Hàng loạt công ty xuất khẩu lao động chui: Người lao động sập bẫy
Vỡ mộng xuất cảnh
Sau gần 1 năm cam kết nhưng không đưa lao động xuất cảnh, mới đây hàng loạt lao động đã căng băng rôn yêu cầu Cty QLT Việt Nam trả lại tiền và hồ sơ
Ngày 27/12/2019, báo Tiền Phong nhận được đơn của nhiều người lao động tố Cty cổ phần đầu tư và xúc tiến thương mại QLT Việt Nam (số 8 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, gọi tắt Cty QLT Việt Nam) chiếm giữ hàng nghìn USD tiền đặt cọc, hồ sơ và không đưa được lao động xuất cảnh như cam kết.
Chị V.T.H (31 tuổi, Nam Sách, Hải Dương) cho biết, ngày 11/5/2019, chị tham gia chương trình tuyển dụng lao động kỹ năng đặc định của Cty QLT Việt Nam và được thông báo trúng tuyển. Đến ngày 24/5/2019, Cty QLT Việt Nam yêu cầu chị đóng 1.750 USD (khoảng 40 triệu đồng) và hứa đến 29/10/2019 sẽ đưa đi làm việc ở Nhật. Tuy nhiên, đến ngày này, chị H không được xuất cảnh như cam kết.
“Công ty tiếp tục hẹn lịch xuất cảnh đến 15/12/2019, nếu không sẽ trả lại hồ sơ và phí đặt cọc. Đến nay, qua 3-4 lần hứa hẹn, công ty vẫn không đưa được lao động sang Nhật. Công ty cũng không chịu trả lại tiền và hồ sơ. Còn lãnh đạo công ty trốn tránh trách nhiệm, không liên hệ được”, chị H bức xúc.
Không chỉ chị H, còn nhiều lao động rơi vào tỉnh cảnh tương tự. Có trường hợp vì tin lời quảng cáo của Cty QLT Việt Nam, bản thân họ còn kêu gọi những lao động khác cùng tham gia nên số lượng lao động “sập bẫy” rất lớn. Hiện có khoảng 300 lao động làm đơn tố cáo Cty QLT Việt Nam gửi Công an TP Hà Nội. Theo tiết lộ của một nhân viên Cty QLT Việt Nam, số hồ sơ thực tập sinh tham gia chương trình kỹ năng đặc định của công ty này lên đến hàng nghìn người.
Một số trường hợp xin rút hồ sơ bị Cty QLT Việt Nam yêu cầu bồi thường. Như trường hợp N.A.T (27 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội), bị công ty yêu cầu bồi thường 10 triệu đồng mới được rút.
“Công ty là bên vi phạm hợp đồng nhưng khi chúng tôi xin rút hồ sơ, họ không cho và bắt đóng tiền phạt. Tôi lên công ty nhiều lần đề nghị giải quyết, công ty không những không trả lại mà còn cho người đe dọa người lao động”, anh T nói.
Theo ghi nhận, sau khi chương trình lao động kỹ năng đặc định bắt đầu có hiệu lực, nhiều công ty môi giới đã nở rộ “như nấm mọc sau mưa” dùng đủ chiêu trò để thu tiền của người lao động. Điển hình như Cty QLT Việt Nam, Cty cổ phần hợp tác quốc tế AIC Việt Nam, Cty cổ phần đầu tư VJC, Cty cổ phần đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế Havico…Các công ty này đều quảng cáo đã xin được tư cách lưu trú kỹ năng đặc định và đưa được nhiều lao động xuất cảnh nên không ít người tin tưởng, sập bẫy.
Ðang đàm phán, chưa triển khai Lý giải về việc chưa đưa được lao động xuất cảnh như cam kết, trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, ông Đỗ Đình Quyền, Giám đốc Cty QLT Việt Nam cho biết, do công ty đang chờ thông tin phía Cục Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản. Ông Quyền khẳng định, công ty có khả năng kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản nên sẽ đưa được lao động đi làm việc ở Nhật.
Tuy nhiên, khi được hỏi công ty chưa được cấp giấy phép XKLĐ có được tuyển và thu tiền của lao động, vị này lập tức phân bua: “Công ty là một chi nhánh của công ty khác và chỉ hỗ trợ về mặt tư vấn, kết nối lao động, chứ không đưa lao động xuất cảnh. Tiền đó (tiền thu từ lao động) là phí hỗ trợ tư vấn, làm thủ tục hồ sơ. Công ty không thu tiền phí đưa lao động sang Nhật”. Ông này cũng xin không trả lời nữa do công ty đang bận nghỉ lễ theo lịch phía Nhật Bản. Hiện toàn bộ nhân viên công ty này đã rời khỏi trụ sở, còn người lao động đang hoang mang không biết liên hệ với ai để xử lý.
Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chương trình kỹ năng đặc định vẫn đang trong quá trình đàm phán, các nội dung cụ thể vẫn chờ cơ quan hai nước thống nhất. Đơn vị được phép đưa lao động theo chương trình này phải là những công ty phái cử (có giấy phép XKLĐ) và được sự giới thiệu, chấp thuận của Cục.
Cũng theo bà Hà, Cty QLT Việt Nam và các công ty trên là những đơn vị chưa được Bộ LĐTB&XH cấp giấy phép XKLĐ. “Nếu tiến hành tuyển và thu tiền của lao động là hoàn toàn sai. Ở Việt Nam, hiện chưa có lao động nào xuất cảnh được theo chương trình này”, bà Hà khẳng định.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cảnh báo người lao động không nên tin vào những lời quảng cáo của các công ty môi giới do nhiều tổ chức, cá nhân đang lợi dụng nhu cầu lớn từ chương trình để trục lợi.
Ông Lê Đình Thành, Trưởng Công an Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, một số lao động đã gửi đơn tố cáo đến công an quận. Hiện, đơn vị đã nắm thông tin phản ánh và sẽ tiến hành xác minh làm rõ.
Nguồn: Tienphong.vn
Hướng dẫn người Việt ở Nhật nhận 930 USD trợ cấp COVID-19
Công dân Việt Nam ở Nhật Bản được nhận 100.000 yen trợ cấp trong dịch COVID-19.