Đi xuyên rừng trúc tới không gian cổ xưa ảo huyền của Kyoto
Còn bất hạnh là gì? Là phải ăn cơm Anh, ở nhà Nhật, lĩnh lương Tàu, lấy vợ Mỹ”. Chính vì thế nếu mục đích chỉ là đi thăm đền đài ở Nhật rồi chụp ảnh “check-in” như nhiều nước khác có thể gặp phải thất bại vì ngay cả nơi đẹp nhất Osaka là lâu đài Osaka, biểu tượng của thành phố, cũng sẽ mang lại nhiều thất vọng.
Mấy hôm sau tôi thấy lâu đài Hiroshima thậm chí còn xấu hơn thế. Lý do kiến trúc Nhật xấu đến nỗi đi vào trong sách cười có lẽ là vì họ sống ở vùng vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào nên khi người Nhật xây nhà, họ cố gắng bỏ bớt các chi tiết rườm rà để tránh gãy đổ.
Những nhân tố làm đẹp cho kiến trúc như ban công, phù điêu, lan can, bình phong cũng không xuất hiện trong bản vẽ của các kiến trúc sư hàng ngàn năm nay. Cánh cửa cũng không có nốt mà làm vách kéo dán giấy cho an toàn. Họ cũng ưu tiên cho các vật liệu nhẹ, không gian riêng tư giữa các phòng cũng được ngăn cách bằng vách mỏng chứ khỏi phải tường gạch cho nguy hiểm.
Lối sống tối giản, thói quen gọn gàng
Lối sống tối giản và thói quen gọn gàng, tính cách kỷ luật của người Nhật có lẽ cũng nảy sinh từ thiên nhiên khắc nghiệt này. Vào một ngôi nhà truyền thống của người Nhật còn lâu mới tìm thấy lủng củng những đèn chùm, lọ lộc bình, tượng bán thân, giá sách cao nghệu hay tủ giả cồng kềnh. Giường cũng chả có nốt, mà nằm đất kê nệm hoặc chiếu tatami. Tất cả chỉ nhằm một mục đích là đề phòng có động đất 7 độ richter thì đồ đạc không đè lên người, nên nhà cửa mới thanh cảnh vậy. Đến nghệ thuật cắm hoa Ikebana cũng trang nhã một cành con, vài chiếc lá, thêm nụ hoa chứ không dám chơi cành đào tướng cắm trong chiếc lọ cao ngang người như xứ ta.
Kiến trúc Nhật Bản không đẹp, nên ai đó đến Nhật cũng đừng hy vọng dạo phố mà ngắm cảnh như xênh xang giữa Paris. Nếu qua những nước khác, đặc biệt là ở châu Âu, dân nghiền ảnh cứ đi chục mét lại bấm máy một lần thì sang tới Nhật hẵng cất máy vô kỹ trong túi cả tuần cũng được. Xứ sở Mặt trời mọc hấp dẫn du khách là ở văn hóa độc nhất vô nhị, và cả con người nữa, thành thử tôi luôn muốn quay lại Nhật Bản bất cứ khi nào có thể.
Tuy nhiên, sau khi đi hết 8 thành phố trên nước Nhật thì cố đô Kyoto lại khiến tôi mê đắm hơn cả. Nếu như Osaka, Kobe hay Yokohama buồn thiu thì hãy thử nhìn khu phố chính của Kyoto mà xem, bạn sẽ phấn chấn trông thấy bởi sự tấp nập và vui vẻ của nó, với hàng trăm tiệm hàng và quán xá rực sáng ánh đèn, chưa kể đi bộ thêm mươi phút sẽ thêm ngỡ ngàng bởi cây cầu yêu kiều bắc ngang qua dòng sông Kamogawa. Hai đầu cầu có những nhà hàng cổ kính đẹp như một nhà hát châu Âu tí hon. Ánh sáng từ các vách tường xa xỉ ấy phủ xuống bờ sông đang lóng lánh trăng suông.
Khoảnh khắc yên bình ở sông Kamogawa, Kyoto
Thành phố thoát chết chỉ vì đẹp
Tôi vịn tay vào thành cầu mát lạnh với một ao ước được bất động mãi ở đó. Ai bảo đẹp không lợi ích gì chớ? Kyoto đã từng thoát chết chỉ vì đẹp. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, những ông diều hâu ngồi trong Nhà Trắng từng tính đến chuyện thả bom xuống Kyoto để ép Nhật đầu hàng nhưng Bộ trưởng chiến tranh Henry L. Stimson đã kiên quyết phản đối. Sau này người ta tìm ra lý do là vì Stimson từng… đi nghỉ tuần trăng mật ở Kyoto nên rất hâm mộ thành phố xinh đẹp này.
Quả vậy, lúc ấy Truman và đội ngũ diều hâu của ông còn chưa được du lịch Kyoto mà thôi. Nếu từng một lần đi lướt qua Kyoto, chỉ cần lướt qua thôi, thì ai nỡ xóa sổ cây cầu lãng mạn này, cả 2.000 ngôi đền trong khuôn viên yên ả, sang trọng như vườn thượng uyển và quận Arashiyama cổ tích.
Nhẽ vài chục năm sau nữa, nếu có ai hỏi tôi về một con đường đáng nhớ nhất thì trong ký ức của tôi, ngoài khu phố cổ trải đá hộc với những tiệm nước hoa nhỏ tí xíu ở Macau, ngoài lối mòn xanh mướt dẫn lên pháo đài người Moor ở Sintra, cả những con đường xuyên cánh đồng nho bát ngát trên đảo Santorini thì còn có con phố dài mà nhỏ xíu dẫn từ nhà ga quận Arashiyama về đến cổng đền Tenryu-ji, rồi từ đó luồn qua rừng trúc.
Lâu lắm rồi tôi không còn gặp gì đáng yêu đến thế. Những ngôi nhà tí hon hai bên đường, với những bậc thang tí hon, hàng hiên tí hon, cửa ra vào tí hon và cả lối đi trải sỏi tí hon dẫn vào một khu vườn tí hon xanh mướt thấp thoáng sau hàng rào. Người Nhật thời xưa có nhẽ chiều cao khiêm tốn nên nhà cửa mới thành ra bé tí ra thế. Giờ họ cao dễ gấp rưỡi rồi nhưng vẫn ưa sự nhỏ nhắn và xinh xắn như thuở cha ông.
Xen giữa những ngôi nhà hiện đại mà dễ thương, có cả các tư dinh cổ im ỉm đằng sau cánh cổng gỗ nâu với kiến trúc bất di bất dịch của cửa hai lớp, lớp ngoài bao giờ cũng làm bằng gỗ thưa để vừa thoáng gió vừa an toàn. Rải rác trong tiếng chuông gió là những cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm tinh xảo, cơm hộp Bento, một quầy kem trà xanh ốc quế ngon nhất thế giới và mấy tiệm cho thuê Kimono.
Kyoto cổ kính
Khách sạn hiện đại như phim viễn tưởng
Khắp thành phố Kyoto này người ta kinh doanh dịch vụ cho thuê trang phục và phụ kiện truyền thống. Ở đâu cũng thấy, đặc biệt là các trung tâm du lịch hoặc gần khu Geisha. Các cô gái Nhật thuê một bộ Yukata hoặc Kimono sặc sỡ rồi được chủ hàng giúp bới tóc, thêm mấy phụ kiện cầu kỳ và đôi guốc gỗ xỏ ngón cao nghệu, họ sẽ đi khắp các điểm tham quan rồi chụp ảnh thỏa thích trong vòng 6 tiếng, nhưng giá thuê tới 50USD. Vì thế trên con đường đã rất cổ xưa này, tôi hay nghe tiếng lộc cộc vui tai, chẳng cần ngoái sang cũng biết có vài Kimono xinh đẹp sắp vượt lên, giá thử lúc ấy có thêm vài tướng quân Shogun mang kiếm Katana đi bên cạnh nữa thì tôi cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên.
Các nàng Kimono hay đứng trong rừng trúc Sagano chụp ảnh. Trên lối mòn u tối, Kimono đỏ tươi nổi bật trên nền trúc xanh lục, khác nào đang đóng phim. Cây trúc cao vút, chen chúc nhau mà đẩy ánh nắng quay trở lại bầu trời. Thành thử thâm u này càng kích thích trí tưởng tượng hư ảo cùng những người đi xuyên rừng. Đứng giữa lối mòn ẩm ướt ấy, mùi trúc, màu trúc và lao xao lá trúc bao phủ lấy năm giác quan tôi. Tôi đang ở giữa những xanh mướt Nhật Bản.
Nhà văn Di Li
Trái ngược với không gian cổ xưa ảo huyền của Kyoto, khách sạn tôi ở lại hiện đại như phim viễn tưởng. Nine Hours Kyoto là một nhà nghỉ con nhộng, đặc sản của Nhật Bản. Nó nằm ngay trục đường chính rẽ vào. Toàn bộ sảnh chờ và quầy lễ tân bằng đá trắng toát, từ tường nhà, trần nhà cho đến tủ, bàn, ghế. Chúng tôi mỗi người được phát một thẻ từ để sử dụng tủ cá nhân trong buồng tắm tập thể. Trong mỗi tủ có sẵn một bộ pijama, khăn tắm, bàn chải…
Một khi tất cả thành viên đoàn đã chui vào “buồng ngủ” thì tôi chịu không biết ai là ai trong những ô con nhộng tròn xoe giống hệt nhau ấy. Mỗi một phòng sẽ có chừng 20 con nhộng, chia làm hai tầng, bên trong khá rộng rãi, sạch sẽ và ấm cúng với các thiết bị đèn sáng, đèn đọc sách, đồng hồ báo thức. Tôi ngủ ngon trong cái con nhộng vô tính ấy!
Theo: anninhthudo.vn
Mấy ai biết lãnh chúa vĩ đại Nhật Bản Takeda Shingen lại có nỗi ám ảnh lớn với cái Toilet
Nhật Bản là quốc gia thống nhất được hình thành bởi 47 tỉnh thành. Ngày nay toàn nước Nhật chịu sự điều chỉnh của một hệ thống pháp luật.