Con tôi sinh ra tại Nhật Bản, vậy visa của con tôi sẽ như thế nào?
Trường hợp (trẻ) có nguyện vọng lưu trú tại Nhật Bản trên 60 ngày kể từ ngày sinh ra, sẽ phải xin cấp Tư cách lưu trú trong vòng 30 ngày kể từ ngày sinh ra. Dĩ nhiên, nếu trẻ rời Nhật trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh ra, thì không cần phải làm thủ tục này, và việc lưu trú trong quãng thời gian đó vẫn được chấp nhận là hợp pháp.
Blog: Tôi đã quyết định rất đúng đắn khi ở lại Nhật Bản để đón “hoàng tử nhí” chào đời.
Tôi quyết định bỏ tất cả công việc, bố mẹ, người thân, bạn bè… để theo chồng sang một đất nước xa tít mù khơi sinh sống. Thời gian đó, tôi đang làm việc cho một ngân hàng ở trong nước, công việc khá ổn định. Tuy nhiên do công việc của chồng ở bên Nhật không thể xin chuyển công tác về Việt Nam, thu nhập của anh cũng đáng để nhiều người mơ ước nên tôi quyết định theo anh dù sang đó tôi không thể xin được một công việc đàng hoàng vì không thạo tiếng Nhật.
Một năm đầu mới sang, tôi ở nhà với vai trò một bà nội trợ. Sau cả năm trời, tôi chán, đã có lúc đòi về Việt Nam nhưng chồng khuyên can mãi. Sau đó tôi xin được một công việc bán hàng cho một cửa hàng thời trang Việt. Thu nhập từ công việc này chẳng đáng là bao nhưng đổi lại nó giải tỏa được nỗi buồn nơi xứ người trong tôi. Ngày đó, bạn bè luôn khen tôi sướng vì được sống ở nước ngoài nhưng nói thật tôi buồn nhiều lắm. Sang đây hơn 1 năm tôi bập bẹ được vài câu tiếng Nhật. Chồng thì đi làm suốt ngày nên tôi lủi thủi ở nhà, may mà không bị tử kỷ. Tôi cũng không được sống ở thành phố nổi tiếng gì (tôi ở tỉnh Shiga) nên sao có thể gọi là sướng được. Thế nhưng đã” đâm lao thì phải theo lao”, chẳng nhẽ bây giờ lại bỏ chồng để về Việt Nam.
Hơn 2 năm sau ngày sang Nhật, tôi có bầu. Thực sự thời gian đó tôi đã rất hoang mang, không biết có nên về Việt Nam để chăm sóc và sinh nở vì người thân của tôi đều ở trong nước cả. Ở bên này tôi cũng có rất ít bạn bè. Thế nhưng may mà được chồng động viên tinh thần và cũng không lỡ xa chồng nên tôi đã ở lại và thật may mắn quyết định của tôi là sáng suốt. Tôi đã có những trải nghiệm phải nói là “sướng” khi mang bầu và sinh con ở đây.
Khi mang thai được 7 tuần, tôi được cán bộ y tế phường phát cho một quyển sổ tay dành cho mẹ và bé trong đó bao gồm tất cả những phiếu giảm giá khi đi khám thai và sách hướng dẫn chăm sóc mẹ bầu và trẻ sơ sinh. Trong 3 tháng đầu thai kỳ cứ 2 tuần khám thai 1 lần. Cũng trong giai đoạn này sẽ có một lớp học tiền sản hướng dẫn về chế độ ăn uống dành cho mẹ bầu. Tại lớp học, các chuyên gia sẽ hướng dẫn cặn kẽ chị em ăn sao cho đủ chất mà không tăng cân quá nhiều. Nếu mẹ bầu nào tăng cân quá nhanh sẽ bị nhắc nhở xem lại chế độ ăn uống, thậm chí phải liệt kê tất cả những thứ đã ăn trong ngày cho bác sĩ xem và điều chỉnh lại. Bác sĩ ở Nhật luôn khuyên bà bầu không nên ăn quá nhiều vì thai nhi to sẽ rất khó đẻ, mẹ tăng cân nhiều cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ xấu. Trong mỗi lần khám thai, bác sĩ sẽ theo dõi rất sát sao cân nặng, đo huyết áp của mẹ và nhịp tim thai.
Đến giai đoạn thứ 2, tôi được tham gia vào lớp học tiền sản về cách massage ngực để nhũ hoa được mềm, dài chuẩn bị cho quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Tại lớp học này, các chuyên gia cũng không quên nhắc nhở chị em về cách chăm sóc núi đôi để có nhiều sữa và sữa thơm ngon sau sinh nở. Tôi bị đầu ti ngắn nên tham gia lớp học này rất sốt sắng. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, mỗi lần đi khám thai tôi đều được nằm 30 phút để theo dõi cử động của thai nhi, xem em bé có phát triển tốt hay không. Cũng trong giai đoạn cuối này, tôi được tham gia một lớp học tiền sản về cách rặn đẻ và thở khi sinh nở. Trong buổi học, các chuyên gia sẽ hướng dẫn từng mẹ bầu một. Thời gian đó, tôi phải đi bộ đến những trung tâm này nhưng vẫn háo hức tham gia. Đến tháng thứ 9 thì cứ mỗi tuần đi khám thai một lần. Hồi đó, cũng may là có mẹ đẻ sang cùng nên mẹ luôn “hộ tống” tôi đi khám thai.
Điều đặc biệt khi khám thai ở đây là sản phụ sẽ không được biết giới tính bé cho đến khoảng tuần thứ 30. Với trường hợp của tôi, đến tuần thứ 28 khi tôi năn nỉ mãi, bác sĩ mới tiết lộ “con giống bố nhé!”.
Có lẽ trong thời gian mang bầu, tôi lười vận động nên đến ngày sinh rồi mà con trai vẫn chẳng chịu tụt xuống, đã thế đầu con lại to nên phải mất 2 ngày đau đẻ ZinZin mới chào đời. Sáng đó, tôi bắt đầu thấy những cơn đau nhẩm nhẩm. Tôi gọi điện ngay cho bác sĩ và hai mẹ con lỉnh kỉnh đồ vào viện. Vì hôm đó, chồng vẫn phải đi làm xa nên mãi đến 9 giờ chồng mới về. Khi nhập viện tôi được truyền dịch luôn. Bệnh viện thành phố Otsu nơi tôi sinh ZinZin có quy định khi cổ tử cung sản phụ đã mở 4-5 phân thì chị em sẽ không được ăn uống, không đi lại và vệ sinh tại giường luôn. Khi đó sẽ có y tá phục vụ mình tận tình, nếu cần gì thì gọi người ta qua bộ đàm.
Cả ngày đầu tiên nhập viện, cổ tử cung mới chỉ mở được 6 phân mặc dù lúc nhập viện đã mở 4 phân. Sang đến ngày thứ 2, nằm cả buổi sáng mà cổ tử cung cũng chỉ mở thêm được 1 phân nữa. Lúc đó, gia đình tôi đã xin bác sĩ được đẻ mổ nhưng cả bác sĩ và các y tá đều khuyên tôi nên cố gắng chịu đau và đẻ thường vì em bé vẫn rất khỏe mạnh, đẻ thường sẽ tốt nhất cho cả mẹ và con. Để ủng hộ tinh thần cho tôi, các y tá luôn ngồi cạnh giường để trò chuyện, có lúc còn thở cùng tôi. Nói thật tôi thấy “ấm lòng” về thái độ phục vụ của y bác sĩ ở đây lắm lắm.
