Cuộc sống của Nhật hoàng và Hoàng hậu sau khi thoái vị
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tại bãi biển ở Kanagawa hồi tháng một. Ảnh: AFP.
Hàng năm, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tham gia hoặc chủ trì hàng trăm nghi lễ, tiệc chiêu đãi, sự kiện biểu diễn và tiếp đón các lãnh đạo, quan khách đến yết kiến. Họ thực hiện ít nhất ba chuyến đi trong nước mỗi năm và đã đến thăm hơn 50 quốc gia.
Hầu hết những nhiệm vụ đó sẽ kết thúc khi Thái tử Naruhito lên ngôi vào ngày 1/5, sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30/4. Ông là Nhật hoàng đầu tiên thoái vị trong hai thế kỷ.
"Tân Nhật hoàng phải trở thành một biểu tượng mới", Makoto Watanabe, cựu phụ tá của Nhật hoàng Akihito nói. "Thái thượng hoàng cần tránh để xảy ra tình trạng chồng lấn quyền lực. Lịch trình hàng ngày của ông sẽ gần như biến mất hoàn toàn".
Ông Akihito và bà Michiko sẽ trở về Cung điện Togu, nơi họ sống trước khi ông Akihito trở thành hoàng đế. Họ sẽ có ít phụ tá hơn nhưng chính phủ vẫn sẽ trả chi phí sinh hoạt của họ.
Những người quen biết hoàng gia nói rằng Hoàng hậu Michiko có nhiều sở thích, bao gồm âm nhạc và văn thơ nên bà sẽ không cảm thấy buồn chán hay hụt hẫng khi được "nghỉ hưu". Trong khi đó, Thái thượng hoàng Akihito có thể gặp nhiều khó khăn hơn khi thích nghi với cuộc sống mới vì ông đã tập trung hoàn toàn vào công việc khi tại vị.
Bạn bè hy vọng rằng ông Akihito sẽ dành thời gian cho môn tennis mà ông yêu thích nhưng tuổi tác có thể là rào cản. "Gần đây ông ấy không chơi nữa", Kazuo Oda, bạn chơi tennis lâu năm của Nhật hoàng, nói.
Bạn bè của hai người nảy ra ý tưởng là tặng họ bàn bóng bàn. "Ông ấy thích bóng bàn", Oda cho biết.
Năm 2007, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko được hỏi trong một cuộc họp báo rằng họ sẽ làm gì nếu có thể hòa lẫn vào công chúng mà không bị nhận ra.
"Tôi không thể ngay lập tức nghĩ ra tôi muốn làm điều gì", ông Akihito trả lời và nói thêm rằng ông sẽ rất vui khi có thêm thời gian để tận hưởng thiên nhiên và nghiên cứu. Nhật hoàng có sở thích nghiên cứu sinh học biển, đặc biệt là cá bống.
Ông từng phải điều trị ung thư tuyến tiền liệt và phẫu thuật tim. Năm 2016, Nhật hoàng nói rằng ông lo ngại tuổi tác sẽ khiến việc hoàn thành nhiệm vụ trở nên khó khăn.
"Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ cảm thấy nhẹ nhõm" khi rút lui khỏi các nhiệm vụ, một người quen nói.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu sẽ để lại trong công chúng hình ảnh đẹp vì họ đã nỗ lực an ủi, chia sẻ nỗi buồn với những người gặp khó khăn như bệnh nhân phong, người già, người khuyết tật và nạn nhân thảm họa. Các học giả cho rằng Hoàng hậu Michiko là người dẫn đầu nỗ lực đưa hoàng gia đến gần dân chúng.
Là thường dân đầu tiên kết hôn với hoàng gia Nhật Bản, bà Michiko từng bị stress và mất giọng trong vài tháng sau khi đối mặt áp lực từ truyền thông.
"Hoàng hậu Michiko đã chịu rất nhiều áp lực nhưng bà đã tạo ra một cuộc cách mạng là gần gũi hơn với người dân", Naotaka Kimizuka, giáo sư tại Đại học Kanto Gakuin, nói.
Bà Michiko cho biết những rắc rối cá nhân giúp bà cảm thông với người khác. "Đôi khi tôi cảm thấy tôi có thể thấu hiểu nỗi buồn của những người khác".
Nhật hoàng Akihito từng ca ngợi khả năng chạm đến trái tim của bà trong bài thơ ông sáng tác khi hai người đang tìm hiểu nhau: "Khi tôi tiếp tục cuộc trò chuyện với cô ấy, tôi nhận ra rằng, trong trái tim tôi, một cửa sổ đang mở ra".
Nguồn: vnexpress.net
Học sinh Nhật bị trừ điểm vì không dùng thước kẻ phân số
Bức ảnh chụp bài kiểm tra môn Toán của học sinh Nhật Bản và lời phê của cô giáo đã gây ý kiến trái chiều.