Đang là sếp lớn ở Việt Nam, anh trai bỏ hết để qua Mỹ sống: Thất nghiệp, từng ra chợ bán hàng
Gần đây, mình theo dõi trên kênh YouTube Ở đây có người Việt thì biết đến câu chuyện của anh Lê Nguyễn (42 tuổi) thấy xúc động vô cùng. Anh từng có địa vị, tiền bạc, sự nghiệp ở Việt Nam nhưng đã cược một ván để sang xứ cờ hoa làm lại từ đầu với nhiều thử thách.
Đến nay, anh Lê Nguyễn đã sang Mỹ sinh sống, lập nghiệp được 10 năm. Theo chia sẻ, anh hiện có công việc ổn định và tổ ấm viên mãn ở Houston (Mỹ). Tuy vậy, để có được cơ ngơi và gia đình như hiện tại, anh Lê Nguyễn đã trải qua muôn vàn thách thức, thậm chí là từng có lúc “thập tử nhất sinh”.
Hồi năm 2012, anh Lê Nguyễn đang là sếp lớn của một công ty công nghệ tại Việt Nam. Anh có mức lương cao, ổn định và thường xuyên đi công tác ở nước ngoài. Với những điều kiện đó, anh hoàn toàn có thể sống thoải mái, dư dả và lo được cho gia đình.
Tuy vậy, anh đã quyết định gác lại hết để bắt đầu cuộc sống mới ở Mỹ khi con của anh được 3 tuổi. Thời gian đầu ở xứ người, do còn lạ lẫm nên gia đình anh gặp không ít khó khăn. Điều đáng nói, anh đang là “sếp lớn” khi ở Việt Nam nhưng qua Mỹ lại thành… thất nghiệp. Anh đã gửi 100 hồ sơ đi khắp nơi để xin việc nhưng đều bị từ chối.
Không thể để thất nghiệp lâu dài, anh chấp nhận xin bán hàng ở chợ để kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Ở trong hoàn cảnh này mới thấy rất nể nghị lực, bản lĩnh của anh Lê Nguyễn. Anh chấp nhận gạt qua lòng tự ái, cũng như quá khứ là “sếp lớn” để bắt đầu bằng công việc chân tay, lam lũ ở chợ để kiếm tiền nuôi con.
"Lúc đầu, tôi nghĩ rằng sang Mỹ sẽ làm công việc tương đương nhưng nộp cả trăm đơn xin việc mà không một công ty nào gọi hết. Đứng bán hàng ở quầy mà tôi tủi thân vô cùng nhưng nghĩ mình phải hòa nhập thôi", anh tâm sự.
(Ảnh chụp màn hình kênh YouTube Ở đây có người Việt)
Không chỉ khó khăn ở công việc, anh còn gặp trục trặc chuyện hôn nhân và cuối cùng đã ly hôn. Từ một người đàn ông được xem là thành đạt, có gia đình đủ đầy ở Việt Nam, anh phải chấp nhận thực tế và bắt đầu mọi thứ từ con số 0.
"Không gia đình, không công việc và không người tri kỷ".
Anh đã bắt đầu cuộc sống ở xứ cờ hoa như thế đấy! Tuy nhiên, thay vì buông xuôi thì anh đã bắt đầu vực dậy bằng cách đi học thêm tiếng Anh bản địa để dễ dàng giao tiếp. Anh học thêm nghề y tá để có cơ hội tìm việc làm nhưng sau một thời gian đã chuyển qua học kinh doanh bất động sản.
Khi không còn lựa chọn nào khác là phải cố gắng, nỗ lực hết sức mình, anh Lê Nguyễn đã dần thích nghi và tìm được hy vọng khi sống ở Mỹ. Công việc của anh dần thuận lợi và gặt hái nhiều thành công. Không chỉ vậy, anh còn “chốt đơn” được cô vợ và đó từng là khách hàng mua nhà của anh.
(Ảnh chụp màn hình kênh YouTube Ở đây có người Việt)
Tưởng chừng mọi thứ đã khởi sắc, anh Lê Nguyễn lại bất ngờ đón nhận tin dữ khi công việc và gia đình đang suôn sẻ, hạnh phúc. Chuyện là, khi con của anh được 6 tháng tuổi thì anh phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo, cần ghép thận gấp. Phải nói là dường như cuộc đời bày ra nhiều thử thách với người đàn ông này và buộc anh phải nỗ lực hết mình để vượt qua. May mắn, anh được một người hiến tạng và thoát cửa tử sau nhiều phen nguy cấp.
"Thời điểm phải đi lọc máu thì Covid-19 bùng phát, vợ rất sợ tôi bị thêm bệnh. Phòng ICU là căn phòng được ví là "đường một chiều bước vào không bước ra", tôi vào đó 2-3 lần. Lúc phát hiện em bé thứ 2 được 1 tuần thì tôi thực hiện phẫu thuật thay thận. Qua được tất cả rất là mừng, vợ chồng chỉ mong có thật nhiều sức khỏe", anh Lê Nguyễn chia sẻ.
Theo dõi câu chuyện của anh Lê Nguyễn, mình càng thêm thấm thía là cuộc sống của nhiều người Việt xa quê chưa chắc đã giàu có, sung sướng, đủ đầy mà họ đã phải vất vả tập thích nghi, chăm chỉ làm việc, vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hóa cũng như không ngừng nỗ lực. Nếu những ai đủ bản lĩnh, kiên trì vượt qua những khó khăn ban đầu thì phần lớn sẽ gặt hái quả ngọt về sau. Ở đâu cũng vậy, dù là Việt Nam hay sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng đòi hỏi sự cần cù, chăm chỉ để cuộc sống mỗi ngày một khấm khá hơn.
Luật mới ảnh hưởng đến nghề nail của người Việt, tiệm nail không được phép làm khoán như hiện nay
Quốc Hội tiểu bang California thông qua một đạo luật bắt các công ty như Uber và Lyft phải coi những người tài xế tham gia thương vụ của hãng như những công nhân chứ không như những “cộng tác viên” làm khoán nữa.