Hà Trần cảnh báo đúng về live show của Tùng Dương
Suốt 3 tiếng đồng hồ, Tùng Dương hát đầy sung mãn hơn 20 bài hát trải dài trong sự nghiệp hơn 20 năm làm nghề. Màn mở đầu khá ấn tượng khi nhân vật chính đứng trên đỉnh một thác nước để hát Trời và đất và kế đó là Mang thai của Lưu Hà An và Sa Huỳnh. Đây cũng chính là hai tác giả ruột gắn bó hữu cơ với giọng hát và nhân sinh quan của Tùng Dương.
Hiệu ứng thác nước mở đầu đêm nhạc- Ảnh: Hồ Như Ý
Lưu Hà An thiên về khai thác chất mênh mang, bay bổng trong giọng hát Tùng Dương trong khi Sa Huỳnh gần đây đưa Tùng Dương vào những vùng trải nghiệm thách thức hơn. Bài Gieo mầm do chính Dương sáng tác được dùng để khép lại đêm nhạc dù hơi khó nghe nhưng xem ra vẫn chung tinh thần trong những sáng tác của hai tác giả kể trên.
Trang phục lạ mắt của vũ đoàn trong bài Mang thai (Sa Huỳnh)- Ảnh: NHƯ Ý.
Tuy nhiên vì đây là chương trình tổng kết dành cho khán giả đại trà nên chủ nhân vẫn phải pha trộn với các hit quốc dân kiểu như Trên đỉnh phù vân, Em ơi Hà Nội phố, Một mình hay Mẹ tôi… Không thể thiếu những bài làm nên tên tuổi Tùng Dương thời kỳ đầu như Ôi quê tôi, Quê nhà, Mưa bay tháp cổ… Đây cũng là những bài nhận được sự tán thưởng của đông đảo khán giả tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Tùng Dương tái ngộ nhà sản xuất Lê Minh Sơn. Ảnh: NHƯ Ý.
Tùng Dương là giọng ca có tham vọng thâu tóm cả một thời kỳ. Nhiều bài hát đang nổi với những giọng ca khác rồi cũng về tay Tùng Dương sau khi anh in dấu lên đó. Ngày chưa giông bão là một ví dụ. Mặc dù được đưa vào phần ngẫu hứng hát chỉ với ghi-ta, nhưng phải công nhận là Tùng Dương làm cho những bài phổ cập như Ai chung tình được mãi hay Nàng thơ có hồn hẳn lên.
Tùng Dương: "Thanh Lam lo lắng cho tôi như người chị ruột". Ảnh: NHƯ Ý.
Khách mời của chương trình đến từ đủ các dòng nhạc khác nhau, từ diva đến rapper đều được chủ nhà tiếp đãi đâu ra đấy, chứng tỏ sự đa dạng và cởi mở trong phong cách của Tùng Dương. Anh toàn nhận phần hát bè phụ cho các khách mời.
Tùng Dương và Uyên Linh song ca Chỉ là giấc mơ (Kim Ngọc). Ảnh: NHƯ Ý.
Mỗi khách mời đều được đơn ca một bài nhưng có vẻ họ đều giữ ý hay bị chủ nhà “át vía” nên sự thể hiện có vẻ chưa được tròn trịa lắm. Hoặc một phần do bài hát bị lệch pha so với nhạc mục của Tùng Dương.
Đào Tố Loan thay vì hát một ca khúc lại thể hiện một màn biểu diễn kiểu luyện thanh bằng nguyên âm đặc sệt opera, làm khán giả chưa kịp hiểu mô tê gì thì Tùng Dương đã… thay áo xong rồi. Hai khách mời Hà Trần và Thanh Lam khoe được chủ nhân tặng váy đều màu đen để hát trong tối 25/11.
Tùng Dương: "Tôi nhắm mắt cũng có thể hát bè được cho Hà Trần". Ảnh: NHƯ Ý.
Hà Trần “cảnh báo” khán giả chuẩn bị xem nguyên một show trình diễn thời trang của Tùng Dương kể cũng không ngoa. Tùng Dương ăn mặc chỉ có ngày càng phức tạp, phá cách hơn mà thôi. Nhiều bộ từng được ca sĩ mặc được trưng bày bên ngoài sảnh khán phòng khiến khán giả thích thú chụp ảnh cùng.
Lần này anh giới thiệu những bộ đồ cồng kềnh mà ấn tượng nhất phải kể đến bộ vương miện trên vai khi Dương hát Trên đỉnh phù vân và song ca với Thanh Lam. Kế đó là bộ tinh thể nhọn hoắt khi hát Gieo mầm và liên khúc kết. Hát xong cái anh phải đi thay ngay vì sợ gây thương tích cho khán giả lên chụp ảnh cùng mình.
Cuộc đời như một "gánh xiếc" là thông điệp mà màn trình diễn này mang lại. Ảnh: NHƯ Ý.
Sau phần song ca The Phantom of Opera cùng Đào Tố Loan, các tiết mục trở nên bùng nổ hơn nữa với các hiệu ứng thị giác đậm đặc, dàn vũ công trình diễn theo kiểu đương đại. Ở phần này bài Gieo mầm là tiêu biểu toát lên không khí vị lai, hậu công nghiệp.
Trang phục của vũ công cũng được thiết kế riêng cho đêm diễn- Ảnh: NHƯ Ý.
Nói chung những hình ảnh được lựa chọn minh họa cho các bài đều đẹp hoặc hợp lý trừ những khối nhà cao vuông chằn chặn cho bài Em ơi Hà Nội phố không toát lên được tinh thần bài hát. Sân khấu bị chia đôi bởi một “cầu trượt” hình chữ nhật thẳng đuột khá tốn diện tích.
Quả thực ở một đôi bài, các vũ công trượt trên mặt phẳng đó thật. Còn lại nó được biến thành màn hình LED. Tuy nhiên phần nhiều thời gian nó chỉ là một hình chữ nhật trắng nằm chình ình giữa sân khấu. Giá kể nó được thiết kế uốn lượn một chút sẽ đỡ tức mắt hơn.
Sân khấu bị chia đôi bởi một màn hình LED bắc chéo lên tầng hai. Ảnh: NHƯ Ý.
Tùng Dương cho thấy phong độ đỉnh cao trong suốt đêm diễn, càng về cuối anh hát càng thăng hoa. Có cảm giác Tùng Dương đang tung tẩy với âm nhạc, sân khấu với sức chứa 4.000 khán giả cũng như sân chơi của anh. Đêm nhạc tổng kết 20 năm góp phần khẳng định vị thế gần như độc tôn, vừa cá tính vừa tương đối đại chúng của Tùng Dương so với các giọng nam cùng thế hệ.
Tùng Dương cùng nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền thể hiện một sáng tác mới của Nguyễn Vĩnh Tiến. Ảnh: NHƯ Ý.
Tuy vậy có vẻ như việc bán vé không phải đơn giản, nhất là trong thời buổi kinh tế đã khó khăn mà các ca sĩ ở Hà Nội lại liên tục làm show. Có khi vì thế nên Tùng Dương phải dành ra một khoảng thời gian tương đương nửa già của một tiết mục cẩn thận đọc tên từng nhà tài trợ, hỗ trợ để nói lời cảm ơn. Nhưng cũng có người cho rằng thương hiệu Tùng Dương cũng phải uy tín cỡ nào mới thu hút được nhiều “đại gia” đến thế.
Tùng Dương Gieo mầm cùng cây ghi-ta của nhóm rock Ngũ Cung- Ảnh: NHƯ Ý.
Ngọc Sơn: Từng ước được nổi tiếng bằng một góc của Châu Thanh
Ngọc Sơn kể kỷ niệm thuở hàn vi, từng ‘trèo rào’ xem thần tượng Châu Thanh hát. Nam ca sĩ nói anh mong một ngày được nổi tiếng như đàn anh.