Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản vượt khó giữa đại dịch Covid-19
Theo thống kê của Cục Nhập cảnh – Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến tháng 12/2019 tổng số du học sinh việt Nam là 82.266 người. Số lượng du học sinh theo học các trường tiếng Nhật chiếm 41,8%, số lượng du học sinh học trung cấp nghề chiếm 35,3%, số sinh viên đại học chiếm 18,2%, còn lại là số sinh viên sau đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề và dự bị đại học. Theo thống kê này, số lượng du học sinh Việt Nam xếp thứ 2 sau Trung Quốc và chủ yếu là sinh viên diện tự túc kinh phí.
Các du học sinh Việt Nam đang học tại Trường THPT Chinzei Gakuin (tỉnh Nagasaki).
Với số lượng du học sinh khá lớn, hơn nữa dịch Covid-19 lại bùng phát đúng lúc Nhật Bản kết thúc năm học, chuẩn bị năm học mới vào đầu tháng tư, do đó, khó khăn đối với các bạn du học sinh là không hề nhỏ.
Đối phó với dịch bệnh
Theo Bà Vũ Thị Liên Hương, Phụ trách Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ngay khi nhận được thông báo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tới các công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, Bộ phận Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã gửi thông tin đến du học sinh tại các chi hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), các du học sinh có đăng ký công dân với Bộ phận Giáo dục và các chi bộ sinh hoạt Đảng tại Nhật Bản và một số trường tiếng Nhật. Các du học sinh đã đăng tải và chia sẻ thông tin trong toàn khoá để các bạn nắm được tình hình và thực hiện các khuyến cáo.
Do Nhật Bản quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học vào áp kỳ nghỉ Xuân, đúng lúc sinh viên không cần phải đến lớp. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đã gây ảnh hưởng tới việc học tập, sinh hoạt của du học sinh Việt Nam khi các hoạt động như field trip, study trip bị ngừng.
Một số sinh viên hiện đang về Việt Nam để thực hiện nghiên cứu. Việc bay trở lại Nhật của các sinh viên bắt buộc không được bay qua hoặc quá cảnh các nước đang thuộc vùng dịch Trung Quốc, (gồm cả Thượng Hải và Hồng Kông), Hàn Quốc, Pháp, Italy và Iran…
Bởi lý do trên, theo Bà Liên Hương, một số ít gia đình du học sinh ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh mong muốn cho con em về nước do lo lắng dịch bệnh. Tâm lý của gia đình du học sinh khu vực phía Bắc thì ổn định hơn. Các du học sinh vẫn đi làm thêm bình thường.
Đối với du học sinh nhập học kì tháng 4/2020 sẽ nhập học bình thường theo kế hoạch đã định. Hiện nay, Nhà nước ta cũng khuyến cáo không nên đi lại nên đa số các em du học sinh trường tiếng Nhật không về, các em có dự định về nước thăm gia đình thì đã huỷ vé không về nữa. Một điều đáng mừng là đến nay chưa nhận được thông tin nào về việc công dân Việt Nam (bao gồm cả du học sinh) bị nhiễm Covid 19.
Các trường Nhật Bản giúp gì cho học sinh Việt Nam?
Bà Vũ Thị Liên Hương cho biết, các trường học tại Nhật Bản đã tích cực chủ động hướng dẫn cho học sinh như đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, đồng thời trang bị nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt cho học sinh khi đến lớp.
Bà Vũ Thị Liên Hương (ngoài cùng bên phải), Phụ trách Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Một số trường, như trường Đại học quốc tế Nhật Bản, đã chủ động dùng các biện pháp như yêu cầu đeo khẩu trang và dùng nước rửa tay trước khi vào lớp. Thông tin cập nhật giữa trường và du học sinh rất kịp thời. Trường hợp sinh viên ốm hoặc có biểu hiện bất thường, trường đề nghị ở tại phòng và gọi đường dây nóng khi cần thiết.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập đường dây nóng (bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tây Bản Nha, tiếng Việt) tại các khu vực tỉnh/thành phố để giải đáp và hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh Covid 19.
Chính phủ Nhật Bản sẽ gia hạn thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận thị thực cho người nước ngoài đến Nhật Bản làm việc hoặc đi du học. Thời hạn của giấy chứng nhận là 3 tháng sẽ được kéo dài 6 tháng do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thời gian áp dụng từ ngày 10/3/2020.
Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) đã có thông báo, hướng dẫn chung về tình hình dịch Covid -19. Tùy theo tình hình dịch bệnh cụ thể ở từng địa phương và khu vực thì Ủy bản giáo dục và các cơ quan liên quan sẽ đề xuất với Chính quyền các tỉnh/thành phố quyết định về việc cho các trường tiểu học, THCS, THPT trong khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh nghỉ hay không và nghỉ trong bao lâu.
Các trường Đại học tự chủ và quyết định việc cho trường học của mình nghỉ hay không. Hầu hết các trường đại học đều đang trong thời gian nghỉ xuân nên không phải lùi lịch học. Hiện chưa có thông báo gì về thay đổi hay lùi lịch học. Sinh viên vẫn có thể lên thư viện, lên phòng tự học. Thư viện cũng triển khai đăng ký mượn sách trực tuyến để hạn chế phải lên trường.
Một số ít trường đại học như trường đại học quốc tế Nhật Bản (IUJ) và trường đại học Hitotsubashi đã bắt đầu kỳ học và trường có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào lớp; sinh viên ốm hoặc có biểu hiện nghi ngờ thì ở tại phòng và gọi đường dây nóng. Trường đại học APU nhập học vào giữa tháng 3 nhưng cũng lùi lịch học đến đầu tháng 4 và cho học sinh học online.
Đối với các trường tiếng Nhật thì hiện nay hầu hết các trường cho học sinh nghỉ đến giữa tháng 3 và một số trường tổ chức học online. Từ trước đến nay chưa có học sinh các trường tiếng Nhật xin bảo lưu vì thời gian học tiếng tối đa là 2 năm nên các trường tiếng Nhật chưa có quyết định rõ ràng.
Học online tại nhà
MEXT đăng tải thông tin trên trang web về thông tin các đường dẫn cho học sinh có thể học online ở nhà thông qua internet và máy tính bảng.
Dựa trên hướng dẫn đó, nhiều trường học đã thực hiện học online tại nhà. Trường THCS ở thành phố Nagasaki thuộc tỉnh Tsushima hướng dẫn việc học 5 tiếng trong một ngày tại nhà, trong đó có 4 tiết học (60 phút x 4) trường sẽ gửi bài tập qua mạng, học sinh làm bài tập các môn do giáo viên phụ trách gửi và đến thời gian quy định phải gửi hình ảnh kết quả bải tập đã làm. Giáo viên phụ trách môn học sẽ kiểm tra kết quả và gửi đánh giá qua mạng.
Trường THPT Tottori Keiai Sử dụng dịch vụ hỗ trợ học tập trên internet. Mỗi buổi sáng, trước 9h sáng giáo viên gửi tin nhắn cho học sinh. Trước 10h sáng học sinh phải đăng nhập vào dịch vụ và gửi tin nhắn cho giáo viên phụ trách để xác nhận việc tham dự học và thông báo tình hình sức khỏe. Nhà trường cung cấp video về bài giảng do giáo viên thực hiện liên quan đến các môn học như giáo dục thể chất, nghệ thuật, thông tin, gia đình. Mục đích của việc dạy online này là để kết nối giáo viên và học sinh trong thời gian nghỉ học tại trường.
Trong tình hình hiện nay, theo Bà Vũ Thị Liên Hương, du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản có nguyện vọng mong chính phủ có các hỗ trợ về nguồn cung cấp khẩu trang, nước rửa tay cho các du học sinh. Bởi vì, hiện nay tại Nhật Bản các mặt hàng này đang rất khan hiếm.
Nguồn: vov.vn
Nhiều trường đại học ở Nhật hỗ trợ hàng triệu đô cho các sinh viên vì dịch.
Trước sự lây lan của Covid mới, Đại học Tohoku đã tuyên bố vào ngày 23 tháng 4 rằng, họ sẽ lập một quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho sinh viên của trường với tổng số tiền khoản 400 triệu yên.