Cô gái Nhật nặng lòng với nông dân Việt

Hơn 20 năm qua, chị Ino Mayu (người Nhật) gắn bó với dự án phát triển cộng đồng dành cho nông dân Việt Nam. Dấu chân của chị in đậm tại các vùng quê, cùng người nông dân xây dựng nền nông nghiệp sạch.

Và khi còn là sinh viên chuyên ngành lịch sử ở Tokyo, Mayu đã dành tiền để du lịch Việt Nam

Cô gái Nhật nặng lòng với nông dân Việt - Ảnh 1.

Chị Ino Mayu và một nông dân tỉnh Bến Tre tham gia dự án trồng rau hữu cơ - Ảnh: C.K.

Đến vì chữ "duyên"

Tháng 3-1997, sau khi tốt nghiệp, Mayu đến Việt Nam lần nữa và học tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.

May là tên Việt Nam của chị. Khi tiếp xúc, mọi người rất khó đoán chị là người nước ngoài bởi May nói tiếng Việt khá trôi chảy. Chị bảo trước đó học tiếng Việt quả là thách thức lớn. Nhưng bằng sự kiên trì từng ngày, chị đã vượt qua điều đó.

"Thời điểm đấy nhu cầu của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cần người biết tiếng Việt nên tôi cộng tác. Đa phần các dự án trợ giúp người dân nông thôn nên tôi có dịp gặp gỡ nhiều nông dân ở Sơn La, Hòa Bình, Hải Phòng, Nghệ An... Khi tổ chức tôi làm việc không còn triển khai dự án ở Việt Nam, mọi thứ cũng còn dang dở nên tôi tự lập tổ chức Seed To Table (từ hạt giống đến bàn ăn) để tiếp tục hỗ trợ họ" - chị Mayu chia sẻ.

Dù không phải là dân học chuyên ngành nông nghiệp nhưng chị lại kết nối nhiều nguồn lực để hỗ trợ nhà nông. Trước đây những chương trình hỗ trợ dành cho việc phát triển chăn nuôi như "ngân hàng bò", "ngân hàng vịt"... giúp nông dân những con giống đạt chuẩn để họ chăn nuôi theo đúng quy trình. Vốn vay của họ chính là con giống, sau này trả lại bằng những lứa bò con, vịt con để chuyển cho hộ khác tiếp cận chương trình... Cứ thế "nhân giống" lên và hàng trăm hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.

Khi triển khai dự án nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Bến Tre khoảng chục năm nay, chị Mayu cùng bà con bắt tay vào hành trình cải tạo đất, chọn hạt giống và nhờ những đối tác chuyển giao kỹ thuật chăm sóc... để những hạt rau phải đạt chuẩn theo hệ thống PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia).

Ban đầu có gần trăm hộ nông dân đăng ký tham gia nhưng vào làm thực tế, buộc phải đảm bảo quy trình từ cải tạo đất đến việc bắt sâu bằng tay hoặc dùng những loại dung dịch tự giã từ tỏi, ớt... để trừ sâu thì nhiều hộ xin rút lui. "Để có được mớ rau sạch, nông dân rất vất vả. Có vài hộ đã lén dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng do sự giám sát lẫn nhau khiến họ không thể qua mắt được mọi người. Ban đầu rất đông nông dân nhưng dần dần có người xin ra khỏi. Những ai còn ở lại là những người rất tâm huyết" - chị cho biết.

Rồi dự án nhận tín hiệu vui hơn khi tìm được thị trường cho nông dân. Rau đạt chuẩn bán với giá cao nên thu nhập của họ tăng gấp đôi so với trước.

Dạy trò trồng rau sạch

Không chỉ giúp nhà nông gắn bó lâu dài với dự án mà chị Mayu còn triển khai thêm cho thầy và trò tại các trường THCS và THPT tỉnh Bến Tre mô hình "Vườn rau của em", hướng dẫn cải tạo những vạt đất sạch, che lưới và ươm mầm.

Những luống rau xanh mướt được đôi tay nhỏ bé của các cô cậu học trò chăm sóc cẩn thận. Khi thu hoạch rau, các em được tự thu về, bán ra và gây quỹ thực hiện những hoạt động ý nghĩa khác... "Chính học trò sẽ nói lại để phụ huynh cùng tham gia xây dựng nền nông nghiệp sạch. Mai này nếu các em có làm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng phải xuất phát từ mong muốn làm ra những sản phẩm sạch, tốt cho mọi người" - chị Mayu tâm đắc.

Chị cho biết thêm các em rất hào hứng tham gia, đồng thời các trường ủng hộ cao chương trình này. Hiện Seed To Table đã triển khai tại 12 điểm trường học và sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai.

"Tôi đến Việt Nam để học và hiện là giám đốc của dự án Seed To Table, với mong muốn mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho nông dân. Khi tôi đến nông thôn, cuộc sống của người dân còn khó khăn, sản phẩm làm ra không có giá trị trên thị trường, điều ấy càng thôi thúc tôi có trách nhiệm hơn, trong đó có cả tình yêu đã dành cho Việt Nam suốt hơn 20 năm... Tôi đã xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình" - chị tâm sự.

Chị thông tin dự án tại Bến Tre sẽ kết thúc đầu năm 2021. Hiện chị được lãnh sự quán Nhật Bản tài trợ để đưa dự án đến với tỉnh Đồng Tháp, đồng thời hỗ trợ số tiền hơn 124.700 USD. Chị nói có lẽ đây là "duyên" nên ít nhất cũng phải ba hay bốn năm nữa khi dự án tại Đồng Tháp hoạt động ổn, chị mới biết mình về Nhật hay tiếp tục ở lại Việt Nam.

Theo: tuoitre.vn

Tags:
Cách tự kiểm tra xem có bị nhiễm virus Covid-19 không?

Cách tự kiểm tra xem có bị nhiễm virus Covid-19 không?

Cùng tìm hiểu triệu chứng của Covid-19 và cách tự bảo vệ mình – Lời khuyên của bác sĩ Nhật Bản & Đài Loan

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất