GS. Phan Văn Trường: Người Việt lạ lắm, lúc nào cũng thấy mình đã già!
Kẻ 37 tuổi thấy mình đã già vì ở tuổi này vẫn chưa lên được chức Chủ tịch. Khi tất cả giấc mơ một đời người đều đến sớm sủa theo lý luận "tuổi", thì tuổi 60 của người Việt sẽ đến như một nút "STOP" hẹn giờ, bởi "Chúng tôi già rồi, xong việc rồi, về hưu thôi"…
Ảnh minh họa. Tác giả: Réhahn Croquevielle.
"Không có gì học nhanh hơn khi mình có tuổi", GS. Phan Văn Trường - chuyên gia cao cấp trong đàm phán quốc tế, từng giữ chức Chủ tịch khu vực của nhiều tập đoàn nước ngoài - bắt đầu câu chuyện học hỏi không ngừng của mình, mà ông dám chắc rằng "99% các bạn trẻ không hiểu".
Ở góc độ phát triển cá nhân, lấy cuốn "Một đời quản trị" mình viết làm ví dụ, Giáo sư Trường cho hay, các bạn trẻ 20 tuổi đọc cuốn này sẽ không hiểu gì. Khi các bạn 30 tuổi đọc cuốn này không hiểu nhiều bằng bạn khi 40 tuổi. Đến khi 50 tuổi, 60 tuổi, các bạn đọc sẽ hiểu nhiều hơn nữa…
Ông cũng gửi thông điệp nhắc nhở rằng các bạn trẻ Việt Nam hay lý luận theo tuổi, mà điệp khúc dễ thấy là "Em đã già rồi".
"Em gái 20 tuổi than thở: "Bố mẹ bảo em già rồi, phải lấy chồng". Người 26 tuổi than mình đã già, đến tuổi này chưa làm được Giám đốc. Kẻ 37 tuổi bảo "Em già rồi", bởi ở tuổi này vẫn chưa lên được chức Chủ tịch. Thậm chí, có học viên 38 tuổi của tôi còn than thở ở tuổi cô ấy vẫn chưa trở thành "đại gia"", GS. Trường kể.
"Nếu ước mơ 38 tuổi thành đại gia, tôi dám chắc tất cả các em 50 - 60 tuổi chỉ có một giấc mơ: Xong việc rồi, về hưu thôi…"
Người 40 tuổi thấy "thằng 30 tuổi" không biết gì. Người 30 tuổi nghĩ người 40 tuổi không biết gì. Khi 50 tuổi, người đó lại thấy người 40 tuổi chẳng biết gì
Những giấc mơ đôi lứa, làm giàu của người Việt đến sớm sủa để đến khi về hưu không làm gì nữa. Tất cả như những tài sản trừu tượng, mà vào đúng giờ ấy, ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, khi người ta vừa tròn 60 tuổi thì STOP.
"Tư duy đó chính là lỗi lầm. Khi ở tuổi tôi (ông Trường năm nay 73 tuổi - PV), các em đọc những cuốn sách khác nó mặn mà, sâu sắc làm sao, và mình hiểu được chiều sâu của nó mà khi ở tuổi 40 mình sẽ không hiểu được", GS. Trường giải thích.
"Tuổi tác là một thứ notification (thông báo), làm cho con người mình trù phú hơn, súc tích hơn, sâu sắc hơn, cả về chiều sâu, chiều rộng, chiều dài. Mà ở nước Việt Nam chúng ta, mọi người hay lý luận theo tuổi, lúc nào cũng nói "Tôi già rồi"".
Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam có rất nhiều người 60 - 70 ngày nay, và đó lẽ ra phải là những người được trân quý nhất.
"Đó là những người cực kỳ giỏi. Bao nhiêu trải nghiệm, bao nhiêu cơ hội để học những bài học vừa đau thương vừa hùng vỹ, họ đã học rồi. Đúng lúc đó, họ được bảo: "Anh về hưu đi, đọc báo đi, coi tivi đi", và ngày này coi tin tức hôm nay xe container cán 3 người, ngày hôm sau lại coi tin tức xe container cán 15 người…"
Giáo sư Trường cho rằng việc bỏ phí lực lượng ở tuổi hưu là sự "phí phạm kinh khủng".
"Khi các bạn đến tuổi của tôi, các bạn sẽ khám phá ra chuyện rất lạ: Người 40 tuổi thấy "thằng 30 tuổi" không biết gì. Người 30 tuổi nghĩ người 40 tuổi không biết gì. Khi 50 tuổi, người đó lại thấy người 40 tuổi chẳng biết gì", ông Trường nói.
Khi một người trẻ nói với người lớn hơn mình chục tuổi rằng: "Anh chưa biết gì", thì đó là vì bạn trẻ đó chưa ý thức được việc họ chưa biết gì.
"Vậy nên, khi nghe em nào 22 tuổi nói: "Em già rồi", vì tính dịu dàng, thân thiện của mình mà tôi chỉ mỉm cười nói: "Ừ, chắc em già thật rồi!"", ông Trường hài hước.
Theo: cafebiz.vn
Để đầu bết 20 năm không gội, thiếu nữ tự tin tuyên bố: "Như thế mới thơm!"
Nếu bạn từng sợ bẩn khi lỡ để đầu bết quá 1 tuần, thì xin thưa rằng chừng đó chưa nhằm nhò gì với cô nàng "20 năm không gội đầu" dưới đây đâu!