Điều gì khiến người già ở Nhật không chọn sự an nhàn sau khi về hưu?

Chắc hẳn chúng ta đã không còn xa lạ với hình ảnh một đất nước Nhật Bản kiên cường, vùng lên với cách là một người bại trận sau Thế chiến thứ 2. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự cống hiến hết mình thì người dân xứ Phù Tang đã đưa đất nước trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.

May mắn được tiếp xúc với những người Nhật Bản thuộc thế hệ trước, tôi hay được nghe những câu chuyện kể về một thời lao động hăng say không biết mệt mỏi của họ và cho đến giờ dù đã về già, nhưng sự hăng say ấy dường như vẫn không bị lão hóa theo thời gian…

Làm việc để không bị già nhanh và không phiền con

Và quả thực như vậy, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp hình ảnh những người lao công sáng sớm nhặt từng chiếc lá quét sót trên hè đường, mà đáng lẽ ở Việt Nam thì họ đã ở cái tuổi lão làng, được sum vầy bên con cháu.

Trong ca làm đêm tại một xưởng đồ ăn, tôi bắt gặp những đôi tay thoăn thoắt đang thái rau, gọt hành, xếp những hộp cơm một cách ngay ngắn và cẩn thận của các bác người Nhật mà tôi tin chắc rằng sẽ không có một con robot nào có thể được lập trình và làm việc nhiệt huyết đến vậy.

Tôi đã từng hỏi rằng tại sao bác lại đi làm ở tuổi này vì bác đã có cả đời cống hiến cho công việc rồi. Bác chỉ cười và kể rằng con bác ở xa, nên nếu bác không lao động, con người sẽ già đi nhanh lắm, với lại bác không muốn phiền tụi nhỏ, mà nếu chỉ dựa vào lương hưu thôi thì nhiều lúc cũng không đủ sinh hoạt. Là như vậy đó, đã là lao động thì đâu phân biệt tuổi tác, giới tính hay sắc tộc, nhìn bác mà tôi như được tiếp thêm năng lượng cho ca làm đêm tưởng chừng như bất tận này.

Không khó để bắt gặp những tin tức về một nước Nhật có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đất nước nổi tiếng với những kỷ lục thế giới về người cao tuổi đã và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng người lao động trẻ cũng như nguy cơ vỡ quỹ lương hưu.

Theo thống kê vào giữa năm 2018, người cao tuổi chiếm 28,4% dân số Nhật Bản tương đương với 12,9% lực lượng lao động trong xã hội. Theo dữ liệu được công bố bởi Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, số lượng công dân từ 65 tuổi trở lên ở nước này là 35,88 triệu người, tăng 320.000 so với một năm trước đó và đứng đầu thế giới về tỷ lệ người cao tuổi.

Bên cạnh đó người Nhật từ 90 tuổi trở lên đã đạt mốc 2,31 triệu người, trong đó có hơn 71.000 người trăm tuổi. Viện nghiên cứu An ninh Xã hội và Dân số quốc gia cho rằng người già Nhật Bản sẽ chiếm khoảng 30% dân số vào năm 2025 và 35,3% vào năm 2040.

Là một cường quốc về kinh tế, có nền khoa học- kỹ thuật phát triển vượt trội, Nhật Bản lại đang phải đối mặt với thách thức về sự thiếu hụt lao động trẻ. Theo thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ người cao tuổi có việc làm đã tăng trong năm thứ 15 liên tiếp. Và trong số 8,62 triệu người cao tuổi có việc làm thì 3,50 triệu là phụ nữ.

Các ngành tuyển dụng chủ yếu của người cao tuổi là ngành bán buôn và bán lẻ với 1,27 triệu lao động cao tuổi, tiếp theo là nông – lâm nghiệp với 1,07 triệu lao động. Quốc gia này đang phải phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào người cao tuổi và coi họ như là một lực lượng lao động chính.

Các biện pháp đã được Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng đề ra để giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong bối cảnh xám xịt của sự già hóa dân số. Các công ty được Chính phủ khuyến khích thuê lao động cho đến khi họ 70 tuổi và hỗ trợ nhân viên nghỉ hưu tìm việc làm mới, mở công ty riêng hoặc làm việc tự do. Mặc dù vậy, Nhật Bản dự kiến sẽ vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt 6,44 triệu lao động vào năm 2030, theo ước tính của Công ty tư vấn và nghiên cứu Persol và Đại học Chuo.

Với người Nhật Bản nói chung và người già ở Nhật nói riêng, công việc chưa bao giờ là một gánh nặng mà ngược lại còn là một sự tự hào khi được cống hiến, là một niềm vui trong cuộc sống khi cảm thấy mình không vô dụng. Nguyên nhân người già đi làm thêm là do họ muốn đi làm cho đỡ buồn chán và còn là một cách để rèn luyện sức khỏe. Họ đi làm vẫn là vì họ muốn được làm việc và không thích nhàn rỗi. Đối với họ, sự nhàn rỗi như một liều thuốc độc giết chết họ còn nhanh hơn thời gian trôi.

Câu chuyện về cái điều hòa, chiếc rèm cửa và nỗi buồn ẩn giấu

Có một thực trạng về những người cao tuổi ở Nhật Bản sống trong cô độc có tên là Kodokushi hay còn gọi là những cái chết cô đơn, phản ánh thực tế xã hội Nhật Bản, những người già phải sống trong cô độc và khi chết đi thì không một ai hay biết. Thi thể của họ chỉ được phát hiện trong một thời gian dài sau đó.

Tòa nhà chung cư Tokiwadaira tại Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng vì những cái chết cô đơn của người già sinh sống nơi đây. Trường hợp đầu tiên của “cái chết cô độc” ở Nhật Bản đó là câu chuyện về thi thể của một người đàn ông 69 tuổi nằm trên sàn nhà suốt ba năm mà không ai hay. Tiền thuê nhà và điện nước được trừ tự động hàng tháng từ tài khoản ngân hàng của ông. Cuối cùng đến năm 2000, khi sổ tiết kiệm của ông không còn đồng nào nữa thì cảnh sát mới đến nhà và phát hiện ra thi thể nằm trên sàn bếp đã bị giòi bọ đục khoét.

Tôi đã từng được đọc một bài báo kể về một người phụ nữ đã 90 tuổi phải sống trong cô đơn suốt hơn một phần tư thế kỷ sau khi chồng và con gái bà đã lần lượt qua đời vì căn bệnh ung thư. Mặc dù còn một người con gái nữa, nhưng cô ấy đang sống riêng với gia đình còn bà thì lại không muốn mình trở thành một gánh nặng cho cô con gái.

Bà kể rằng mình hay nhờ người hàng xóm sống ở tòa nhà đối diện nhìn một lần mỗi ngày sang cửa sổ căn hộ của mình. Bà nói vì mình có thói quen đóng rèm vào 6h chiều và mở nó vào lúc 5h40 sáng sau khi thức dậy, nên: “Nếu rèm không mở vào buổi sáng có nghĩa là tôi đã chết”.

Khi người hàng xóm đồng ý giúp, bà đã vô cùng sung sướng và bắt đầu tặng quà gia đình họ vào những khi có thể để tạ ơn. Thậm chí, bà còn để lại một số tiền để dọn dẹp căn hộ sau khi bà ra đi trong tương lai không xa. “Những người xung quanh tôi đã chết, từng người một và tôi là người duy nhất còn lại. Nhưng mỗi khi nghĩ về cái chết, tôi đều thấy sợ hãi”, bà cho hay.

Những ngày đầu khi mới qua Nhật, tôi đã vô cùng khó hiểu về cơ chế hoạt động của chiếc điều hòa khi nó được mặc định chỉ hoạt động trong 4 tiếng rồi sẽ tự động tắt. “Có lẽ là để tiết kiệm điện”, tôi đã nghĩ như vậy cho đến khi được giải thích rằng điều hòa chỉ hoạt động trong 4 tiếng rồi tắt là để hạn chế việc những người già chết một mình trong căn hộ của họ mà không ai hay biết (do điều hòa có thể khử đi mùi hôi của xác chết). Quả thực, khi đối diện với cái chết có lẽ không ai là không sợ hãi, nhưng việc phải trải qua cái chết một mình và cô đơn thì còn đáng sợ hơn rất nhiều nữa.

Có lẽ, chính vì những câu chuyện đầy ám ảnh như thế đó mà nhiều người già ở Nhật đã không chọn sự an nhàn sau khi về hưu. Thay vào đó, họ vẫn tiếp tục lao động miệt mài và hăng say. Họ tham gia vào tất cả các ngành nghề trong xã hội, từ phục vụ siêu thị, đến lao công vệ sinh, lái taxi hay thậm chí còn cả những việc lao động chân tay nặng nhọc trong các nhà xưởng.

Không chỉ có mặt ở bên diện lao động phổ thông, hiện tại nhiều cá nhân từng có vị trí cao trong bộ máy công khi về hưu vẫn làm cố vấn cho các tập đoàn lớn là một điều dễ gặp ở Nhật. Với mong muốn góp phần xây dựng quan hệ quốc tế, nhiều tổ chức là cầu nối Việt – Nhật đã được thành lập bởi chính các người cao tuổi sau khi về hưu.“Gừng càng già càng cay” có lẽ đúng trong trường hợp này.

Và với tôi, khi ở xứ Phù Tang cổ kính này, tôi đã thực sự thấy hình ảnh của những võ sĩ Samurai kiên cường, quyết không bao giờ chịu khuất phục ở những con người tuy già nhưng sẽ không bao giờ đầu hàng trước dòng chảy của thời gian…

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam

Tags:
Livestream leo núi Phú Sĩ, người đàn ông trượt té rồi mất tích

Livestream leo núi Phú Sĩ, người đàn ông trượt té rồi mất tích

Cảnh sát Nhật Bản cử đội cứu nạn và trực thăng lên núi Phú Sĩ sau khi một người leo núi đang livetream gần đỉnh thì bất ngờ trượt té và mất tích.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất