Giảng viên Việt sống trong lều vì không đủ tiền thuê nhà ở Anh

Aimée Lê gửi sách ở phòng nghiên cứu, tắm ở trường đại học sau đó về căn lều gần trường ngủ.

Giống như nhiều nghiên cứu sinh khác, Aimée Lê cần công việc giảng viên tiếng Anh, được trả lương theo giờ để sống. Nhưng điều mà sinh viên của Lê không bao giờ đoán được là suốt hai năm dạy họ, cô phải sống trong lều. 

Lê đưa ra quyết định này như một giải pháp cuối cùng khi phải đối mặt với tiền thuê nhà tăng mạnh trong năm thứ ba của chương trình tiến sĩ tại trường Royal Holloway, Đại học London. Cô nhận ra sẽ không thể mua nổi nhà và trang trải tất cả chi phí bằng thu nhập nghiên cứu và giảng dạy.

"Trời rất lạnh. Đó là chiếc lều nhỏ cho một người. Tôi nhớ có những ngày thức dậy, lều bị tuyết phủ kín. Khi không phải làm việc, tôi học cách chẻ củi và nhóm lửa", Lê nhớ lại.

giang vien viet song trong leu o anh

Aimée Lê ở lều trong hai năm học tiến sĩ ở Anh. Ảnh: Milan Svanderlik

Lê cất sách ở văn phòng nghiên cứu để chúng không bị hỏng và tắm ở trường đại học. Cô nói với bố mẹ rằng mình đang ở trong một trang trại sinh thái để họ không lo lắng.

Cô không trình bày hoàn cảnh với trường đại học, chấp nhận một cuộc sống hai mặt vì sợ danh tiếng nghề nghiệp bị tổn hại nếu mọi người biết cô là người vô gia cư.

"Tôi nhận được nhiều đánh giá tốt từ sinh viên. Tôi còn từng tổ chức một hội nghị quốc tế. Tôi đang làm việc với tiêu chuẩn rất cao và cực kỳ tập trung", Lê nói.

Hiệp hội Đại học và Cao đẳng (UCU) cho biết hoàn cảnh của những sinh viên trẻ khao khát có một chỗ đứng vững chắc trên nấc thang sự nghiệp, ngày càng trở nên tồi tệ. Nhân viên tại 146 cơ sở giáo dục đại học phải bỏ phiếu có nên đình công một lần nữa hay không - có khả năng xảy ra trước Giáng sinh - vì được trả lương không công bằng, khối lượng công việc quá tải và hợp đồng không chính thức.

"Sinh viên nghĩ giảng viên như tôi được trả lương và có hợp đồng chính thức. Tôi bảo với họ rằng không phải như vậy, nhưng việc nói mình đang sống ở lều quả là khó", Lê tâm sự.

Khảo sát được công bố trong tháng này cho thấy gần một nửa cố vấn học tập ở bậc đại học là các nhân viên không có hợp đồng chính thức. UCU cho hay đây là câu chuyện quen thuộc trên khắp đất nước.

Lê nhận được học bổng hàng năm trị giá 16.000 bảng Anh trong ba năm từ trường Royal Holloway để làm tiến sĩ về các nhóm dân tộc thiểu số trong văn học Mỹ, và giành thêm một học bổng từ Mỹ trong năm đầu tiên. Nhưng với tư cách một sinh viên quốc tế, cô phải trả 8.000 bảng một năm học phí cho trường đại học nên chỉ có 12.000 bảng (gồm cả tiền lương dạy học) một năm để sống.

Lê cho hay đã phải xoay xở khi nơi ở giá rẻ cô thuê đóng cửa để cải tạo vào cuối năm hai. Cô không đủ khả năng kiếm thêm 3.000 bảng một năm để trả tiền thuê nhà. Quyết tâm không bỏ học, cô mượn lều của một người bạn.

Suốt thời gian ở lều, Lê mong chờ cuộc sống ổn định sau khi tốt nghiệp tiến sĩ. Cô biết có thể vẫn phải ký vài hợp đồng ngắn hạn nhưng sẽ gối nhau và như vậy chẳng còn phải lo vấn đề nhà ở.

Nhưng bây giờ Lê cảm thấy sự lạc quan đó đã đặt nhầm chỗ. Cô lấy bằng tiến sĩ năm 2018, dạy kèm cho các học sinh và làm việc tại một vườn bách thảo để kiếm sống trước khi ký hợp đồng hai năm giảng dạy môn viết sáng tạo tại Đại học Exeter. Hiện cô sống với cha mẹ và tìm kiếm việc làm trở lại.

Trường Royal Holloway đã không biết Lê gặp khó khăn về tài chính. Đại diện nhà trường cho hay: "Chúng tôi có đội ngũ cố vấn và chăm sóc sức khỏe sinh viên tận tâm, bao gồm cả nghiên cứu sinh tiến sĩ, về sức khỏe và thể trạng của họ".

Các dịch vụ của trường bao gồm tư vấn miễn phí, trợ giúp khủng hoảng và cung cấp thông tin về nguồn tài trợ bổ sung mà sinh viên có thể đủ điều kiện nhận.

Vicky Blake, chủ tịch UCU, nói: "Nhiều người sốc khi biết giáo dục bậc cao là một trong những lĩnh vực bấp bênh nhất trong nền kinh tế Anh. Có ít nhất 75.000 nhân viên làm việc theo hợp đồng thời vụ. Họ là những người bị bóc lột, được trả lương thấp và thường bị quản lý cấp cao đẩy đến bờ vực".

Nghiên cứu của hiệp hội chỉ ra 1/3 học giả được tuyển dụng theo hợp đồng có thời hạn, 41% được trả lương theo giờ.

Jasmine Warren dạy tâm lý học bán thời gian ở Đại học Liverpool, nơi cô đang là nghiên cứu sinh. "Là phụ nữ đang hoàn thành bằng tiến sĩ và sống với những hợp đồng bấp bênh, bạn cần đặt câu hỏi: Lúc nào lập gia đình? Lúc nào mới có thể mua nổi nhà? Tôi chưa thấy bất cứ hợp đồng nào hơn một năm cho những vị trí giảng dạy ở đại học gần đây. Chúng tôi được kỳ vọng chấp nhận việc này như một chuyện bình thường", Warren nói.

Sian Jones từng mất sáu tháng ngủ nhờ sàn nhà bạn trong lúc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ và dạy lịch sử tại trường đại học thuộc Russell Group với tiền lương 15 bảng một giờ. Jones là người khuyết tật. Trong năm thứ ba của chương trình tiến sĩ, nguồn tài trợ bị đóng băng khiến cô phải nghỉ một tháng sau phẫu thuật. Không lâu sau, Jones phải bỏ nhà đi vì bạo lực gia đình. Cô không có khả năng đặt cọc hay thuê nhà.

"Đó là thời gian thực sự khó khăn, khi vừa phải dạy, vừa phải nghiên cứu mà lại chẳng có nơi nào để ở. Tôi bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) nghiêm trọng", Jones kể.

Cuối cùng, Jones hoàn thành bằng tiến sĩ trong khi làm hai công việc giảng dạy tại hai nơi. "Tôi vẫn kiệt sức. Tôi giờ là trong những người may mắn khi có hợp đồng ba năm nên ít nhất có thể thư giãn một chút. Nhưng nghĩ đến hai năm rưỡi nữa lại thất nghiệp đã thấy sợ", Jones tâm sự.

Raj Jethwa, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà tuyển dụng của các trường đại học và cao đẳng, nói: "Mặc dù UCU liên tục từ chối cơ hội làm việc với các ứng viên trong lĩnh vực quan trọng này, các ứng viên vẫn nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của ngành vào hợp đồng có thời hạn".

Ông cho biết trong 5 năm qua, các hợp đồng học thuật có thời hạn đã giảm và "phần lớn việc giảng dạy được thực hiện bởi các nhân viên có hợp đồng mở".

"Thật đáng thất vọng khi UCU đang khuyến khích các thành viên của mình thực hiện hành động gây tổn hại cho ngành, làm gián đoạn việc giảng dạy và học tập cho những sinh viên đã phải chịu đựng rất nhiều biến động gần đây", ông Jethwa bình luận.

Viethome (theo Guardian)

Tags:
Đàm Vĩnh Hưng tâm sự xúc động những ngày cận Tết: ‘Vô cùng thèm được sự đoàn viên, sum họp’

Đàm Vĩnh Hưng tâm sự xúc động những ngày cận Tết: ‘Vô cùng thèm được sự đoàn viên, sum họp’

Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ hé lộ chuyện ba mẹ ly dị từ nhỏ và tự nhận mình là ‘thánh khóc’ để ‘cạnh tranh’ với Trấn Thành.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất