‘Chốn thiên đường’ của những người độc thân tại Nhật Bản
Hình thức nhà trọ cộng đồng (Shared house) đang thịnh hành tại Nhật khi số lượng người độc thân ngày một tăng. Ảnh: Strait Times
Nhà trọ cộng đồng hay nhà ở ghép (shared house) đang trở thành chọn lựa cho người độc thân Nhật Bản. Loại hình cư trú này có phòng riêng tiện nghi cùng nhà tắm, phòng sinh hoạt chung hiện đại, phòng nghe nhạc cách âm và không gian tổ chức tiệc tùng hay thậm chí tìm kiếm tình yêu của đời mình.
Mô hình này có từ cách đây 20 năm, song gần đây trở nên thịnh hành do số lượng người độc thân Nhật Bản không ngừng gia tăng. Theo thống kê công bố năm 2010, 20% nam giới và 10% phụ nữ Nhật chưa từng kết hôn trước tuổi 50. Con số này được dự báo sẽ tăng lên lần lượt là 20% và 20% trong hai thập kỷ tới.
Ai Hasegawa, 30 tuổi, hiện sống tại Ryozon Park, một nhà trọ cộng đồng 40 phòng ở ngoại ô thủ đô Tokyo.
“Là người làm nghệ thuật, có những ngày tôi không bước ra khỏi cửa và làm dự án tại nhà. Thời gian sống tại London, Anh, tôi từng bị trầm cảm vì lối sống này. Do đó khi về Nhật Bản, tôi không muốn điều đó lặp lại”, Hasegawa chia sẻ.
Khu shared house cho phép cô tiệc tùng hàng đêm cùng nhiều bạn trẻ khác. Nhờ đó, cô có cơ hội gặp gỡ nhiều người từ mọi tầng lớp xã hội.
Trong ba năm qua, các dự án shared house ở Nhật đã tăng gấp ba lần, cung cấp khoảng 40.000 phòng cho khách hàng có nhu cầu, theo thống kê của Hiệp hội Shared House Nhật Bản. Hituji Incubation Square, công ty điều hành một cổng tìm kiếm trực tuyến shared house tại Nhật, cho biết số lượng bất động sản trong phân khúc này tăng 20 lần kể từ khi website hoạt động 10 năm trước.
Nhà trọ thời thượng
Các phòng sinh hoạt chung cho phép người độc thân bầu bạn, mở rộng quan hệ xã hội hay tìm kiếm tình yêu của đời mình. Ảnh: Strait Times.
Trước đây, nhà ở ghép không được xem là nơi ở lý tưởng vì người ở phải chia sẻ phòng tắm, nhà bếp, nhà vệ sinh. Ngày nay, vấn đề này đã được khắc phục.
Giá thuê phòng ở shared house không hề rẻ, dao động từ 450-1.400 USD/tháng, đã bao gồm phí nội thất, wifi, bảo trì và vệ sinh tại các khu vực chung, đắt hơn phí thuê căn hộ tại Nhật.
Tuy nhiên, khách hàng độc thân vẫn khá hài lòng khi đổi sự riêng tư lấy một nơi ở rộng rãi. Đa số cho rằng đây là hình thức hợp túi tiền để tận hưởng không gian sống thời thượng với nội thất đẳng cấp.
Hasegawa cho biết, căn bếp nơi cô ở được lắp đèn chùm, sofa da sang trọng đặt tại phòng sinh hoạt chung và nơi đọc sách. Ngôi nhà cũng có cả phòng tập gym, phòng nghe nhạc và một sân thượng đón nắng.
Shared house còn hút khách vì không yêu cầu đặt cọc và cho phép khách hàng thuê trong thời gian ngắn, tối thiểu là một tháng, linh hoạt hơn so với căn hộ truyền thống tại Nhật. Nanako Otake, người phát ngôn Hituji, cho biết thị trường được thúc đẩy bởi người ngoại quốc tại Nhật. Nhu cầu giao tiếp với người nước ngoài cũng giúp mô hình này phát triển.
Nobuki Arai đang sống tại khu shared house cùng 100 hàng xóm và nhận xét loại hình nhà ở này rất tiện lợi.
“Sống tại đây thú vị hơn tôi mong đợi. Không gia sinh hoạt chung và nhà tắm công cộng là điểm cộng, tôi cũng có cơ hội để trò chuyện với nhiều người nước ngoài”, Arai nói.
Nơi gieo mầm tình yêu
Các cặp vợ chồng nên duyên nhờ một khu shared house tại Nhật. Ảnh: Strait Times
Theo nghiên cứu của một công ty môi giới nhà tại Nhật, Tokyo là thành phố khá “đáng sợ” với nhiều người, kể cả người Nhật từ nơi khác chuyển đến. Do đó, nhiều khách hàng chọn shared house để “có người bên cạnh và giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp”. Không ít người tìm tới shared house để tìm kiếm “một nửa”.
Hideharu Miyakawa, 32 tuổi và vợ, Yuki Usami, 37 tuổi gặp nhau tại Rozan Park vào tháng 9/2012. Sau 11 tháng hẹn hò, họ kết hôn.
“Chúng tôi hiểu rõ thói quen của đối phương trước khi chính thức chung sống. Thật tuyệt khi được về nhà cùng nhau sau những buổi hẹn hò”, Miyakawa nói.
Ryozan Park cũng là nơi nên duyên của 11 cặp đôi khác từ khi khu nhà mở cửa 5 năm trước. Theo Noritaka Takezawa, chủ nhân shared house này, không gian sống cộng đồng giúp mọi người dễ tương tác và gần gũi nhau hơn.
Còn tại nơi Arai đang sống có 10 đôi đang hẹn hò. Suốt ba năm ông ở đó, khoảng 11 cặp đã kết hôn.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều thoải mái với không khí của ngôi nhà chung. Keiko Tamura quyết định rời shared house sau 6 tháng vì áp lực hoà nhập cộng đồng.
“Không tham gia các sự kiện, bạn bị nhận xét là người thô lỗ hoặc không thân thiện”, cô nói. “Nhưng tôi đã phải chi khá nhiều tiền để mua đồ ăn thức uống trong các buổi tiệc đó”.
Nguồn: baonhat.com
Khả năng đặc biệt của người Nhật, ngủ say không báo thức vẫn không quên giờ xuống tàu
Qua nhiều thập niên, người Nhật Bản nổi tiếng với đức tính cần cù, chăm chỉ. Không khó để có thể chứng kiến cảnh nhân viên công sở ngủ say trên các chuyến tàu điện ngầm sau 1 ngày dài làm việc. Cái hay ở chỗ, họ ngủ nhưng họ không quên giờ xuống tàu!