Chàng trai từ “con ngõ nhỏ“ vượt qua hơn 46.000 thí sinh giành học bổng 7,5 tỷ vào đại học top 9 Mỹ
Đầu tháng 6, trong khi bạn bè cùng tuổi bận rộn thực tập, làm thêm trước khi vào năm cuối đại học, Lê Việt Hùng, 21 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu, mới bắt đầu hành trình lấy bằng cử nhân. Hai tháng nữa, cậu sẽ tới Đại học Duke (Mỹ) với học bổng 325.000 USD trong bốn năm, tương đương 7,5 tỷ đồng.
Theo US News & World report, Duke đứng thứ chín trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ. Trong mùa tuyển sinh 2021-2022, tỷ lệ chấp nhận của Duke chỉ 6,17% bởi số lượng hồ sơ nhận được nhiều kỷ lục - hơn 50.000 nhưng chỉ tiêu chưa đầy 3.100. Vượt qua tỷ lệ cạnh tranh khốc liệt và nhận học bổng lớn trong bối cảnh các đại học Mỹ đều cắt giảm ngân sách do Covid-19, với Hùng, là thành quả vô giá sau hành trình "chậm mà chắc".
Lê Việt Hùng, chủ nhân học bổng 7,5 tỷ đồng của Đại học Duke (Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lớn lên ở thành phố Vũng Tàu, Việt Hùng lần đầu sống xa nhà khi trúng tuyển lớp chuyên Toán của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM). Với lực học tốt và có chứng chỉ tiếng Anh, học hết lớp 10 ở Việt Nam, Hùng sang Singapore theo học bổng ASEAN dành cho học sinh Đông Nam Á, học chương trình quốc tế Cambridge trong bốn năm.
Trước khi sang Singapore năm 2018, chàng trai Vũng Tàu đã mơ du học Mỹ. Yêu thích Toán học và các ngành liên quan STEM, Hùng thấy đây cũng là thế mạnh của mình và muốn phát triển theo hướng học thuật, nghiên cứu. Trong những đại học Mỹ, Hùng chọn Duke vì trường có nhiều chương trình cho sinh viên gặp gỡ, nghiên cứu cùng các giáo sư từ sớm. Nam sinh nhận định, Đại học Duke cũng rất mạnh về Toán và STEM nên "hoàn toàn phù hợp với định hướng" của bản thân.
Từng thi SAT và đạt 1520/1600 khi học lớp 10 tại Việt Nam, Hùng quyết định thi lại. "Hội đồng tuyển sinh sẽ đánh giá thành tích ứng viên dựa trên môi trường sống và học tập. Điểm 1520 của mình có thể tạm đủ nếu chỉ học ở Việt Nam nhưng thấp khi so với các bạn tại Singapore. Đây cũng là kết quả chưa đủ ấn tượng để chinh phục đại học top đầu Mỹ", nam sinh giải thích. Với vốn tiếng Anh sẵn có cùng nền tảng Toán học, Hùng dành một tháng sưu tập đề và tự ôn luyện. Lần này, cậu đạt 1590 điểm, thuộc top 1% thế giới.
Hùng (bên trái) và gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kết quả SAT thuộc nhóm "không thể đánh bại" nhưng Hùng gặp nhiều khó khăn với bài luận chính. "Mình phải lục lại ký ức, tìm những điều muốn viết và có thể viết. Liên hệ với cuộc sống đang trải nghiệm tại Singapore, mình chọn đề tài tinh thần gắn kết cộng đồng", nam sinh chia sẻ.
Cuộc sống tại con ngõ nhỏ của thành phố Vũng Tàu giúp Hùng cảm nhận sự gắn bó, thân thiện của làng xóm và cộng đồng. Khi học ở TP HCM, mỗi lần biết Hùng về, các bác đều qua chơi và mang tặng nhiều đồ ăn. Tình cảm gắn bó, sự nồng hậu của cộng đồng là điều Hùng nhớ nhất khi sang Singapore.
Trong một lần tình cờ, khi cậu đang ghép tranh tại phòng sinh hoạt chung của ký túc xá, các bạn đã tham gia cùng. Lâu dần, Hùng và các bạn thành lập một nhóm chơi thân, thường xuyên chia sẻ những khó khăn của cuộc sống xa nhà. "Mình nhận ra, mình đã mang tinh thần gắn kết cộng đồng từ con ngõ nhỏ đến tận Singapore, sau này là Mỹ. Mình muốn trở thành người kết nối và mang tinh thần này tới mọi nơi mình qua", Hùng chia sẻ về thông điệp bài luận.
Khác với Việt Nam, Hùng phải hoàn thành các kỳ thi tại Singapore vào cuối năm - trùng thời điểm với quá trình apply. Trong hai năm 2020-2021, vì Covid-19, cậu cũng không thể về Việt Nam thăm gia đình. Không có người thân, bạn bè ở bên trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, lại gặp áp lực khi phải cân bằng giữa ôn thi và viết luận, Hùng nhiều lúc thấy stress và bí bách. Để vượt qua căng thẳng, nam sinh thường xuyên gọi điện, chia sẻ những khó khăn và nhờ bố mẹ, bạn bè thân thiết góp ý cho bài luận. Đến cuối tháng 10/2021, ít ngày trước khi hết hạn, Hùng mới hoàn thành hồ sơ.
Ngoài SAT và bài luận, nam sinh cho rằng điểm sáng của hồ sơ còn đến từ thành tích hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu dày dặn. Bốn năm tại Singapore, cậu tham gia hai nghiên cứu khoa học, trong đó một dự án được làm cùng một giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang, trường hàng đầu châu Á.
Dự án còn lại của Hùng liên quan tới nguyên lý của hiện tượng đồng bộ khi hai cây nến cháy cạnh nhau, nằm trong khuôn khổ cuộc thi Singapore Young Physicists’ Tournament. Để hoàn thành, cậu đã mất nửa năm trong phòng thí nghiệm, số lần thất bại không đếm xuể. Dù chỉ được giải ba đồng đội, đây là trải nghiệm đáng nhớ nhất của Hùng trong nghiên cứu khoa học. Nhờ hoạt động này, cậu học được kỹ năng phản biện, viết báo cáo khoa học - những phẩm chất quan trọng với người có định hướng học thuật.
Hùng (thứ hai từ trái sang) thường xuyên tham gia các cuộc thi, dự án khoa học. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giữa tháng 12, Hùng nhận thư trúng tuyển từ Đại học Duke. Vẫn còn trong cảm giác lâng lâng và chưa dám tin, cậu tiếp tục nhận được đề nghị hỗ trợ tài chính 81.000 USD mỗi năm học. "Giá trị học bổng vượt mong đợi nên mình và gia đình rất nhẹ nhõm trước kết quả này", Hùng nói.
Cô Sally Ng và thầy Sim Peng Nam, giáo viên chủ nhiệm của Việt Hùng tại Raffles Institution (Singapore), ấn tượng với sự thông minh và năng động của cậu học sinh Việt Nam. Các giáo viên đánh giá với khả năng giải quyết vấn đề và hiểu biết phong phú, Hùng thích tự thử thách bản thân.
Trong khi trường Raffles cho phép đăng ký 12 học phần, Hùng chủ động đăng ký 13. Không chỉ hoàn thành các học phần với kết quả xuất sắc, cậu còn giành hàng loạt giải thưởng Toán và khoa học trong nước và quốc tế. "Chúng tôi đủ tự tin để nói rằng với tố chất và kỹ năng của mình, Hùng có thể đóng góp và tạo ra sự khác biệt tại bất kỳ tổ chức hay lĩnh vực nào em tham gia", các giáo viên chia sẻ.
Đầu năm nay, Hùng hoàn thành chương trình học tại Singapore và trở về Việt Nam. Để chuẩn bị tốt cho việc hòa nhập tại môi trường đa văn hóa ở Mỹ, cậu đang tranh thủ hoàn thiện kỹ năng cá nhân, tự học lập trình, dịch sách tiếng Anh, phụ đạo SAT miễn phí.
Hùng dự định học hai chuyên ngành STEM trong năm đầu tiên tại Duke và tích cực tham gia các hoạt động chuyên đề, nghiên cứu khoa học. Quá trình chuẩn bị hồ sơ du học cho cậu nhiều trải nghiệm ý nghĩa, dù có những lúc căng thẳng. "Khi apply một đại học mà biết là rất khó, mình đã dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Nhờ vậy mà hành trình phía trước càng trở nên hứa hẹn", Hùng nói.
Thần đồng 11 tuổi thi đỗ ĐH Oxford, 17 tuổi có bằng tiến sĩ nhưng tuổi thơ không chút tiếng cười: Cuộc đời quay quanh những nốt nhạc trầm buồn.
Ruth Lawrence là 1 trong những nhân vật trẻ tuổi nhất thế giới nhận được tấm bằng tiến sĩ. Cô cũng thuộc top 30 người thông minh nhất hành tinh. Tuy nhiên, cuộc đời cô lại quay quanh những nốt nhạc trầm buồn.