Khi những cơn đau đẻ lên đến đỉnh điểm, chính bác sĩ trưởng khoa đã vào đỡ đẻ cho tôi, ekip trực buổi sáng hôm đó đều có mặt trong phòng sinh, người thì ở bên cạnh động viên, người thì ấn bụng cho bé xuống, người thì giữ chân tay… Thật may mắn, ZinZin cũng chào đời an toàn. Sau sinh nở, tôi còn được các y tá tận tay vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo mới và gen bụng…
Thích nhất là khoản chăm sóc sau sinh tại đây. Dù còn rất mệt sau 2 ngày vật vã đau đẻ nhưng sự ân cần và nhiệt tình của bác sĩ và y tá trong bệnh viện cũng khiến tôi tỉnh táo hơn nhiều. Sau khi con được vệ sinh xong, các y tá bế con đến giường tôi và yêu cầu chụp ảnh cho cả gia đình. Con sẽ không để ở cùng phòng mẹ như các bệnh viện ở Việt Nam mà trẻ sơ sinh ở đây được ở phòng riêng. Với riêng tôi thì cứ 30 phút được các y tá thay băng vệ sinh và thăm khám một lần. 6 giờ sau sinh, tôi được các y tá hướng dẫn tập đi lại. Hôm sau là được tắm gội bình thường và sẽ có y tá hỗ trợ gội đầu.
Ở bên Nhật các mẹ đẻ không kiêng khem ăn uống như ở Việt Nam. Ngay sau sinh, nhiều mẹ đã ăn cả sashimi, sushi, dưa các loại và salat luôn rồi. Tôi thì cẩn thận hơn nhưng vẫn ăn uống thoải mái những đồ mình thích. Hai ngày đầu tiên, em bé sẽ ở phòng chăm sóc đặc biệt và các y bác sĩ sẽ chăm từ a-z, mẹ chỉ việc nghỉ ngơi thôi. Đến cữ bú của con, mẹ sẽ vào phòng cho bé bú nhưng trước khi cho con tu ti, mẹ phải rửa sạch tay bằng xà phòng, rồi xịt ancol mới được bế con. Ban đêm các y tá sẽ lo phần việc cho bé ăn. Đến đêm thứ 3 mẹ mới phải thức giấc cho con tu ti nhưng mỗi lần đến cữ bú của con đều được y tá gọi dậy nên mẹ không lo ngủ quên giấc.
Cũng trong những ngày sau sinh, tôi và chồng được hướng dẫn cách tắm cho bé, cách pha sữa cho con và thay tã bỉm cho con. Đến ngày thứ 5 thì tôi được xuất viện. Thông thường ở bệnh viện bên này, với ca đẻ thường sẽ ở lại viện trong 5 ngày còn đẻ mổ là 10 ngày. Phải công nhận các y bác sĩ ở bệnh viện Nhật Bản rất nhẹ nhàng và nhiệt tình. Bệnh viện thì sạch sẽ, thái độ phục vụ đúng tư tưởng khách hàng là thượng đế. Đấy là tôi chỉ sinh ở bệnh viện của một thành phố nhỏ thôi đấy, chứ như bạn bè sinh ở Tokyo hay Osaka thì còn sướng hơn nhiều.
Vì tôi đóng bảo hiểm nên hầu hết các chi phí ở viện sẽ được bảo hiểm chi trả. Sau sinh, mỗi tháng em bé còn được nhận trợ cấp của nhà nước, tuy nhiên không được nhiều (chỉ đủ tiền bỉm, sữa một tháng), gọi là động viên gia đình. Dù vậy, tôi vẫn thấy vui vui với khoảng hỗ trợ này.
Đến giờ tôi vẫn thấy quyết định ở lại đất nước mặt trời mọc sinh con là quyết định cực kỳ sáng suốt. Nếu có “tập 2”, tôi vẫn sẽ chọn nơi đất khách này để đón con yêu.
Theo: nguoivietonhat.com
Chế độ tự nguyện xin về nước đối với những người quá hạn visa
Hiện nay có rất nhiều bạn đang học hay đang làm nhưng bỏ trốn “ra ngoài” làm việc, cũng có nhiều người thấy tốt hơn, nhưng cũng có rất nhiều người làm ở bên ngoài một thời gian không chịu nổi muốn về nước nhưng không biết làm cách nào?