Hành trình thiên di của Việt kiều Mỹ vẫn nguyên vẹn ký ức nếp nhà ngày tết
Những ngày cuối năm, cả gia đình mười mấy người tụm lại để quét dọn nhà cửa, làm bánh trái, củ kiệu, dưa hành, gói bánh tét, chà chân đèn và rộn ràng nấu bữa cúng tất niên, đã trở thành những ký ức không thể nào quên, dẫu bao tháng rộng năm dài đi qua cuộc đời mỗi đứa.
Sau rằm tháng chạp, dù có bận trăm công ngàn việc nhưng ít nhiều má cũng chuẩn bị cho gia đình một cái tết ấm êm. Má sai chị ra chợ mua me lột sẵn, lựa trái thiệt mập, căng tròn, đem ngâm đường cát sống chứ không ngâm vô nước đường nấu nguội bởi me sẽ ra nhớt nhanh, không để được lâu. Mua vài kí kiệu, phơi héo, cắt rễ, lột vỏ, ngâm trong nước tro cho trắng, lèn vô thẩu, pha giấm, muối, đường, hong nắng làm kiệu chua. Đu đủ với cà rốt gọt vỏ, lấy dao (miếng thiếc bén ngón, lượn sóng như mái tôn) cắt miếng cỡ đầu ngón tay, phơi hai nắng rồi bỏ thẩu làm dưa món. Mua mớ mứt dừa, gừng, mứt dẻo, hột dưa, thẩu bánh thửng, mấy đòn bánh tét về để trong bếp, cúng ông bà và đãi khách. Chiều 29 tết đi mua mấy nải chuối, trái cây chưng mâm ngũ quả, hoa cúc, sống đời, huệ trắng cắm bàn thờ.
Chuyện bếp núc là của phụ nữ. Đàn ông có nhiệm vụ cao cả hơn ở nhà trên: quét mạng nhện, tô vôi lên tường và chà chân đèn trên bàn thờ ông bà. Mạng nhện thì lấy sống lá bó lại thành chổi, quét mọi ngõ ngách nhà, hay dưới gầm giường, gầm tủ. Hồi đó làm gì có đủ tiền mua sơn quét tường. Thế là cứ lấy vôi trắng hay màu hòa với nước, cầm chổi sơn lại tường cho mới.
Đi chùa thắp nhang lạy Phật cầu an
Chà chân đèn trên bàn thờ ông bà là chuyện quan trọng nhất. Cả năm trời, khói bụi bám đầy. Tết nhất phải chà cho sạch để tỏ lòng thành kính. Nghề này ăn nên làm ra lắm luôn. Chỉ một góc nhỏ thôi là kiếm được tiền triệu. Chà suốt ngày không hết khách. Nhà nào khổ hơn thì ở nhà tự làm cho sáng bóng. Đơn giản thí mồ, chạy qua nhà hàng xóm xin mớ khế chua. Ra bếp lấy tro, trộn nước sau đó cắt khế làm đôi, bôi tro lên chà mọi ngóc ngách của chân đèn. Đâu chừng vài bận, lấy khăn lau khô. Chân đèn sáng bóng như gương nhìn rõ mặt người là được. Tôi nhỏ nhất nhà, lãnh nhiệm vụ chạy ra chợ mua đèn hột vịt với cát biển về thay lư hương cho mới.
Hồi tôi còn ở quê, bếp ga, lò điện là một khái niệm rất đỗi mơ hồ. Nhà nào sang lắm thì sắm cái lò xô đốt bằng dầu lửa, khói bay mù mịt. Ít sang hơn thì xài lò đất nung chụm bằng than với củi. Khổ hơn nữa thì ra hợp tác xã trả tiền, hốt cả chục bao trấu về xài. Người dân quê trân trọng và kính sợ ông Táo như một vị thần hộ mạng. Chắc do nhà nào ngày cũng nấu cơm ba bữa, chẳng ăn hàng quán như giờ. Phía chái bếp lúc nào cũng có bàn thờ, bụi khói bám đầy đen nhẻm. Khi nấu cơm, dù có bực bội tức tối gì đi chăng nữa thì không được lấy đũa bếp gõ mạnh lên quả lò, cũng chẳng được “dằn mâm xán chén” ngay tại bếp. Bởi ông bà táo quân chịu khổ đội xoong nồi, phục vụ cho nhà mình rồi, làm như thế là không phải đạo. Tắm rửa xong phải đi me mé một bên, cấm trần truồng ngang qua bếp. Không được nói bậy bạ, tục tĩu, chụm đốt đồ dơ, hay đùa giỡn trước mặt ông lò. Con gái tới kinh kì thì làm ơn né cái bếp ra, không được chui vô trỏng. Hễ bọn tôi nóng đầu, ấm trán, ba má lại nhủ thầm do chọc giận ông lò. Lật đật xuống thắp nhang, mong ông bà đừng quở.
Tôi nhỏ nhất nhà, lãnh nhiệm vụ chạy ra chợ mua đèn hột vịt với cát biển về thay lư hương
Cuối năm, nhà nào cũng sắm sửa cho mình cái lò đất nung mới. Sau rằm tháng chạp, ngoài thịt thà, bánh mứt, má mua quá trời lò nung lớn nhỏ đủ kiểu, của thương lái ở Bàu Trúc từ Ninh Thuận chở ra, chất đống bán cho bà con. Phải là lò Bàu Trúc người mua mới chịu nhen. Hổng biết đất sét nơi đó tốt đến đâu, mà khi nung lên, lò đỏ rực một màu thương nhớ. Tối nào dọn hàng, tôi cũng cẩn thận rinh vô, chứ lỡ tay bể một cái là lỗ sặc gạch. Miệng lẩm nhẩm đếm, hôm nay bán được bao nhiêu cái rồi. Năm nào cũng sợ bán hổng trôi. Nhưng tới chiều ba mươi là sạch trơn. Nhiều khi quên để lại một hai cái cho nhà xài, phải chạy liền ra chợ mua chứ không là hết.
Chà chân đèn trên bàn thờ ông bà là nhiệm vụ của cánh đàn ông
Đêm 23 tháng chạp, bà con khắp xóm cúng mâm cơm, đốt giấy tiền vàng bạc, tiễn ông táo về trời báo cáo chuyện trần gian, nhà cửa với Ngọc Hoàng. Ba thắp nhang, miệng lầm rầm khấn vái, mong ông bà táo nói tốt cho gia đình, để ông trời thương tình, phù hộ cho gia đình sang năm làm ăn thuận lợi. Cúng xong, ba sẽ thay lò mới. Sai tụi nhỏ cẩn thận đem cái cũ ra bỏ sau hè, hay mang ra gốc đa giữa làng, hoặc xuống đường luồng đi chợ mà để nhẹ nhàng, không được làm bể kẻo bị quở trách. Và đêm giao thừa, trong khi cả nhà quây quần bên cái ti vi trắng đen, coi nghệ sỹ Bảo Quốc, Duy Phương đóng vai Ngọc Hoàng, Hồng Vân vai Vương Mẫu, cùng với các táo quân Quốc Hòa, Hồng Tơ, Mỹ Chi, Ngọc Giàu… thì ba lại tiếp tục đốt giấy mời ông táo về lại trần gian, nhập vô chái bếp để tiếp tục một năm canh giữ bếp núc cho gia đình.
Cúng thần bếp xong rồi, phải chuyển qua cúng thần giếng. Giếng nhà tôi nghe đâu nó có tuổi đời hơn trăm năm, từ cái thời người Pháp tới đây làm đường sắt bắc - nam, cần một cái giếng để có nước xây lán trại cho phu ở. Tất nhiên mảnh đất ấy hồi kia không thuộc về nhà tôi. Họ bảo nơi này mạch tốt nên đào xuống chừng 20 mét là tìm được nguồn nước mát lành, trong veo vẻo để xài. Không cần nấu sôi, lọc khuẩn gì đâu. Khát, cứ ra đó xách một gàu uống liền tại chỗ, mát khắp châu thân. Người dơ, ra xách một gàu xối lên mình, nghe bao trầm tích trăm năm ùa về, thơm từng kẻ chân lông. Nắng gió làm tóc xơ, má nấu một nồi bồ kết thiệt to, rồi ra múc nước giếng làng vô gội. Đảm bảo, chí gàu gì cũng đi hết sạch sành sanh, tóc mượt mà như nhung như gấm. Bao nhiêu năm qua, những viên gạch dưới lòng giếng dù ngâm mình trong nước nhưng chắc suy mẻ tí nào. Mỗi năm một lần, cả làng chung tay đảo giếng, làm sạch rong rêu, thay cát, bắt mấy con cá trầu to bằng bắp tay trốn trong hốc giếng đem nấu canh chua. Trời ơi thịt béo không thể nào tả nổi.
Từ giữa trưa đêm ba mươi, trong nhà có bao nhiêu nồi niêu xoong chảo, thau chậu, anh chị đều trưng dụng hết để xách nước đổ vô trữ xài. Tới chiều, ba đem cái gầu cất đi, không ai được xách nước cho tới tận sáng mùng 3. Ba lấy cái nia đậy lên miệng giếng. Để trái cây, bông, nước, lư hương lên, thắp nhang khấn vái, mong thần giếng nghỉ ngơi sau một năm vất vả. Sang năm lại tiếp tục phục vụ gia đình và trời có khô hạn cỗi cằn, cũng xin thần cho mạch luôn thông, nước lúc nào cũng đầy ăm ắp.
Chổi mới quét nhà ngày tết
Sáng mùng 1, ba dậy thiệt sớm để thay đồ ngọt trên bàn thờ, cúng mời ông bà về chung vui với con cháu trong ngày đầu tiên năm mới. Giữa mùi nhang trầm thơm ngát, chúng tôi đứng xếp hàng chờ lãnh lì xì. Một bao đỏ không có bao nhiêu, nhưng đó là may mắn cả năm cần phải giữ. Anh chị lớn lì xì thêm cho em út. Tôi nhỏ nhất nhà, nên có một đống tiền. Cả nhà thay đồ, hòa cùng với dòng người đông đúc ra nghĩa trang thắp nhang cho người thân ấm lòng nơi cõi niết bàn. Về nhà, người lớn đi chùa thắp nhang lạy Phật cầu an, con nít tụi tôi áo quần láng cóng, tụm năm tụm ba chuyện trò rôm rả, đi coi người ta đánh bầu cua, tài xỉu hay lấy tiền lì xì đi ăn hàng cho đã miệng. Nhưng tuyệt nhiên không được đi vô nhà người khác vì lỡ nhà chưa có ai xông đất, mình vô, không hợp tuổi, cả năm họ làm ăn không được, đổ thừa mình phiền chết.
Trong suốt ngày mồng một tết, không ai được quét rác ra khỏi nhà vì làm như thế năm mới năm me, tiền bạc, lộc tài ra hết. Cứ dồn vào một góc, sáng mùng 2 hốt sạch cũng chẳng ai nói gì. Mà rác mấy ngày tết toàn hột dưa với vỏ bánh mứt nên không sợ dơ dáy. Mà chổi cũng phải là chổi mới nhen. Như vậy mới ra mùi tết. Chứ ai đời xài chổi cùn, chổi cũ để quét tết bao giờ.
Chúng tôi lớn lên, dựng vợ gả chồng. Người ở quê tảo tần bán buôn kiếm ít đồng lời, đứa thì mang kiếp thiên di, sống đời viễn xứ.
Vèo một cái mấy chục cái tết đã qua. May mắn thì thu xếp về thăm nhà giữa lúc trời đất vào xuân. Không thì lủi thủi đón cái tết bên xứ người giữa mùa đông tuyết đổ.
Mỗi lần về, nhìn rui mè còn sót lại của ba, mái ngói phủ đầy rêu xanh của má, cái gạc măng rê mối mọt gặm mòn, chén dĩa tách ly sứt cán mẻ quai nhưng thiệt tình không nỡ bỏ. Những lúc quây quần bên bữa cơm chiều, hay mâm cúng tất niên, chúng tôi tóc đã hoa râm, gương mặt dày dạn gió sương, ngậm ngùi nhắc chuyện má với ba, mắt mũi bỗng thấy cay xè, có ai đánh đòn đau đâu mà tự nhiên hu hu ngồi khóc.
Những nếp nhà năm xưa giờ không ai biểu ai bày, cũng chẳng có đòn roi căn dặn, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện đủ đầy, rồi tiếp tục dạy dỗ cháu con, không sót một mảy may nào hết.
Không gian sống như trời Âu của mẹ đảm tại Đà Lạt: Trăm hoa đua nở
Căn biệt thự có lối kiến trúc cổ điển, nằm lấp ló sau màn sương Đà Lạt với khoảng sân vườn ngập tràn hoa lá tạo nên một không gian sống đáng mơ ước, nhìn tựa như ở trời Âu.