Đưa lao động Việt Nam sang Nhật: Mở thêm cửa nhưng sẽ giám sát chặt
Không chỉ dừng lại ở xuất khẩu thực tập sinh, Việt Nam còn đưa lao động có tay nghề, kỹ thuật cao sang Nhật Bản làm việc.
Thận trọng trước những “điều tiếng”
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc ở nước ngoài dưới diện xuất khẩu lao động vượt mức 100.000 lao động. Cụ thể, năm 2018 có 142.860 lao động Việt Nam đi làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống, Việt Nam đã có những nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm cơ hội việc làm tại thị trường tiềm năng Nhật Bản. Nhờ vậy, trong năm 2018, thị trường xuất khẩu lao động đi Nhật Bản đã vươn lên soán ngôi đầu thay vì thị trường Đài Loan như năm 2017.
Thực tập sinh Việt Nam được đào tạo bài bản trước khi ra nước ngoài làm việc. Ảnh:Nguyệt Tạ.
Cũng năm 2018, Việt Nam đã đưa được hơn 68.000 lao động đi Nhật Bản làm việc và con số này ở Đài Loan là hơn 60.000. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc đưa lao động phổ thông sang Nhật Bản làm việc thông qua con đường thực tập sinh kỹ năng, mới đây, Việt Nam đã bắt đầu đưa lao động kỹ thuật cao sang Nhật Bản làm việc.
Trước đó, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua chính sách mới mở rộng cửa chào đón lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản. Theo dự báo, trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tiếp nhận tối đa 345.500 người vào làm việc trong 14 ngành nghề. Đây sẽ là cơ hội tốt cho lao động Việt Nam muốn tìm kiếm các công việc kỹ thuật cao, mức lương hợp lý...
Mặc dù có nhiều thành công trong việc đưa lao động sang Nhật Bản làm việc nhưng thời gian qua hoạt động xuất khẩu lao động ở thị trường này cũng có khá nhiều “điều tiếng”.
Anh N.T.N, 25 tuổi (Thanh Hóa) cho biết, năm 2016, N. học xong trung cấp thú y nhưng về quê không xin được việc làm. Sau thời gian đó, anh có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và được người anh cùng quê giới thiệu đi làm việc ở Nhật Bản. Ban đầu người môi giới cho N đến một công ty du học và nói sẽ lo thủ tục để N sang Nhật. Khi N hỏi về việc sao đi làm lao động (thực tập sinh kỹ năng) mà công ty lại làm hồ sơ cho N đi du học thì họ trả lời là đi du học nhưng thực chất là vừa học vừa làm.
Quá tin lời người môi giới, N đã nộp hơn 150 triệu đồng để được đưa sang Nhật vừa học vừa làm. Thế nhưng tới Nhật, N mới té ngửa vì diện visa của mình sang là đi học và bị khống chế giờ làm thêm. N cũng không được phía công ty phái cử hỗ trợ chi phí lo chỗ ăn, ở... Tiền làm thêm giờ không đủ để N trang trải chi phí sinh hoạt. N và nhiều du học sinh khác còn thường xuyên phải chạy trốn vì bị cơ quan chức năng săn lùng.
Thực tế, việc thực tập sinh kỹ năng và du học cũng như lao động kỹ thuật cao là 3 diện khác nhau. Thế nhưng vì thiếu hiểu biết, nóng vội mà nhiều lao động ở các vùng quê đã trở thành con mồi ngon cho các đối tượng cò mồi, môi giới.
Giấc mơ lương nghìn USD
Hiện nay, ngoài việc đưa lao động thực tập sinh (chủ yếu lao động phổ thông) sang Nhật Bản làm việc, mới đây, bắt đầu từ 1/4/2019 Nhật Bản đã tiếp nhận thêm lao động có tay nghề, kỹ thuật của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, việc hợp tác đưa lao động có kỹ thuật sang Nhật Bản là một cơ hội lớn để Việt Nam. So với thực tập sinh kỹ năng, lao động có tay nghề phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn, điều kiện hơn như: Trình độ tiếng Nhật phải từ N3 trở lên, lao động phải có kỹ thuật cao, trải qua các kỳ thi tiếng Nhật và thi chuyên môn...
Mới đây, để siết chặt việc tuyển dụng, xuất khẩu lao động với đối tượng lao động có kỹ thuật, tay nghề (visa đặc định) phía Nhật Bản và Việt Nam đã ký thỏa thuận MOC. Theo quy định tại MOC, phía Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động "kỹ năng đặc định" người Việt Nam sau khi người lao động đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong "Danh sách xác nhận".
Việc tuân thủ MOC sẽ giúp loại trừ các cơ quan trung gian xấu và các hoạt động trái pháp luật liên quan đến lao động có kỹ năng, tay nghề.
Ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm: “Mọi vấn đề chi phí, đi lại, thi tiếng, thi chuyên môn sẽ do Nhật Bản hỗ trợ và được phía Việt Nam giám sát để tránh những phát sinh bất lợi cho lao động. Văn bản MOC được ký kết để hạn chế những cá nhân, lợi dụng việc thực tập kỹ năng đưa lao động sang làm việc như lao động đặc định”.
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, gọi là xuất khẩu lao động có kỹ năng tay nghề, nhưng các ngành nghề về Nhật Bản tiếp nhận vẫn như vậy. Có 14 ngành nghề cơ bản như: xây dựng; vệ sinh công nghiệp cao, nông nghiệp; may mặc, điều dưỡng, y tá, hộ lý, bác sĩ...
“Các thực tập sinh kỹ năng tham gia chương trình và trở thành lao động đặc định, người lao động sẽ nhận được mức lương và chế độ phúc lợi cũng tốt hơn”, ông Diệp thông tin.
Theo: thegioitiepthi.vn
Con đường thiên thần, Đảo Shodoshima
Đảo Shodoshima (小豆島) là đảo lớn thứ 2 trên Biển Seto thuộc tỉnh Kagawa. Tên đảo có nghĩa là “đảo đậu nhỏ”.