‘Hơn 20 năm xυất ngoại, lòng vẫn nặng trĩu hình hài đất Việt‘
Những ngày đầu trở lại Đức, quen giờ Việt Nam tôi cứ ngày ngủ, đêm thức. Nằm trằn trọc không ngủ, thấy sao mà thèm đến thế một ly cà phê Hà Nội. Mà phải là cà phê vỉa hè. Còn nữa, nhất định, bên cạnh là một người bạn, với những câu chuyện bất tận không sao dứt được.
Mới sang Đức được mấy hôm, tôi đã nhớ Hà Nội và bao người thân đến xao lòng. Mẹ tôi năm nay hơn 90, hôm tôi đi, đầu cứ gục vào ngực tôi, vai run run.
Tôi ôm mẹ trong tình cảm yêu thương như ôm thằng con út tôi 15 tuổi. Cũng xoa xoa, vỗ nhè nhẹ vào lưng mẹ như xoa lưng và nói với thằng con trai hôm tôi về Việt Nam, giọng dỗ dành: "Rồi con sẽ sớm trở về, mẹ ạ".
Tác giả bài viết trong một lần về thăm Hà Nội.
Tôi trở dậy châm điếu thuốc rồi mở cửa bước ra ban công, gió ùa vào lạnh buốt. Phía trước nhà tôi ở là một công viên nhỏ có nhiều hàng cây và hoa đủ màu sắc. Đằng sau là cả cánh rừng tự nhiên với hồ, ao và cơ man loài thảo mộc.
Từ khung cửa tầng hai nhà mình, tôi có thể nhìn thấy tháp truyền hình nổi tiếng của thành phố Berlin, thấy cột đèn giao thông chuyển màu, cả những vì sao li ti thức muộn trên nền trời đêm xanh tím.
Ở Hà Nội nhìn đâu cũng thấy nhà cửa san sát. Rất khó tìm một khoảng trống đủ tầm mắt. Muốn nhìn thấy trăng vời vợi phải về quê, hay lên tận mạn Hồ Tây.
Tôi nhìn sang cột đồng hồ cổ bên cạnh tháp truyền hình, mới có 3h sáng mà chim đã hót rộn trên cành. Tôi tò mò nhìn lên hàng cây tối sẫm, chẳng thấy bóng con chim nào mà tiếng hót cứ vỏng lên làm rộn ràng một khoảng sân.
Ừ, mà sao ở Hà Nội lần về này tôi không nghe chim hót lúc ban mai. Có chăng chỉ chim trong lồng. Tiếng hót to hơn, dõng dạc hơn, nhưng thanh âm con nào cũng giống con nào, như khuôn đúc. Nghe không ríu rít vui và đầy cung bậc như tiếng hót chim trời.
Cây cối Berlin đến cuối tháng 3 rồi mà vẫn như mùa cây chết. Toàn những cành đen đúa đâm thẳng lên trời. Cố tìm mới gặp một cây bật mầm, nụ bụ bẫm, trắng nhoa nhoá trong đêm y như búp bàng Hà Nội khi chớm hè.
Hà Nội, nơi chôn giấu biết bao kỉ niệm.
Hôm tôi ngồi với bạn bên cà phê Cộng, góc phố Hàng Nón, còn nhìn thấy cây bàng dày lá đỏ sậm, xao xác bay mỗi cơn gió về. Sang tuần quay lại, cây chỉ còn trơ cành.
Cây bàng Hà Nội cũng nhạy cảm như con gái Hà Nội, hơi tý là buồn, hơi tý lại vui. Vừa trút xong lá, chỉ thêm vài tuần nữa, với đà mưa này, trời ấm thêm chút, nụ bàng lại bật nhua nhúa trên những cành khô khẳng, cho một mùa xanh lá mới.
Đúng là số tôi ướt át, ở Hà Nội mưa dầm, nghe nói trời Berlin nắng chang chang như mùa hè, cây cối đâm chồi nảy lộc, kể cho bạn bè Hà Nội nghe, ai cũng thèm. Sang được hôm trước nắng ráo, hôm sau trời nơi đây lại mưa ngậm ngùi, giống y như thời tiết Hà Nội. Cũng mây xám và mưa lây phây. May thời tiết vậy, làm lòng mình đỡ nôn nao nhớ về Hà Nội.
Hà Nội so với Berlin, dù có không tận mắt, ai cũng biết Hà Nội bụi bặm, ô nhiễm, Berlin thoáng đãng, xanh sạch. Hà Nội còn lạc hậu, Berlin hiện đại, văn minh. Vậy mà mấy chục năm sống ở nơi đây lòng cứ đăm đắm hướng về nơi đấy. Đã sinh ra, lớn lên và gắn bó, có lạ gì từng góc phố, mỗi con đường, đến từng mùi vị mỗi món ăn như hương gió theo mùa của Hà Nội, vậy mà cứ mỗi lần về là cả đêm trên máy bay mất ngủ, vẫn hồi hộp như lần đầu gặp lại.
Thằng con lớn, cũng đẻ ở Hà Nội giờ quốc tịch Đức, bảo: "Bố lạ thật, năm nào cũng về một đôi lần, chỉ loanh quanh ở Hà Nội mà không biết chán. Nếu dùng số tiền ấy để đi du lịch, hơn hai mươi năm qua bố đã đi được một vòng thế giới, mở mang biết bao nhiêu tầm mắt”.
Định mắng nó một câu: "Trứng khôn hơn vịt". Nhưng ngẫm ra nó nói đúng. Mang tiếng hơn hai mươi năm xuất ngoại, tôi đã đi được mấy đâu trên trái đất này, khi lòng chỉ nặng trĩu hình hài Việt và tiếng Việt, nhất là một Hà Nội, nơi chôn giấu biết bao kỉ niệm. Dẫu cho mỗi khi tôi về, phải mùa ẩm ướt, thời tiết trái kheo vẫn cứ đăm đắm, nhớ nhung, tha thiết mãi khôn nguôi.
pv
Những hạn chế trong chính sách nhập cư của Canada
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, vấn đề nhập cư đang tác động đến gần như mọi khía cạnh của kinh tế Canada, từ việc làm, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến chăm sóc y tế, thị trường nhà ở.