Đời người chẳng qua cũng chỉ là một bát cơm

Đời người chẳng qua chỉ là một bát cơm, thành hay bại chỉ vì một ý niệm.

Một ngày, có hai chàng trai trẻ đến bái kiến vị thiền sư, muốn lắng nghe lời khuyên của ngài về những thăng trầm và áp lực trong công việc mà họ gặp phải.

Họ nói với thiền sư rằng, mỗi ngày đi làm là một ngày vô cùng đau khổ đối với họ, hết bị cấp trên chèn ép, lại bị đồng nghiệp bắt nạt. Vì không biết có nên nghỉ việc hay không nên họ đã tìm đến thiền sư nhờ ngài chỉ giáo, giúp họ tìm ra hướng đi thích hợp nhất.

Thiền sư chỉ liếc nhìn họ một cái rồi phất tay nói: “Chẳng qua cũng chỉ là một bát cơm”, rồi nhắm mắt và không nói thêm gì nữa.

Hai người trẻ tuổi sau khi nghe lời chỉ dạy của thiền sư, dường như đã hiểu ra điều gì đó. Họ trở về công ty, một người quyết định về quê làm nông, người còn lại quyết định tiếp tục ở công ty làm việc.

Chớp mắt 10 năm trôi qua, người nghỉ việc về quê làm nông giờ đã là một chủ trang trại lớn. Anh áp dụng những kiến thức trước đây vào việc quản lý trang trại và phát triển thêm nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, trở thành một chuyên gia nông nghiệp đầy triển vọng.

Người còn lại tiếp tục ở công ty làm việc, nhẫn nhịn và kiên trì học hỏi. Không lâu sau, anh được cấp trên đánh giá cao, không ngừng thăng tiến, cuối cùng anh cũng thăng lên chức tổng giám đốc của công ty.

Một ngày nọ hai người gặp lại, họ trò chuyện và cùng nhau chia sẻ về quá trình nỗ lực trong những năm qua. Chuyên gia nông nghiệp hỏi vị tổng giám đốc: “Thiền sư năm đó dạy rằng: ‘Chẳng qua chỉ là một bát cơm’. Tôi nghe xong liền hiểu, ngày tháng khó khăn thế nào đi nữa cũng chỉ là miếng cơm, vì thế không cần ép bản thân mình phải ở lại công ty, mà nên tự tạo cho mình sự nghiệp. Nhưng cậu tại sao lại không nghe lời thiền sư?”.

Vị tổng giám đốc nghe xong liền cười nói: “Tôi nghe đại sư nói: ‘Chẳng qua chỉ là một bát cơm’, nên mỗi khi phải chịu khinh bỉ, chịu nhiều rắc rối, tôi chỉ cần nghĩ: Cùng lắm cũng chỉ là để kiếm miếng cơm ăn, cho nên dù ông chủ mắng mỏ, dù đồng nghiệp nói điều gì khó chịu, chỉ cần mình bớt giận, bớt so đo là được rồi. Thiền sư chẳng phải là có ý này hay sao?”.

Mặc dù cả hai người đã đưa ra cách hiểu của mình, nhưng vẫn cảm thấy có chút ngờ vực nên họ quyết định lại đi gặp thiền sư một lần nữa.

Lúc này thiền sư tuổi tác đã cao, ông thậm chí còn không thể mở mắt, chỉ nhắm mắt nói: “Chẳng qua chỉ là sai khác ở một niệm”.

Sau đó thiền sư lại phất tay ý bảo hai người rời đi. Nhưng lần này cả hai lại nhìn nhau cười, dường như họ đã hiểu được ngụ ý của vị thiền sư.

Thì ra cùng một câu nói, nhưng cách nghĩ khác nhau, thể ngộ khác nhau sẽ dẫn đến kết quả không giống nhau. Sự khác biệt ở đây không phải là nói với người khác ra sao, mà là người ta lĩnh hội câu nói đó như thế nào.

Một người không hài lòng với môi trường sống, nghe đến câu: “Chẳng qua chỉ là một bát cơm” liền cảm thấy không cần phải tự làm khổ bản thân mình, nghỉ việc là xong. Nhưng người muốn khổ trước sướng sau, nghe thấy câu nói này liền cảm thấy có thể tiếp tục nhẫn nhịn, làm việc tiếp.

Trong cuộc đời, điều khiến chúng ta thống khổ là bởi quá chấp nhất vào một suy nghĩ nào đó hay trong lòng có một nút thắt không mở ra được. Một khi buông bỏ được chấp nhất ấy, thay đổi cách nghĩ, thay đổi góc nhìn thì thống khổ kia liền biến mất, một cánh cửa mới cũng mở ra.

Cuộc sống luôn có những lúc không thuận lợi. Trong giờ phút bế tắc nhất, nếu chúng ta có thể buông bỏ chấp nhất, thay đổi suy nghĩ, thì ngõ cụt lại có thể biến thành con đường mới rộng rãi thênh thang.

Theo: vandieuhay.net

Tags:
Nhật Bản: Khám chữa bệnh trực tuyến lên ngôi

Nhật Bản: Khám chữa bệnh trực tuyến lên ngôi

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã buộc Nhật Bản nới lỏng các quy định về khám chữa bệnh trực tuyến, tạo cơ hội cho các công ty công nghệ và mở ra hy vọng cho tương lai ngành y tế tại quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất