Công ty Nhật săn tìm lao động Đông Nam Á sau luật nhập cư sửa đổi
Watami, công ty điều hành chuỗi quán rượu kiểu Nhật Bản, đã thành lập liên doanh tại Singapore để cung cấp hỗ trợ cho những người mong muốn làm bài kiểm tra kỹ năng cho chương trình visa mới của Nhật Bản.
Bằng cách nhanh chóng thiết lập cơ sở đào tạo trong khu vực, công ty hy vọng sẽ đánh bại các đối thủ trong việc đảm bảo lao động cho doanh nghiệp của mình tại Nhật Bản.
Watami ban đầu sẽ cử công nhân đến Nhật Bản từ Campuchia, nơi họ điều hành các nhà hàng.
"Chúng tôi sẽ chấp nhận lao động nước ngoài với nền tảng ổn định", Takeshi Oda, giám đốc Watami, cho biết. Ông nói thêm rằng số lượng công nhân sẽ tăng theo thời gian.
Cạnh tranh tiếp nhận 'tân binh' nước ngoài
Liên doanh Singapore, được thành lập với ITbook Holdings, một công ty tư vấn quản lý có trụ sở tại Tokyo, sẽ làm việc với các trường dạy tiếng Nhật và các doanh nghiệp khác ở các nước láng giềng. Họ không chỉ gửi công nhân đến các nhà hàng Watami mà còn giới thiệu đến các chủ nhà hàng khác ở Nhật Bản.
Vào cuối tháng 4, Tenpo Ryutsuu NET, một công ty hỗ trợ nhà hàng có trụ sở tại Tokyo, cũng đã thành lập một trung tâm đào tạo tại Việt Nam với tổ chức công cộng của đất nước.
Các nhà hàng Nhật Bản gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động trong nước đang ráo riết thuê nhân công Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Tuy nhiên, có những rào cản cần khắc phục trước khi các doanh nghiệp Nhật Bản có thể trở lại với công nhân mới. Theo Nikkei Asian Review, Nhật Bản chưa hoàn thiện các chi tiết về việc kiểm tra và các tiêu chuẩn khác. Nước này cũng có tiếng bóc lột tu nghiệp sinh. Trong khi đó, luật sửa đổi có thể tạo ra lỗ hổng.
Tại một trường nội trú ở ngoại ô Phnom Penh khai giảng vào tháng 4, khoảng 20 người Campuchia ở độ tuổi 20 và 30 học tiếng Nhật từ sáng đến tối.
Trường được quản lý bởi One Visa, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Tokyo cung cấp dịch vụ xin visa trực tuyến theo luật di trú sửa đổi. Họ có kế hoạch gửi sinh viên tốt nghiệp cho các nhà điều hành nhà hàng tại Nhật Bản vào cuối năm nay.
"Tôi muốn thành thạo tiếng Nhật và kiếm được một công việc tốt ở Nhật Bản", một sinh viên 28 tuổi đăng ký vào trường sau khi nghỉ việc tại một công ty công nghệ thông tin, nói với Nikkei Asian Review.
Nhà trường không thu học phí. Thay vào đó, One Visa nhận được phí giới thiệu từ các nhà tuyển dụng tương đương 30% thu nhập hàng năm của một ứng viên.
"Khi cạnh tranh cho các tân binh nước ngoài đang trở nên gay gắt ở Nhật Bản, chúng tôi sẽ nhanh chóng thiết lập nguồn lao động ở nước ngoài có thể được gửi đến các công ty Nhật Bản", Giám đốc điều hành One Visa Albert Okamura nói.
Nỗ lực của chính phủ Nhật Bản
Luật nhập cư sửa đổi trích dẫn hai loại thị thực "kỹ năng được chỉ định" và cho phép tối đa 345.150 người nước ngoài nhập cảnh và làm việc tại Nhật Bản trong năm năm tới.
