Cậu bé mồ côi 2 năm nuôi heo để dành tiền ăn học
Câu chuyện của cậu bé Hồ Minh Hiếu, học sinh lớp 5C, Trường tiểu học Nguyễn Thành, xã Bình Quý (Thăng Bình, Quảng Nam) - được nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung (Bình Phước) ghi lại - thu hút nhiều sự chú ý.
Hiếu mồ côi mẹ từ sớm, cha bỏ đi. 12 tuổi, em chỉ học lớp 5, do sau khi mẹ mất, em được đưa sang Lào sống với cậu. Cuộc sống bên kia biên giới thiếu người quan tâm khiến Hiếu như gần quên tiếng mẹ đẻ. Lúc được đưa về Việt Nam năm hơn 7 tuổi, Hiếu mới bắt đầu đi học.
Hiện tại, Hiếu sống cùng gia đình nhà dì. Chồng dì và người con thứ của họ mất khả năng lao động do ảnh hưởng tâm thần. Dì phải vào TP HCM rửa bát thuê. Ở nhà, Hiếu cùng một anh họ khác chăm hai người tâm thần.
Đây là con heo nái mà bà ngoại cho em làm vốn liếng, đó cũng chính là gia tài bé nhỏ của em. Hiếu chăm con heo của mình chu đáo. Hàng ngày, em cắt rau và đến chợ xin thức ăn thừa về cho nó. Em tắm rửa, nhìn ngắm và vuốt ve nó giống như cách người ta chăm một con thú cưng.
Nay heo mẹ vừa sinh được ba chú heo con, niềm vui của Hiếu lại nhân lên nhiều lần. Anh Lê Văn Dũng (27 tuổi, anh họ của Hiếu) cho biết: "Hiếu nuôi con heo này 2 năm, đẻ được 3 lứa. Mỗi khi bán được heo con, em vui lắm. Lứa trước heo mẹ đẻ được 8 con, nhưng phải đợt giá rẻ, chỉ bán được mấy trăm nghìn. Lứa sau được 3 con, bán được 900 nghìn. Hiếu lấy tiền đó đi chợ và chi tiêu việc học".
Ở trường, dù lớn tuổi hơn các bạn cùng lớp nhưng nếu nhìn vào thân hình nhỏ bé của Hiếu thì không thể nhận ra điều đó.
Một bức tranh Hiếu vẽ dì. Với em, dì là người quan trọng nhất.
Bà Hồ Thị Trí, 51 tuổi, (dì của Hiếu) cho biết mỗi tháng, bà đi làm thuê được khoảng 5 triệu đồng và gửi về 3 triệu cho Hiếu, cùng chồng và con trai chi tiêu. "Hiếu nuôi lợn để có việc làm và niềm vui, về cơ bản tôi vẫn nuôi bé là chính. Vì bệnh của chồng và con tôi vẫn đang điều trị nên thường ngày tôi sẽ gọi dặn Hiếu đi chợ mua gì. Thằng bé đi chợ rất khéo". Bà cũng cho biết bố của cậu bé mất liên lạc từ ngày vợ mất, năm Hiếu gần 4 tuổi.
Tan học, những đứa trẻ khác sẽ về nhà ăn tối hoặc xem truyền hình, nhưng Hiếu thì còn nhiều công việc khác. Em ghé vào chợ để mua thức ăn về chuẩn bị bữa cơm tối.
Hiếu trở về nhà với chiếc giỏ xe chứa rau và cá. Em khoe, bán được heo là đưa anh họ giữ hết. Hàng ngày anh sẽ đưa cho em tiền ăn sáng và đi chợ.
Sau đó, em sẽ phụ dượng nấu cơm tối, tiếp theo là chuẩn bị bữa tối cho chú heo của mình. Vì anh Dũng đi làm tối mới về, Hiếu thường cũng sẽ tắm rửa luôn cho đàn heo của anh.
Cô Tô Thuý Hằng, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thành cho biết: "Khi mới được đưa từ Lào về, trên người Hiếu có nhiều chỗ bị ghẻ lở. Thời gian đầu vào học, Hiếu cũng không giao tiếp được. Ai hỏi là em bẽn lẽn cười, hoặc bỏ chạy".
Thời gian sau đó, nhà trường đã có buổi họp lại tìm ra giải pháp cho trường hợp của Hiếu. Giờ ra chơi mỗi ngày, cô giáo sẽ ở lại kèm em nói tiếng Việt. Hiếu được khuyến khích tham gia các trò chơi dân gian, dần dần cậu giao tiếp thông thạo, được bạn bè thương mến và học tiên tiến.
"Hiếu còn ít tuổi mà hiểu chuyện, lại thật thà. Có lần tôi cởi áo mưa đánh rơi chiếc lắc tay trên sân trường, tìm mãi không thấy. Em nhặt được, biết là của tôi, liền chạy đến trả. Ở trường các bạn biết hoàn cảnh đều cưu mang Hiếu, kể cả những người bán hàng rong ngoài cổng cũng hay cho Hiếu đồ ăn", cô Hằng cho biết thêm.
Ông Đặng Nhân - trưởng thôn Quý Thạnh 1 (Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết Hiếu mồ côi mẹ từ lâu. Hiện em sống cùng ông bà ngoại và các dì, dượng của mình.
Hiếu chỉ có một mong ước là dì của em trở về quê làm việc, để cả gia đình được sống bên nhau hạnh phúc.
Nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung, tác giả bộ ảnh "Hiếu và gia tài bé nhỏ" cho biết, anh đã tìm thấy Hiếu qua nhiều nguồn tin, trên hành trình thực hiện dự án "100 câu chuyện trẻ em Việt Nam".
Nguồn: vnexpress.net
Hết BVS, du học sinh Việt lại đua nhau khoe vali chứa đầy mì tôm vì sợ ở nước ngoài không bán
Trước khi đi du học Nhật Bản thì hào hứng với bao điều mới lạ đang chờ đón trước mắt nhưng đi rồi mới biết cuộc sống du học xa nhà nhiều điều tủi thân lắm. Cuộc sống ở Nhật không giống như những suy nghĩ khi ở nhà đâu.