Cô nữ sinh Việt trên đất Nhật: ‘Sức hút của phụ nữ bắt nguồn từ tu dưỡng nội tâm’

Lần đầu tiên gặp em, ấn tượng trong tôi là một gương mặt thanh tú, dịu dàng, và đặc biệt là nụ cười rạng rỡ như nắng mai. Hiểu hơn về em, câu chuyện của em khiến tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Nhìn cô gái sinh năm 1997 với mái tóc đen dài yểu điệu, lại biết em là sinh viên khoa tiếng Nhật của Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia (ĐHNN-ĐHQG), tôi cứ ngỡ em là dân chuyên văn hoặc chuyên ngữ, nhưng không ngờ em từng là học sinh chuyên Toán của trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), nhiều năm liền đạt học sinh giỏi Toán cấp trường, cấp thành phố. Em không giống bất cứ một “hotgirl” nào mà tôi từng biết, em chẳng bao giờ nhận mình là hotgirl mặc dù những người xung quanh đều dành cho em nhiều cảm tình, mến mộ, hay là ngưỡng mộ.

Tôi càng cảm phục em hơn khi biết em sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông còn nhiều khó khăn ở vùng núi Ba Vì; thương cha mẹ vất vả, lam lũ nuôi các con ăn học, nên cả khi học đại học tại Việt Nam và bây giờ du học xa nhà, em đều tranh thủ làm thêm để tự mình trang trải cuộc sống. Không những thế, em còn rất năng động với chuỗi các hoạt động tình nguyện, từ các sự kiện giao lưu văn hóa Việt – Nhật, hướng dẫn viên trong các chuyến thăm quan học tập của Morisemi đưa sinh viên Nhật sang Việt Nam, tham gia nhặt rác ở Hồ Gươm, tham gia các chương trình thiện nguyện như “Trung Thu cho em”, cho đến hoạt động của trung tâm Nhật ngữ Chiaki, hay thành viên ban đối ngoại thuộc Hội nghị Sinh viên Việt Nam – Nhật Bản (VJSC), v.v.

Bận rộn là thế nhưng khi nhìn vào thành tích học tập của em không ít người phải trầm trồ thán phục: Đạt giải nghiên cứu khoa học sinh viên; sinh viên 5 tốt cấp trường, cấp Đại học Quốc Gia, cấp thành phố; đại sứ sinh viên cấp trường; nhận học bổng của công ty Co-well và đặc biệt là một trong hai sinh viên nhận được học bổng trao đổi sinh viên 1 năm với trường Đại học Meiji, Tokyo, Nhật Bản.

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

Ấn tượng về Nhật Bản trong em là gì?

Lỗ Thị Mạnh: Những ngày đầu tiên đặt chân tới Nhật Bản là trải nghiệm khó quên đối với em. Ấn tượng đầu tiên trong em là không khí trong lành thoáng đãng, ngay cả đường phố cũng tinh tươm không một hạt bụi, đặc biệt cảnh sắc thì đẹp như một bức tranh. Em đến Nhật Bản đúng vào tiết xuân nên có cơ hội ngắm hoa anh đào nở. Hoa anh đào đẹp nhưng rất mong manh, thoắt nở thoắt tàn, khiến người ngắm hoa càng hiểu rõ hơn về sự “vô thường” của cuộc sống, từ đó mà học cách trân trọng những gì mình đang có.

Nhưng điều khiến em bất ngờ nhất là cách hành xử văn minh, đầy nhân văn của người Nhật. Họ luôn biết nghĩ cho người khác, thể hiện ngay trong những chi tiết nhỏ nhặt nhất mà phải để ý kỹ mới thấy được. Ví dụ như trên đường luôn có những vạch kẻ màu vàng dành riêng cho người khiếm thị, trên xe bus và tàu điện ngầm dù đông người nhưng ai cũng giữ trật tự, bởi họ biết rằng mọi người xung quanh đang cần yên tĩnh để đọc sách, nghe nhạc, và ngủ. Trong siêu thị thì không cần có tủ giữ đồ hay cổng từ để kiểm tra xem có ai ăn trộm đồ không, vì người Nhật có tính trung thực và tự trọng rất cao.

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

Ai cũng biết Nhật Bản rất giàu, rất đẹp… nhưng cũng đầy áp lực! Thậm chí, người Nhật còn có hẳn một thuật ngữ là “Jōhatsu” (蒸発 – bốc hơi) để chỉ về những người muốn trốn chạy khỏi cuộc sống hiện đại. Em có cảm thấy áp lực khi học tập và làm việc ở đây không?

Lỗ Thị Mạnh: Nhật Bản là một đất nước hiện đại và văn minh, nhưng cũng có những mặt khuất của riêng mình. Rất nhiều người Nhật vì quá stress, bế tắc trong công việc hoặc đời sống mà phải tìm đến cái chết. Thậm chí có những địa danh đã trở thành “địa điểm tự tử” của người Nhật, như rừng Aokigahara ở tỉnh Yamanashi hay vách đá Tojinbo trên biển Echizen.

Cá nhân em cũng cảm nhận thấy rất nhiều áp lực. Ở Đại học Meiji, có một số môn em phải học chung với các bạn sinh viên người bản xứ, trong khi em mới chỉ học tiếng Nhật được 3 năm. Thêm vào đó, hồi ở Việt Nam em học khoa Ngôn ngữ Nhật, chuyên ngành Tiếng Nhật kinh tế, nhưng khi sang Nhật thì là khoa Thông tin và Truyền thông (Information and Communication). Các môn học đều rất khó, đặc biệt là các môn chuyên ngành lại càng khó hơn.

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

Cô giáo và các bạn trong lớp học tiếng Nhật

Học bổng của em là 100% học phí, còn các chi phí ăn ở hay đi lại thì em phải tự mình lo liệu. Để không tạo gánh nặng cho bố mẹ nên ngoài giờ học em tranh thủ đi làm thêm ở quán ăn nhanh Yoshinoya. Vốn là quán ăn nổi tiếng và cũng lâu đời nhất của Nhật nên có yêu cầu rất khắt khe, đòi hỏi mình làm gì cũng phải chuẩn mực và cũng có nhiều áp lực, nhất là vào những giờ cao điểm.

Để đối mặt với ‘áp lực Nhật Bản’, nhiều người phải kiên nhẫn và chịu đựng theo nhiều cách khác nhau. Em có cách nào để vượt qua những áp lực đó?

Lỗ Thị Mạnh: Có cô người Nhật hỏi em vì sao lúc nào cô cũng thấy cháu tươi cười, vui vẻ dù chịu áp lực lớn thế? Em trả lời cô rằng em giữ được tâm thái bình tĩnh an hòa này là nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Pháp Luân Công giúp em hiểu được nhiều nguyên lý cao thâm trong cuộc sống.

Trước đây, khi còn ở Việt Nam em bị viêm xung huyết dạ dày khá nặng và dương tính với vi khuẩn HP (là một loại vi khuẩn gây ung thư dạ dày, nếu không chữa trị sớm, để lâu sẽ thành ung thư). Lúc đó em phải uống rất nhiều loại thuốc, ăn nghệ vàng với mật ong, rồi chiều nào cũng phải ăn hai, ba cái bánh mì để hút dịch vị axit trong dạ dày. Em nghĩ bệnh viêm dạ dày của em bắt nguồn từ việc em có nhiều suy tư, lo lắng về học tập, về tài chính và tương lai sau này, chưa kể tâm tính còn nhiều hiếu thắng, tranh đấu trong học tập. Từ cuối năm 2016, qua học Pháp và luyện công, em đã học được cách kiểm soát tâm trí, loại bỏ những tâm tính chưa tốt. Nhờ thế, bệnh viêm dạ dày của em đã khỏi từ lúc nào em cũng chẳng rõ.

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

Ảnh luyện công cùng cô Mariko

Khả năng tập trung của em cũng trở nên tốt hơn trước rất nhiều, đầu óc không dễ bị vướng bận những chuyện hiếu kỳ, thị phi ngoài xã hội, và có thể buông bỏ những trạng thái tâm lý tiêu cực nhanh chóng. Cùng một khối lượng bài tập nhưng giờ chỉ cần một nửa thời gian so với trước kia là đã có thể hoàn thành, nên em không mất quá nhiều thì giờ mà kết quả học tập lại còn tốt hơn trước. Em đạt học bổng trao đổi sinh viên là sau khi tu luyện Pháp Luân Công được một năm.

Khi làm việc hay học tập, điều quan trọng nhất là em đặt tâm làm hết sức, hết mình, nhưng không quá truy cầu vào kết quả. Thành hay bại của một sự việc không phụ thuộc nhiều vào kết quả, mà là trong quá trình ấy mình đã tôi luyện con người mình ra sao.