Loại 1 cho phép người nước ngoài làm việc tới 5 năm trong các dịch vụ thực phẩm, chăm sóc điều dưỡng, nông nghiệp và 11 ngành công nghiệp khác đang trải qua tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
Loại 2 được áp dụng cho các ngành công nghiệp xây dựng và đóng tàu. Những người có visa loại này có thể ở lại Nhật Bản miễn là hợp đồng lao động của họ được gia hạn. Người có thị thực loại 1 có thể chuyển sang loại 2 nếu họ đáp ứng một số yêu cầu nhất định.
Xây dựng, nông nghiệp, chăm sóc điều dưỡng và 77 ngành khác đã khai thác "tu nghiệp sinh" trong nhiều năm nay. Các tu nghiệp sinh đến Nhật Bản để học hỏi những kỹ năng mà họ hy vọng có thể áp dụng khi về nước.
Các thanh niên đang học tiếng Nhật bên ngoài Phnom Penh, hy vọng đủ điều kiện cho một loại thị thực mới sẽ cho phép họ làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Tuy nhiên, chương trình này bị chỉ trích vì cho phép người sử dụng lao động thuê lao động nước ngoài với mức lương thấp và lạm dụng họ theo nhiều cách khác.
Các nhà môi giới thu phí lên tới 800.000 yen (7.400 USD) trước khi gửi một công nhân đến Nhật Bản. Khi tới nơi, các tu nghiệp sinh thường nhận thấy mình bị mắc kẹt trong điều kiện làm việc tồi tệ.
Tính đến cuối tháng 10/2018, có khoảng 310.000 tu nghiệp sinh nước ngoài ở Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng xoa dịu nỗi sợ rằng các hành vi lạm dụng của chương trình có thể tiếp diễn theo luật di trú sửa đổi. Họ đang làm việc trên các hiệp định song phương để loại bỏ các nhà môi giới phi đạo đức và đặt ra các quy tắc để giải quyết các vấn đề khi xảy ra lạm dụng.
Đưa tu nghiệp sinh trở lại
Biên bản ghi nhớ đã được ký kết với Philippines, Campuchia và ba quốc gia khác. Các cuộc đàm phán với bốn nước khác, bao gồm cả Việt Nam và Trung Quốc, đang diễn ra.
Các hiệp định này khác nhau theo từng nước. Ví dụ, Campuchia và Mông Cổ gửi công nhân đến Nhật Bản thông qua các tổ chức chứng nhận nhà nước, bao gồm cả những người được chỉ định theo chương trình tu nghiệp sinh công nghệ.
Các hiệp định sẽ không giải quyết được tất cả vấn đề vì chúng không ràng buộc về mặt pháp lý và không có gì đảm bảo hệ thống môi giới cũ sẽ bị loại bỏ.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Việt Nam, nhà cung cấp tu nghiệp sinh lớn nhất cho Nhật Bản, được cho là đang trở nên rối rắm.
Chương trình tu nghiệp sinh còn có một nhược điểm khác. Người nước ngoài đăng ký và đến Nhật Bản thường trở về nước sau ba năm. Nhiều người muốn ở lại lâu hơn nhưng không thể vượt qua các rào cản như các bài kiểm tra kỹ năng.
Các loại thị thực mới cho phép ở lại lâu hơn. Người có thị thực loại 1 có thể ở lại đến năm năm mà không cần phải thi thêm.
Hiện tại, một số công ty đang cố gắng đưa các tu nghiệp sinh đã trở về nhà trở lại.
Vào tháng 4, Esuhai, công ty tại thành phố Hồ Chí Minh cử 2.000 người Việt Nam đến Nhật Bản mỗi năm thông qua chương trình tu nghiệp sinh, đã tổ chức cuộc họp cho khoảng 100 người trở về muốn làm việc tại Nhật Bản một lần nữa. Họ đang liên hệ với hơn 20 công ty Nhật Bản có thể quan tâm tới việc nhận lại lao động.
Theo: news.zing.vn
Kỹ năng nuôi dạy con siêu đẳng của cha mẹ Nhật để trẻ thông minh và có trách nhiệm hơn
Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng về sự lễ phép và kỷ luật, ai cũng tò mò về phương pháp nuôi dạy con của họ. Có lẽ điểm cốt yếu chính là nằm trong cách giáo dục ở mỗi gia đình và nhà trường.