Hơn 40% tình nguyện viên của Thế vận hội Tokyo là người nước ngoài: Tác dụng từ việc “tặng” tín chỉ của các trường đại học?

Các con số thống kê đã cho thấy rằng hơn 40% các tình nguyện viên tại Thế vận hội Tokyo là những công dân nước ngoài.

Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic một quốc gia đăng cai lại có tỉ lệ quốc tịch của các tình nguyện viên trong nước thấp đến như vậy.

Việc kêu gọi các tình nguyện viên cho Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 ban đầu đã gặp phải những khó khăn khi không có nhiều người đăng kí, thế nhưng, sau khi sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để kêu gọi, điển hình như việc tính như là một tín chỉ môn học cho các sinh viên tham gia tình nguyện, cuối cùng thì hơn 80.000 vị trí tình nguyện viên cũng đã được lấp đầy.

Những con số thống kê đã ghi nhận một con số tình nguyện viên người nước ngoài cao kỉ lục trong lịch sử Olympic

Vào sáng ngày 20/11, Ủy ban Olympic thông báo rằng có tới 81.035 tình nguyện viên đã được thông qua, cho dù thời hạn kết thúc đăng kí là đến tận ngày 21/12. 

Tới 60% những tình nguyện viên nộp hồ sơ là phái nữ theo như con số thống kê, nhưng điều đáng kinh ngạc nhất đó chính là có tới 44% các tình nguyện viên là các công dân nước ngoài, trái ngược với tình trạng chung của các Thế vận hội trước đó, nơi phần lớn các tình nguyện viên đều là người dân địa phương.Tuy nhiên các con số thống kê đã không tiết lộ về tính chất của các người đăng kí ngoại quốc, liệu họ đã sống tại Nhật Bản từ trước hay là chỉ là những du khách đến Nhật để du lịch.

Hiện tại, hồ sơ của các ứng viên tình nguyện vẫn đang được tiếp nhận và xử lý, với tổng số 132.335 người đã quan tâm và đăng kí.

Những vấn đề trong việc tuyển tình nguyện viên

Mặc dù ủy ban tổ chức Olympic Tokyo đã bị chỉ trích nặng nề vì đã “khai thác” hơi quá những tình nguyện viên với thời gian làm việc liên tục 8 giờ một ngày trong vòng 10 ngày diễn ra Olympic, có tới hơn 65% tình nguyện bày tỏ rằng họ vẫn mong muốn được hỗ trợ các cuộc thi trong hơn 11 ngày.

Toshiro Muto, tổng thư ký của Ban tổ chức, nhận xét rằng “có một số lượng đáng ngạc nhiên của những người muốn tình nguyện trong thời gian dài.”

Tuy nhiên, đối diện với những con số này, nhiều người vẫn tỏ vẻ không hài lòng, bởi vốn dĩ, phần lớn các con số này đến từ sinh viên của các trường đại học trên Nhật Bản, và việc họ làm cũng không hoàn toàn là tự nguyện khi mà nhiều trường đại học đã đề xuất ra các ưu tiên về việc giảm mức tín chỉ cho các tình nguyện viên tham gia Olympic.

Liệu các sinh viên tình nguyện có thực sự… tự nguyện?

Cụ thể, trong động thái mới nhất để lôi kéo các sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ Thế vận hội, hầu hết các trường đại học lớn tại Nhật đã bắt đầu xem việc tham gia hỗ trợ Olympic như là một tín chỉ môn học và thay đổi lại lịch học cho các sinh viên phù hợp với việc tham gia vào các chương trình của Olympic như là một hình thức thù lao.

“Như vậy thì làm sao gọi là tình nguyện được?”, “Đây là những việc mà nền giáo dục Nhật Bản làm ư?” hay “Tôi rất băn khoăn liệu có bao nhiêu sinh viên thực sự muốn tình nguyện tham gia hỗ trợ”, đó đều là những câu hỏi đặt ra về chính sách của Ban tổ chức Olympic.

Tuy còn có rất nhiều những câu hỏi về tinh thần tự nguyện của các tình nguyện viên tham gia Olympic, cũng như việc liệu họ có thực sự muốn cống hiến cho sự kiện thể thao lớn này không hay chỉ vì lợi ích của cá nhân mình, Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 vẫn đạt được mục tiêu với 110.000 tình nguyện viên tham gia đăng kí, đồng thời tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ tiền thuê các nhân viên phục vụ trong thời gian diễn ra các cuộc thi đấu.

Theo: sugoi.vn

Tags:

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất