Cô gái trẻ khiến Nhật Bản thức tỉnh về nạn tấn công tình dục
Đột nhiên, nữ phóng viên trẻ 25 tuổi thấy mọi thứ xung quanh quay cuồng và mắt cứ sụp xuống. Sau đó, cô gái trẻ tỉnh dậy thấy mình đang ở phòng khách sạn trong tình trạng khỏa thân và không nhớ chuyện gì đã xảy ra.
Khi tỉnh lại, Shiori Ito cảm thấy nặng ở bụng. Mở mắt ra, cô thấy Yamaguchi đang nằm trên người cô, trần truồng. Ito nhìn xuống và nhận ra rằng cô cũng đang khỏa thân. Cô cầu xin Yamaguchi dừng lại vì muốn vào phòng vệ sinh. Khi đó, cô lờ mờ nhận ra rằng mình đang ở trong phòng khách sạn với nhà báo nổi tiếng muốn giúp Ito tìm việc. Tại sao Shiori Ito vào khách sạn và bằng cách nào? Hơn 4 năm sau, những câu hỏi này không chỉ là đặt ra với một đội luật sư mà còn trở thành nguồn cơn vụ kiện gây chia rẽ xã hội Nhật Bản.
Shiori Ito giơ cao biểu ngữ “Chiến thắng” bên ngoài tòa án Tokyo hôm 18-12
Sự “ngây thơ” trước quy định cứng nhắc Ito đã kiện người đàn ông mà cô thấy khi tỉnh dậy trong phòng khách sạn, buộc Yamaguchi phải bồi thường cho nỗi đau khổ do bị cưỡng bức. Ở nhiều nước, vụ kiện như vậy được coi là bình thường, nhưng ở Nhật Bản, đó là một vụ bê bối.
Các vụ hiếp dâm ở Nhật Bản muốn đưa ra tòa phải có bằng chứng không thể chối cãi. Thông thường, những vụ việc như vậy không thể tìm được nhân chứng cũng như bằng chứng và chỉ có thể dựa trên lời khai của người trong cuộc. Kết quả là, chỉ khoảng một nửa số vụ hãm hiếp được đưa ra xét xử tại Nhật Bản và ngay cả khi phiên tòa diễn ra, đối tượng cũng khó bị buộc tội.
Tỷ lệ kết án ít ỏi đó còn do kết quả trực tiếp của luật pháp Nhật Bản. Theo đó, tấn công tình dục chỉ được tính là cưỡng hiếp nếu chứng minh có bạo lực thể xác. Nạn nhân phải chứng minh rằng họ đã làm tất cả những gì có thể để tự vệ.
Với Shiori Ito, cô đâu biết hết quy định của pháp luật như vậy. Chỉ biết, khi tỉnh dậy trong khách sạn hôm 4-4-2015, cô thu dọn quần áo, ra khỏi khách sạn, trốn vài ngày tại nơi ở của một người bạn. Mấy ngày đó, cô hầu như không ăn hoặc ngủ, thay vào đó như người mất hồn.
Vào ngày 9-4, Ito đã đệ đơn khiếu nại hình sự chống lại Yamaguchi. “Tôi đã rất ngây thơ khi tin vào hệ thống luật pháp”, Ito nói. Các nhân viên cảnh sát đã lấy bằng chứng từ quần áo của Ito, kiểm tra lời khai nhân chứng và cảnh quay từ camera an ninh của khách sạn. Và tháng 6-2015, lệnh bắt giữ Yamaguchi đã được ban hành. Nhưng sau đó, cảnh sát đã đảo ngược quyết định và vụ việc được chuyển sang một bộ phận khác, bắt đầu điều tra lại.
Đến tháng 7-2016, hơn 1 năm sau khi Ito nộp đơn kiện, các công tố viên đã đình chỉ điều tra, cho rằng không có đủ bằng chứng để đưa Yamaguchi ra tòa. Ito chắc chắn rằng Yamaguchi đã pha vào đồ uống thứ gì đó khiến cô xỉu đi, nhưng không có bằng chứng. Trong khi đó, Yamaguchi phủ nhận việc đã bỏ thuốc cho Ito uống và nói rằng cô đã say đến mức ông ta không muốn để cô tự lái xe về nhà.
Người lái xe taxi đưa 2 người họ đến khách sạn làm chứng rằng người phụ nữ đã yêu cầu xuống ga tàu gần nhất, nhưng cô gái dường như không còn biết gì và bị ném vào hàng ghế sau. Yamaguchi xác nhận việc 2 người đi taxi tới khách sạn, nhưng ông ta nói rằng Ito đã hồi tỉnh khi màn đêm buông xuống. Ông ta kể, khi tỉnh dậy, Ito cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình và rằng cô đã đề nghị được “quan hệ” với ông ta.
Nỗi đau biến thành sự phản kháng
Shiori Ito đã cố gắng tiếp tục sống với đam mê của mình là làm báo, làm phim và đi du lịch đến Mỹ Latinh. Nhưng cô không thể quên đêm đó trong phòng khách sạn Tokyo. Ito đã phải chịu đựng những cơn hoảng loạn, mỗi khi nhìn thấy những người giống với Yamaguchi, cô lại run rẩy và khóc. “Bạn không chỉ một lần phải chống chọi với vụ hiếp dâm, mà gần như mỗi ngày”, nạn nhân chia sẻ.
Shiori Ito sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, nhưng bắt đầu đi du lịch nước ngoài từ rất sớm. Khi 15 tuổi, cô sang Mỹ học một năm, sống với một gia đình chủ nhà ở Kansas. Đó là một trải nghiệm quý để Ito có được vẻ tự tin, hướng ngoại, trái ngược với hầu hết các cô gái ở Nhật Bản, những người được nuôi dạy với bản tính nhút nhát và dè dặt.
Là một phóng viên, Ito đã tới Peru, Sierra Leone và Đức. Cô sống ở New York, làm một bộ phim tài liệu và phỏng vấn phiến quân Colombia. Có lẽ những kinh nghiệm này đã giúp Ito làm điều mà nhiều phụ nữ Nhật Bản dè dặt: Thay vì chấp nhận quyết định của các công tố viên, cô sẽ “chiến đấu” tới cùng. Và “cuộc chiến” mà Ito phát động đã giúp thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ ở Nhật Bản.
Vào ngày 29-5-2017, Ito đã đệ đơn kiện dân sự đối với Yamaguchi tại tòa án Tokyo. Cô đã tìm được đội ngũ luật sư tin cậy để theo đuổi công lý. Sau khi đại diện pháp lý của cô nộp đơn khiếu nại, Ito đã mời phóng viên họp báo trong một phòng của tòa án. “Hai năm trước, tôi đã bị hãm hiếp. Khi trải qua các quá trình tố tụng tiếp theo, tôi đã đau đớn nhận ra thực tế là các hệ thống tư pháp và xã hội ở Nhật Bản hoạt động không đứng về phía các nạn nhân của tấn công tình dục”, Ito chia sẻ với báo giới. “Nhưng chúng ta phải làm rõ những điều này. Điều đó không chỉ vì tôi mà còn là một quyền cơ bản của con người”.
Ito đòi bồi thường 11 triệu yên, tương đương với khoảng 93.000 euro. Tuy nhiên, trên hết, cô muốn thấy những cải cách trong hệ thống tư pháp Nhật Bản để các vụ tấn công tình dục tương tự cũng được công nhận, ngay cả trong trường hợp thủ phạm không gây thương tích cho nạn nhân.
Công lý được thực thi
Đây là lần đầu tiên một phụ nữ Nhật Bản công khai cáo buộc kẻ hiếp dâm của mình theo cáchnhư vậy. Nhưng ngay lập tức, điện thoại của Shiori Ito ngập tràn tin nhắn, cả động viên và thóa mạ cô. Đàn ông gọi Ito là “con điếm” hay “kẻ dối trá”, nhưng cũng có nhiều phụ nữ đứng về phía Yamaguchi. Khi gặp Ito trên đường, người ta soi xét rồi thì thầm to nhỏ. Trong khi đó, nhà báo Yamaguchi cũng phản công, cáo buộc Ito nói dối và kiện ngược về việc bị Ito hủy hoại danh tiếng.
Lo ngại cho sự an toàn của mình, Ito rời Nhật Bản vào tháng 10-2017 và chuyển đến London, nơi cô thành lập một công ty sản xuất. Vào mùa xuân năm 2019, nỗi lo lắng của Ito ngày càng tăng lên. Phiên tòa đang đến gần và viễn cảnh giáp mặt với Yamaguchi tại tòa là khó thể tránh khỏi. Sự khủng hoảng tinh thần của Ito lên tới đỉnh điểm, cô tự kết liễu đời mình trong cơn hoảng loạn. Ito đã viết thư tuyệt mệnh trước khi uống thuốc ngủ, nhưng may mắn tỉnh dậy trong bệnh viện.
Sau lần “chết đi sống lại” ấy, Ito quyết tâm đối mặt với nỗi đau của mình. Cô có nhiều kẻ thù ở Nhật Bản, nhưng quá trình tố tụng diễn ra càng kéo dài, cô càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Trong một sự kiện mà Ito tổ chức cùng với các luật sư của mình, người tham gia đóng góp một khoản phí nhằm hỗ trợ cho vụ kiện mà Ito theo đuổi, nhưng thật bất ngờ, căn phòng kín chỗ, thậm chí có khách phải đứng. Khán giả vỗ tay rầm rộ bởi những người đồng cảnh ngộ như Ito muốn được chia sẻ sau khi đã im lặng quá lâu.
Vào ngày 18-12-2019, Shiori Ito cuối cùng cũng tìm được công lý cho chính mình khi tòa án ra phán quyết Ito thắng kiện và được bồi thường 3,3 triệu yên (30.000 USD), đồng thời bác bỏ đơn kiện của Yamaguchi.
Nền kinh tế Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc, họ còn đứng đầu thế giới về tỷ lệ dân số có bằng đại học, chiếm hơn 50%. Nhưng theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về tình trạng bình đẳng giới, Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 110 trong số 149 quốc gia, sau các quốc gia như Ghana, Armenia và Myanmar. Và không có minh họa nào cho những thách thức mà phụ nữ ở Nhật Bản phải đối mặt rõ ràng như câu chuyện của Shiori Ito.
Nguồn: Anninhthudo.vn
Học từ vựng tiếng nhật theo chủ đề ép dập kim loại từ A-Z
Ép dập kim loại là một trong những ngành nghề tuyển dụng đi xuất khẩu lao động Nhật Bản và được nhiều người tìm kiếm nhất. Vì thế, Chúng tôi sẽ tổng hợp các từ vựng chuyên ngành ép dập kim loại thông dụng nhất.