Những môn học khó mà rất nhiều bạn muốn buông xuôi, thì đối với em đây là để rèn luyện chữ “Nhẫn” trong học tập. Thi cử cũng vậy, phải “Chân”, dù điểm số quan trọng nhưng vẫn phải thi bằng chính thực lực của mình. Kỳ học vừa rồi tất cả 5 môn em đều đạt loại A (70-79/100: loại B; 80-89/100: loại A; 90-100/100: Xuất sắc)

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

Em học được gì từ chữ “Nhẫn”?

Lỗ Thị Mạnh: Đọc các bài giảng trong cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”, em nhận ra Nhẫn không chỉ là chịu đựng, nhường nhịn, mà còn phải thật sự buông bỏ được những suy nghĩ, trạng thái tiêu cực. Thay vì đổ lỗi cho ngoại cảnh, hãy tìm ở bên trong mình. Người Nhật chủ yếu mới dừng lại ở mức nhịn nhường, chịu đựng, chứ chưa buông bỏ. Những tư tưởng tiêu cực qua tháng ngày tích tụ bên trong như quả bóng đến lúc quá căng sẽ nổ tung. Điều này có thể phần nào giải thích cho hiện tượng tỷ lệ tự tử cao ở Nhật.

Tại quán Yoshinoya nơi em làm việc, bên cạnh những người thân thiện và tốt bụng thì cũng có những người vô cùng khó tính khiến em đôi khi cảm thấy sợ. Nhưng khi hướng vào nội tâm mình, em không còn thấy người ta hà khắc nữa mà nhận ra do tiếng Nhật của mình còn hạn chế, sự khắt khe của họ cũng chỉ là muốn giúp mình hoàn thành công việc tốt hơn nữa.

Em vẫn nhớ có một bạn cùng làm với em trong quán ăn, bạn ấy thường hay sai bảo em rất nhiều việc, đến mức khách hàng cũng phải phàn nàn với ông chủ rằng sao con bé đó làm chăm chỉ thế mà cậu kia lại bắt nạt quá. Chỉ khi ông chủ gọi lại hỏi thì em mới biết, còn trước đó em không hề khó chịu với cậu ấy, vì mỗi khi tâm hơi động một suy nghĩ giận dữ, hay bất bình là em thường nhìn lại vào nội tâm của mình, để xem nguyên do đến từ đâu, chứ không đổ lỗi cho người khác. Đối với em, những khó khăn gặp phải ở Nhật chính là hoàn cảnh để em tu dưỡng bản thân mình.

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

Đọc các bài giảng trong cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”, em nhận ra Nhẫn không chỉ là chịu đựng, nhường nhịn, mà còn phải thật sự buông bỏ được những suy nghĩ, trạng thái tiêu cực. Thay vì đổ lỗi cho ngoại cảnh, hãy tìm ở bên trong mình.

Có thể nhiều người cho rằng tu luyện Pháp Luân Công mất nhiều thời gian, sẽ làm cho người tu luyện mất đi nhiệt huyết của tuổi trẻ, xa lánh cuộc sống… Em có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Lỗ Thị Mạnh: Có thể là do họ chưa trực tiếp trải nghiệm nên mới suy nghĩ như vậy. Bình thường chúng ta thường dành khoảng thời gian 1-2h chiều tối cho việc chạy bộ hay tập thể dục và mất nhiều tiếng đồng hồ để lướt web, dùng facebook và đọc các thông tin không cần thiết. Nay em dành thời gian đó cho việc luyện công và đọc sách để tu dưỡng tâm tính. Ngay cả khi sống ở Nhật, nhịp sống bận rộn như vậy, em vẫn có thể sắp xếp luyện công và đọc sách hằng ngày.

Bản thân em thấy việc tu luyện không hề mất thời gian, chưa kể khi ta có một nội tâm an hoà, thoải mái, một sức khoẻ dồi dào thì việc xử lý các vấn đề trong cuộc sống cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Pháp Luân Công chính là tu ngay giữa đời thường.

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

Riêng về vấn đề nhiệt huyết tuổi trẻ thì em thấy từ ngày tu luyện, cuộc sống của em mỗi ngày trở nên có ý nghĩa và thăng hoa hơn rất nhiều. Pháp Luân Công giống như kim chỉ nam giúp các bạn hiểu là thế nào mới là tốt thật sự, từ đó có những quyết định đúng đắn cho từng hành động. Ví như, theo quy định của Nhật Bản, sinh viên đi làm thêm không được quá 28 tiếng một tuần. Tuy vậy, việc làm quá 28 tiếng rất phổ biến ở các du học sinh. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều lúc em cũng lưỡng lự xem có nên “làm chui” thêm giờ không. Nhưng nhớ đến các nguyên lý của Pháp Luân Công, em đã từ bỏ được suy nghĩ không đúng đắn này.

Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ bước vào tu luyện. Tuổi trẻ là lúc mà mình có thể học hỏi nhiều nhất, tu dưỡng bản thân nhiều nhất, nếu không tận dụng thời gian thì nó sẽ trôi đi qua rất nhanh.

Được biết ngôi trường Meiji em theo học có môi trường học tập quốc tế, em có trải nghiệm gì thú vị khi tiếp xúc với các bạn du học sinh quốc tế không?

Lỗ Thị Mạnh: Trường em rất đông sinh viên ngoại quốc, đến từ rất nhiều nơi như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… Nên bên cạnh các bài giảng trong sách vở, chúng em có nhiều buổi thảo luận thú vị về các vấn đề xã hội.

Quan điểm tín ngưỡng, văn hoá của các bạn rất khác nhau. Sinh viên Trung Quốc thường sợ hãi khi nghe nói về sự kiện 4 tháng 6 (tức phong trào dân chủ năm 1989), về vụ tự thiêu giả mạo trên quảng trường Thiên An Môn, hay về cuộc đàn áp Pháp Luân Công và mổ cướp nội tạng. Các bạn kể rằng, người dân Trung Quốc không được dùng Google, không được dùng Youtube, tất cả đều bị kiểm soát chặt chẽ, và mọi người đều bị hạn chế tiếp cận thông tin bên ngoài nước mình. Có những sự thật mà cả thế giới đều biết thì các bạn lại không được biết, và thường đối diện bằng sự e dè.

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

Mạnh tham gia đoàn diễu hành ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới tại Tokyo

Em nói với các bạn rằng ở Nhật, Việt Nam hay rất nhiều nơi trên thế giới, đều không bị hạn chế về việc truy cập Internet, có thể tự do tìm hiểu thông tin, và bạn sẽ thấy rằng sự thật về Pháp Luân Công hoàn toàn khác so với những gì ĐCSTQ tuyên truyền. Lúc đầu các bạn tỏ ra sợ hãi khiến em cứ ngỡ họ sẽ xa lánh mình. Nhưng vì thấy em vẫn luôn cố gắng hành xử theo Chân – Thiện – Nhẫn, nên bạn hiểu rằng Pháp Luân Công là tốt, và vẫn giữ thái độ vui vẻ hòa đồng như xưa. Còn có bạn sau khi tìm hiểu thông tin đã nhắn tin cảm ơn vì em đã giúp bạn biết được sự thật này.

Hồi mới sang Nhật, em may mắn được tham gia vào đoàn diễu hành kỉ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới, từ thành phố cảng Yokohama đi qua những con phố sầm uất nhất của Tokyo, đến đâu cũng được người dân nồng nhiệt đón nhận. Rất nhiều người qua đường đã hào hứng dừng lại xem, các chú cảnh sát cũng đi cùng để hỗ trợ đoàn diễu hành qua các con phố lớn mà không ảnh hưởng tới giao thông. Có những người Trung Quốc thông qua hoạt động này mà họ có cơ hội tìm hiểu lại những gì họ từng hiểu nhầm về Pháp Luân Công. Nhiều bạn sinh viên quốc tế cũng tò mò và bắt đầu tìm hiểu về môn tu luyện.

Người ta nói, sức hút của phụ nữ nằm ở tinh thần, người phụ nữ xuất chúng chỉ có ba phần ở ngoại hình, mà bảy phần lại nằm ở nội tâm. Cảm ơn em, cô gái bé nhỏ, đã cho tôi hiểu hơn về một thứ vẻ đẹp, gọi là ‘tu dưỡng nội tâm’. Chúc em sẽ mãi là bông hoa Việt ngát hương trên mảnh đất xứ sở hoa anh đào!

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

co-nu-sinh-viet-tren-dat-nhat

Nhân vật: Lỗ Thị Mạnh

Theo: nguoivietonhat.com

Tags:
Hướng dẫn 'nhập môn' cho tín đồ văn hóa Nhật: cách phân biệt các loại bento

Hướng dẫn 'nhập môn' cho tín đồ văn hóa Nhật: cách phân biệt các loại bento

Bento có nhiều loại khác nhau về ý nghĩa nên việc phân biệt chúng là rất cần thiết đấy!

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất