Học tiếng Nhật qua các thành ngữ thông dụng trong đời sống

Tương tự Việt Nam, Nhật Bản cũng có kho tàng tục ngữ, thành ngữ đa dạng, phong phú. Đó là sự đúc kết từ kinh nghiệm của những người đi trước, là vốn liếng quý giá cần được bảo tồn và phát huy.

Ngoài ra, thành ngữ ở mỗi quốc gia còn phản ánh nền văn hóa đặc trưng của quốc gia đó. Đọc mỗi câu thành ngữ, ta sẽ hiểu thêm về lối sống của người xưa và giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc sống.

Những bạn đang học tiếng Nhật cũng như có hứng thú với nền văn hóa Nhật Bản, sao không thử tìm hiểu vào 10 câu thành ngữ rất phổ biến ở Nhật sau đây.

Liệu các bạn có thể hiểu ý nghĩa câu thành ngữ chỉ bằng nghĩa đen của nó?

1. 秋茄子は嫁に食わすな (Akinasu wa yome ni kuwasuna) : Đừng cho cô dâu/con dâu ăn Cà Tím

Đây là câu thành ngữ thể hiện quan hệ của mẹ chồng và nàng dâu. Có rất nhiều cách hiểu cho câu này, cả tiêu cực lẫn tích cực.

 

Nếu quan hệ hai người tốt đẹp, không cho ăn Cà Tím là việc mẹ chồng nên làm. Vì Cà Tím có rất ít hạt do đó nếu ăn nhiều, người xưa quan niệm rằng sẽ hạn chế khả năng sinh sản của cô con dâu. Ngoài ra một số người cho rằng Cà Tím nếu ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, do đó mẹ chồng tốt với nàng dâu bằng cách ngăn cô ăn loại trái này ngay từ đầu.

Thế nhưng nếu quan hệ của hai người không tốt, việc không cho cô dâu ăn Cà Tím là hành động nghiêm khắc của bà mẹ. Vì Cà Tím là của ngon do đó phải để cho chồng cô.

2. 頭隠して尻隠さず (Atama kakushite Shiri kakusazu) : Giấu đầu lòi đuôi

 

Câu này gần giống với Tục ngữ Việt Nam, ý nghĩa cũng tương tự.

Khi bạn làm điều gì sai trái, bạn cố gắng che giấu nó thế nhưng trong hành động của bạn vẫn để lộ sự giấu diếm và người khác vẫn có thể phát hiện ra được.

3. 後の祭り (Ato no Matsuri) : Sau lễ hội

Ở Việt Nam có một câu nói về các lễ hội đó là “Cuộc vui nào rồi cũng tàn”. Thế nhưng câu này ở Nhật lại không mang ý nghĩa tương tự.

 

Ato no Matsuri mang nghĩa “Quá trễ”. Dù bạn có luyến tiếc điều gì đó, nhưng khi sự việc đã quá trễ, có ngồi đó tiếc nuối cũng không giải quyết được gì. Cách tốt nhất là tiếp tục nhìn về phía trước và tìm hướng giải quyết thỏa đáng nhất.

4. 石の上にも三年 (Ishi no ue ni mo sannen): Ngồi trên đá đã 3 năm

 

Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn ngồi trên một hòn đá 3 năm. Hòn đá đó sẽ ấm lên và mòn đi. Câu này ngợi ca vào sự kiên nhẫn của con người. Có những việc khó khăn đến mức không thể làm được, thế nhưng nếu kiên trì, cho dù bạn không thành công, bạn cũng sẽ thay đổi được điều gì đó.

5. 石橋を叩いて渡る (Ishibashi wo tataite wataru): Trước khi đi qua cây cầu đá, hãy gõ vào nó

Cầu đá trông có vẻ rất chắc chắn, thế nhưng trên đời này không thể nói trước được điều gì. Kể cả kiến trúc trông vững chắc nhất cũng có thể sập bất kì lúc nào, vì thế chúng ta phải luôn cảnh giác.

 

Câu này ý bảo dù có những chuyện tưởng đơn giản và an toàn lúc đầu, thế nhưng ta vẫn nên đề phòng những bất trắc có thể xảy ra.

6. 一期一会 (Ichigo Ichie): Một lần trong đời

Câu này có nghĩa là vì ta chỉ sống một lần nên hãy quý trọng nhau như thể đây là lần cuối gặp nhau.

 

Tất cả các mối quan hệ bạn có trong hiện tại đều là “duyên nợ”. Vì thế nên cư xử sao cho dù có không thấy mặt nhau nữa cũng không luyến tiếc điều gì với nhau.

7. 鰯の頭も信心から (Iwashi no atama mo shinjin kara): Cả đầu cá Xác Sọc cũng chứa đựng tâm linh

Nguồn gốc câu thành ngữ này bắt nguồn từ thời Edo, Ngày xưa, vào lễ Setsubun, người ta thường treo đầu cá Xác Sọc trước cửa nhà để xua đuổi linh hồn ma quỷ.

 

Câu này ý muốn nói chỉ cần có đức tin, bất kì thứ gì cũng trở thành sức mạnh chống lại cái xấu, kể cả những thứ tầm thường nhất.

Niềm tin quả là có vị thế quan trọng trong tâm hồn người Nhật.

8. 馬の耳に念仏 (Uma no mimi ni nenbutsu) : Niệm phật vào tai ngựa

Câu này có ý nghĩa tương tự với “Đàn gảy tai trâu” ở Việt Nam. Dù có giảng đạo lý hay nói đúng sai với người không hiểu biết hoặc cố tình phớt lờ thì cũng như đang nói chuyện với động vật.

 

Với ý nghĩa này trong tiếng Nhật còn một số câu khác như: “Bàn triết học với chó”, “Cho tiền mèo”, “Cho heo đeo vòng ngọc”,…

9. 海老で鯛を釣る (Ebi de tai wo tsuru) : Thả Tôm bắt cá Hồng

 

Gần nghĩa với câu “Thả con cá bé bắt con cá lớn”. Đối với người Nhật, cá Hồng là loài cá cao cấp, chỉ được ăn vào những dịp lễ lớn. Trong khi đó Tôm chỉ là loài thủy sản hạng trung.

Ý người xưa ám chỉ việc đạt được món hời lớn bằng cách bỏ ra phần vốn nhỏ.

10. 縁の下の力持ち (En no shita no chikaramochi) – Nằm dưới trướng của kẻ lực lưỡng

縁 (En) ngoài nghĩa là “duyên phận” nó còn mang nghĩa cạnh, viền của một vật, là thứ ít được chú ý nhất. Chính vì thế câu này chỉ những người cố gắng nhưng nỗ lực không được ghi nhận.

 

Trên đây chỉ là 10 câu thành ngữ cơ bản trong tiếng Nhật thôi, còn rất nhiều câu thành ngữ thú vị khác mà bạn có thể đoán ý nghĩa của nó qua đoạn Clip sau

Người Nhật cũng rất thường sử dụng thành ngữ trong giao tiếp hằng ngày. Do đó hiểu được thành ngữ cũng là một cách giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn đấy. Chúc các bạn ngày càng thành công trong việc học tiếng Nhật nhé!

Nguồn: japo.vn

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất