên truyền hình. Cái TV truyền hình cáp đó đã lôi kéo những đứa trẻ và khiến chúng không còn nhận ra giá trị của chính mình nữa. Tôi nhìn theo, bất lực và buồn…
(Câu chuyện được lược dịch từ Sulekha.com)
Viethome (theo dkn)
Lý do Hồng Nhung bị tiếng hỗn vì gọi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là anh
Ca sĩ Hồng Nhung giải thích lý do gọi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là “anh”, thay vì “chú” đúng với khoảng cách tuổi tác của hai người. Hồng Nhung tiết lộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng thích được gọi là “cậu Sơn”.