Công ty Nhật Bản ‘khát’ lao động
Ngành dịch vụ Nhật Bản đang chật vật tuyển dụng và giữ chân nhân viên, trong bối cảnh thị trường lao động co lại mạnh nhất nhiều thập kỷ qua.
Thiếu nhân công có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng, thậm chí kìm hãm hoạt động kinh tế, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển bền vững của Nhật Bản. Ví dụ, tại trung tâm mua sắm – Sun Mall ở Chiba, thiếu lao động khiến nhiều công ty phải hủy kế hoạch thuê địa điểm tại đây. Nhiều cửa hàng khác cũng phải đóng cửa vì không tìm được nhân viên chủ chốt thay thế.
Seth Sulkin – Chủ tịch Pacifica Capital K.K – công ty sở hữu Sun Mall cho biết một spa mới dự định mở cửa trong vài tháng tới vừa phải hoãn lại lịch vì thiếu người.
Dân số già hóa đang khiến Nhật Bản thiếu lao động trầm trọng. Ảnh: Reuters |
“Số người tìm việc bán thời gian đang giảm mạnh. Tôi có nói với các công ty rằng chuyển vài vị trí cần tuyển thành việc làm chính thức và nâng lương, nhưng họ nói họ không thể”, ông cho biết, “Tokyo dễ tìm người lắm, nhưng giờ cũng khó rồi. Còn ở Chiba thì chắc là do vấn đề địa điểm”.
Khi số lao động đã chạm giới hạn, các công ty phải tìm nguồn nhân công mới. McDonald’s Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng tiêu chí lao động, nhắm đến các bà nội trợ cho vị trí bán thời gian. Chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart cũng vậy.
Hơn nửa phụ nữ nội trợ tại đây có thể đi làm, nhưng không tìm được công việc phừ hợp, một khảo sát của Trung tâm Tìm kiếm Việc làm cho biết. Họ rất lo ngại về những ngày làm việc dài, khó phù hợp với nghĩa vụ trong gia đình.
Nhiều công ty cũng đang cải thiện điều kiện làm việc, để giữ chân và thu hút nhân viên. Doutor Nichires Holdings đã áp dụng tiền bồi thường cho nhân viên bán thời gian bị mất việc. Đây là động thái hiếm hoi tại đất nước nổi tiếng có sự chênh lệch lớn giữa chế độ của nhân viên chính thức và bán thời gian.
Một số chuỗi nhà hàng, như Royal Holdings và McDonald’s Nhật Bản cũng đã bỏ hoạt động 24/24. Một khảo sát hồi tháng 6 của Reuters cũng cho thấy hơn 80% công ty tham gia dự báo thiếu lao động sẽ khiến họ phải giảm số dịch vụ trong vài năm tới.
Tháng 3 năm nay, hãng tuyển dụng Fullcast Holdings đã mở một văn phòng nhắm đến người trên 60 tuổi. Gần 2.000 người nghỉ hưu đã đăng ký, nhưng nhiều công ty không thể tuyển dụng họ.
“Nếu có công việc đáp ứng yêu cầu của họ về khoảng cách, loại hình và giờ giấc, nhiều người khác cũng có thể làm được”, Giám đốc Fullcast Senior Works – Yasuhiro Sumi cho biết.
Nhiều công ty lại lưỡng lự trong việc dùng khối tiền mặt khổng lồ để tăng lương. Một phần vì họ không thể tăng giá sản phẩm khi người tiêu dùng đã quá quen với việc giá cả đi xuống gần 2 thập kỷ nay.
Dù vậy, một số công ty đã bắt đầu thực hiện việc này. Chuỗi nhà hàng Torikizoku tháng này đã tăng giá thêm 6,4% – lần đầu tiên trong 28 năm. Công ty chuyển phát lớn nhất Nhật Bản – Yamato Holdings tháng này cũng tăng giá 15% – lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ.
Yamato đã chi hàng tỷ yen để thanh toán lương cho các lái xe làm quá giờ và lương thấp. Họ cũng cam kết tuyển dụng 10.000 nhân viên vận chuyển mới cho đến cuối tài khóa 2019, để giảm áp lực làm thêm giờ lên 55.000 lái xe hiện tại. Số nhân viên này chủ yếu sẽ được tuyển từ những người đã làm việc cho công ty, nhưng theo dạng hợp đồng bên ngoài.
Cuối tuần trước, chủ tịch hãng bán lẻ thời trang Start Today – Yusaku Maezawa còn cho biết sẽ để người mua tự chọn trả bao nhiêu cho dịch vụ vận chuyển. “Nếu việc này giúp người chuyển và người nhận hàng cảm thông được cho nhau, tôi thấy cũng rất tốt”, ông nói.
Hà Thu (theo Reuters)
Những chuyến tàu đầy ắp nỗi buồn ở Nhật Bản
Sau một ngày làm việc đầy căng thẳng, nhiều người Nhật trở về trên chuyến tàu điện với bao nỗi mệt nhọc, buồn tẻ và phần nào đó, ưu tư về cuộc sống.