Hành trình đưa chuối Việt sang Nhật: Lần lượt 3 sếp lớn siêu thị qua thăm nơi sản xuất, đạt 200 tiêu chuẩn mới lên được kệ, khi siêu thị khác muốn đặt hàng lại kiểm nghiệm từ đầu

Cha con ông Võ Quan Huy chủ thương hiệu chuối Fohla cho rằng yêu cầu của đối tác Nhật Bản chính là nhu cầu của thị trường mà người bán phải đáp ứng được. Chinh phục thị trường xứ sở hoa anh đào được thì sẽ dễ dàng tới các quốc gia khác hơn.

“Sắp tới khu nhà dân chưa anh ơi?”, tôi hỏi anh xe ôm vì đi hoài mà chỉ thấy cây ven đường, không thấy nhà dân.

Rồi những dãy nhà xưởng cũng lần lượt hiện ra phía bên trái đường từ quốc lộ vào. Bên cạnh những hàng cây mọc hoang dại, đập vào mắt người nhìn là một rừng chuối bạt ngàn, không nhìn thấy điểm kết thúc.

Đó là nông trang chuối của công ty Huy Long An mà tôi tới thăm cách đây khoảng 1,5 năm . Huy Long An do ông Võ Quan Huy sáng lập, người nông dân nổi tiếng là “vua chuối” ở Việt Nam với thương hiệu chuối Fohla xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật, Hàn.

Ông Huy đang sở hữu khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh miền Nam. Người ta gọi ông với rất nhiều biệt danh như người khai hoang, tỷ phú tôm, tỷ phú bò, tỷ phú ớt và giờ đây là tỷ phú chuối. Cái tên người khai hoang không phải ngẫu nhiên mà có.

Vùng đất ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An – nơi chúng tôi trò chuyện cùng doanh nhân này vào dịp cuối năm 2016, cách đây nhiều năm, vốn là vùng đất hoang sơ, vắng vẻ, cây cối mọc um tùm. Ông Huy không tìm những vùng đất nhỏ lẻ vài hecta, mà tìm đến những khu đất rộng lớn, hoang sơ như thế và biến nó thành cánh đồng chuối trù phú như ngày hôm nay. 

Mới đây, trong một sự kiện về nông nghiệp, tôi gặp anh Võ Quan Thuận, một trong 2 người con trai của ông Huy. Qua lời kể của anh Thuận về cha, về việc đưa chuối tới xứ sở hoa anh đào và nhiều quốc gia trên thế giới không phải ngày một ngày hai, mà là cả quá trình tích lũy bền bỉ.

Hành trình đưa chuối Việt sang Nhật: Lần lượt 3 sếp lớn siêu thị qua thăm nơi sản xuất, đạt 200 tiêu chuẩn mới lên được kệ, khi siêu thị khác muốn đặt hàng lại kiểm nghiệm từ đầu - Ảnh 1.

Anh Võ Quan Thuận, con trai ông Võ Quan Huy, hiện đang là giám đốc điều hành của Công ty Huy Long An. Ảnh: Dân Việt

“Ba tôi tin cây gì cũng có thể trồng được”

Anh Thuận kể, có lần cha anh gặp một người thân, nghe kể về chuyện trồng chuối, ba anh nói là hoàn toàn có thể làm tốt được. Có lần gặp một người Hàn Quốc, người này nói là có thể xuất khẩu được chuối và ông Huy bắt đầu nghiên cứu.

Nghe nhiều người nói, trồng chuối là phải có nhiều tiền. Bán được loại trái cây này cũng phải có rất nhiều tiền. Có đôi chút tự ái, ông Huy quyết tâm làm.

Tự ái là thế nhưng ông làm từng bước một. Làm thử trên quy mô nhỏ rồi sau đó mới nhân rộng dần ra.

Theo lời kể của anh Thuận, cha anh cùng các cộng sự quyết định thâm nhập thị trường khó tính nhất thế giới - Nhật Bản vì nghĩ rằng khi vào được Nhật thì sẽ dễ dàng cho việc tiếp cận các thị trường khác hơn.

“Chúng tôi được những người thầy là thị trường Nhật Bản dạy cho những bài học khó nhất. Nếu được thị trường đó chấp nhận nghĩa là sẽ được các thị trường khác chấp nhận. Họ phản ứng gì thì cố gắng khắc phục vì đó là nhu cầu thị trường”, anh Thuận cho biết.

Đó không phải là chuyện khởi nghiệp trong vòng vài ba tháng mà ba anh đã trải qua quá trình rất lâu trước đó, trồng hết cây này đến cây khác, “bầm dập” rất nhiều lần. 6 tháng kể từ khi bắt đầu liên lạc, những sản phẩm của Fohla lần đầu tiên có mặt trên kệ của một siêu thị Nhật Bản. Nhưng để đạt được sự ổn định phải mất 1,5 năm để sản phẩm không bị lỗi, Giám đốc Điều hành Huy Long An kể.

Hành trình đưa chuối Việt sang Nhật: Lần lượt 3 sếp lớn siêu thị qua thăm nơi sản xuất, đạt 200 tiêu chuẩn mới lên được kệ, khi siêu thị khác muốn đặt hàng lại kiểm nghiệm từ đầu - Ảnh 2.

Vườn chuối của Huy Long An tại Long An.

Anh Thuận cho biết người thu mua của siêu thị đã qua thăm cơ sở của Huy Long An. Sau đó, giám đốc siêu thị, tiếp đó là chủ tịch của siêu thị sẽ qua thăm. Ban đầu họ nhập xem 3 tháng kết quả như thế nào. Nếu mặt hàng bán chạy mới mua tiếp.

Tháng 4/2016, chuối Fohla đã chinh phục thị trường khó tính bậc nhất thế giới – Nhật Bản. 15 tấn chuối đã chính thức được bày bán tại siêu thị Don Kihote. 

200 tiêu chuẩn phải vượt qua khi tới được xứ sở hoa anh đào

Cách đây hơn 1 năm, tôi còn nhớ tại Hội thảo nông nghiệp ở Tây Ninh, ông Huy đã chia sẻ những kinh nghiệm mang loại trái cây giàu chất dinh dưỡng này sang Nhật.

“Đối với người Nhật, khi chúng ta muốn xuất khẩu sang thị trường của họ thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn họ đề ra. Khi họ mua sản phẩm của mình, họ phải thử và lấy mẫu về kiểm nghiệm. Xuất chuối sang Nhật phải có tới 200 chỉ tiêu về hóa chất, quy trình sản xuất thì mới được chấp nhận”, ông Huy nói.

Hành trình đưa chuối Việt sang Nhật: Lần lượt 3 sếp lớn siêu thị qua thăm nơi sản xuất, đạt 200 tiêu chuẩn mới lên được kệ, khi siêu thị khác muốn đặt hàng lại kiểm nghiệm từ đầu - Ảnh 3.

Ông vua chuối Long An cho biết thêm: “Hiện giờ, tuy đã bán cho các siêu thị ở Nhật rồi nhưng nếu một siêu thị mới đến đặt hàng, họ sẽ kiểm nghiệm lại từ đầu. Đạt họ mới lấy”.

Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Huy cho rằng muốn sản xuất hàng xuất khẩu các thị trường thì phải có quy trình chăm bón, đóng gói, bảo quản…. nghiêm ngặt.

“Chúng ta không nên xem nó là những việc khó mà nên coi đó là một bước để hội nhập. Chúng ta có tinh thần như vậy thì hàng hóa của chúng ta sẽ tiếp cận được thị trường Hàn Quốc, Nhật”, chủ thương hiệu chuối Fohla chia sẻ.

Với những ngày tháng sát cánh cùng cha, anh Thuận cũng đã rút ra những bài học cho chính mình, đó là khi quyết định mục tiêu là thị trường Nhật thì phải xem cả bức tranh của thị trường đó, nhu cầu ra sao, đối thủ như thế nào. Và khâu nào cũng góp phần quan trọng trong sự thành công.

“Không có khâu nào quan trọng nhất cả, từ trồng, đến đóng gói, đến logistics”, anh Thuận khẳng định.

Và đúng như suy nghĩ của cha anh Thuận, Fohla hiện giờ đang có ở nhiều siêu thị Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Và câu chuyện đầu ra thực sự là việc rất quan trọng.

“Muốn bán sản phẩm, đừng nói là sắp có cái này, sắp có cái kia. Sắp vẫn chỉ là sắp thôi”

Đầu ra cho nông sản dường như là câu chuyện vẫn còn dài. Và rất nhiều người tại hội thảo mà anh Thuận tham gia quan tâm đến yếu tố này.

Để giải đáp thắc mắc của nhiều người về đầu ra cho trái cây, anh Thuận cho rằng, muốn bán sản phẩm thì phải có sản phẩm đã.

“Tôi sắp có cái này, tôi sắp có sản phẩm kia. Sắp thì vẫn chỉ là sắp mà thôi”, anh Thuận nói và khẳng định muốn tìm được khách hàng, phải có sản phẩm trước đã.

Từ đó mới tiếp xúc khách hàng, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, tiếp cận thị trường như thế nào. Sản phẩm nào cũng có thị trường của riêng nó.

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Thuận tiết lộ Huy Long An chỉ tiếp những đối tác thực sự cần sản phẩm của Huy Long An. Người thực sự muốn mua sẽ là người đưa ra tiêu chuẩn, quy cách, kỹ thuật, thậm chí là cả giá cả. Còn những người hỏi chung chung và đưa ra yêu cầu chung chung nhưng hỏi đến những câu chuyện liên quan thì không biết gì thì không đáng tin.

Thông tin về người mua, số lượng mua bao nhiêu phải thực sự chắc chắn vì nếu “bể kèo” thì hậu quả sẽ rất lớn.

Theo Trí Thức Trẻ

Tags:
Tháng 5 Nhật Bản: Một hành trình – hai mùa hoa

Tháng 5 Nhật Bản: Một hành trình – hai mùa hoa

Khi mùa hè chạm ngõ cũng là lúc loài hoa Chi Anh ở xứ Phù Tang bừng giấc và lung linh khoe sắc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thảm hồng rực rỡ của hoa Chi Anh – Shibazakura.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất